Theo quy hoạch đến năm 2010, huyện Vĩnh Cửu hoàn thành dự án 1 ngàn hécta bưởi. Nhưng đến nay, toàn huyện mới thực hiện được hơn 700 hécta. Để hoàn thành đủ diện tích như đã quy hoạch là bài toán không dễ.
Theo quy hoạch đến năm 2010, huyện Vĩnh Cửu hoàn thành dự án 1 ngàn hécta bưởi. Nhưng đến nay, toàn huyện mới thực hiện được hơn 700 hécta. Để hoàn thành đủ diện tích như đã quy hoạch là bài toán không dễ.
Huyện Vĩnh Cửu nổi tiếng với bưởi Tân Triều, trung bình mỗi năm nông dân thu lời 150-200 triệu đồng/hécta. Cá biệt, có một số hộ nhờ áp dụng kỹ thuật mới vào khâu chăm sóc và xử lý cây cho trái vào dịp Tết, có thể lời trên 250 triệu đồng/hécta/năm.
* Trồng bưởi không dễ
Hiện nay, diện tích bưởi của huyện Vĩnh Cửu khoảng 705 hécta, tập trung ở hai xã Tân Bình và Bình Lợi. Đặc sản bưởi Tân Triều được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến từ lâu. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng nhập khẩu bưởi Tân Triều với số lượng lớn, song với số lượng hiện nay không đủ tiêu thụ trong nước, huống hồ xuất khẩu.
Một gia đình ở ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình mạnh dạn chuyển đổi đất lúa sang trồng bưởi theo quy hoạch. Ảnh: H.Giang |
Qua khảo sát thực địa tại một số xã, huyện cho thấy điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với cây bưởi và chất lượng trái cũng không thua kém bưởi được trồng ở vùng đất Tân Triều. Và Vĩnh Cửu đã tiến hành quy hoạch vùng trồng bưởi với diện tích khoảng 1 ngàn hécta. Dự án 1 ngàn hécta bưởi dự kiến hoàn thành vào năm 2010, nhưng do thiếu vốn đầu tư hạ tầng, đầu tư trồng mới… nên đến nay vẫn chưa thực hiện xong.
Diện tích bưởi còn lại chưa trồng được gần 300 hécta, tập trung ở các xã: Tân Bình, Tân An và Bình Lợi. Trong đó, một số cánh đồng lúa sẽ được chuyển sang trồng bưởi. Song việc chuyển 1 hécta đất lúa sang trồng bưởi đến khi có sản phẩm thu hoạch thì nông dân cần vốn đầu tư từ 700-800 triệu đồng. Với nhiều hộ nông dân, đây là khoản tiền quá lớn, vượt quá khả năng cho đầu tư trồng bưởi.
Ông Quản Trọng Minh ở ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình cho hay: “Tôi có 0,3 hécta đất trồng lúa ở cánh đồng Tân Triều - Vĩnh Hiệp được đưa vào quy hoạch vùng trồng bưởi. Trồng bưởi lợi nhuận cao gấp hơn 10 lần trồng lúa nên tôi đồng ý sẽ chuyển đổi. Nhưng muốn trồng bưởi, Nhà nước phải hỗ trợ nông dân làm đường, kéo điện ra đồng và cho vay vốn với lãi suất ưu đãi trong khoảng 5-6 năm”.
Hầu hết các hộ có đất được quy hoạch chuyển đổi sang trồng bưởi ở huyện Vĩnh Cửu đều có mong muốn như ông Minh.
* Bao giờ cho đến một ngàn?
Để chuyển đổi những vùng đất trồng lúa, trồng cây ngắn ngày sang trồng bưởi, nông dân phải đào mương lên liếp. Vốn đầu tư bỏ ra đến lúc cây bưởi được thu hoạch rất lớn. Nông dân sẽ vay vốn từ đâu vì đầu tư dự án cho cây trồng lâu năm như vậy cũng khiến các ngân hàng ngán ngại. Đồng thời, với việc đầu tư một số vốn lớn, nông dân còn thêm nỗi lo về tuổi thọ của cây bưởi trên vùng đất mới.
Hiệu quả của cây bưởi cao gấp nhiều lần so với các cây trồng khác, vì vậy huyện Vĩnh Cửu quy hoạch chuyển đổi các cây trồng khác sang bưởi, không chỉ nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn tính đến phục vụ du lịch sinh thái. Tuy nhiên, trồng mới cây bưởi đến khi có trái thu hoạch nông dân mất từ 5-6 năm. Trong khoảng thời gian này, ngoài nguồn vốn bỏ ra đầu tư khá lớn, nông dân hầu như không có nguồn thu nào khác, đây là một trong những khó khăn khiến việc chuyển đổi kéo dài. |
Ông Lê Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Tân Bình, cho biết: “Cánh đồng lúa Tân Triều - Vĩnh Hiệp rộng khoảng 70 hécta dự tính chuyển sang trồng bưởi, song hiện vẫn còn nhiều khó khăn không dễ thực hiện. Ngoài khó khăn về vốn đầu tư, cánh đồng này có đến gần 500 hộ đang sản xuất, nhiều hộ chỉ có vài trăm mét vuông đến một sào nên khi làm hạ tầng, nhiều hộ sẽ không còn đất hoặc còn rất ít đất”.
Các xã khác có quy hoạch vùng trồng bưởi cũng đang gặp những vướng mắc tương tự. Trao đổi với chúng tôi về dự án 1 ngàn hécta bưởi, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Võ Văn Phi khẳng định, dự án 1 ngàn hécta bưởi phải đến năm 2020 mới hoàn thành. Để có nguồn vốn chuyển đổi sang trồng bưởi, huyện sẽ đề nghị tỉnh có cơ chế riêng về vốn vay dài hạn cho nông dân. Bên cạnh đó, huyện tiến hành làm hạ tầng cho những cánh đồng lúa phải chuyển đổi và hướng dẫn kỹ thuật nâng cao lợi nhuận trên những diện tích bưởi đã có. Khi thấy lợi nhuận từ trồng bưởi cao, nông dân sẽ mạnh dạn chuyển đổi.
Hương Giang