Mặc dù năm 2012 được các chuyên gia kinh tế nhận định còn nhiều khó khăn, song, với lĩnh vực may mặc xuất khẩu ngay từ đầu năm các doanh nghiệp (DN) đã gặp nhiều thuận lợi về đơn hàng. Đây là cơ hội tốt để ngành may mặc Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế xuất khẩu của mình.
Mặc dù năm 2012 được các chuyên gia kinh tế nhận định còn nhiều khó khăn, song, với lĩnh vực may mặc xuất khẩu ngay từ đầu năm các doanh nghiệp (DN) đã gặp nhiều thuận lợi về đơn hàng. Đây là cơ hội tốt để ngành may mặc Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế xuất khẩu của mình.
Trong mấy năm gần đây, ngành may mặc xuất khẩu trong nước liên tục tăng trưởng tốt. Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2010 xuất khẩu của dệt may đạt 11,2 tỷ USD và năm 2011 đạt trên 13,5 tỷ USD. Mục tiêu ngành dệt may Việt Nam đặt ra trong năm 2012 là phấn đấu xuất khẩu đạt 15 tỷ USD, tăng 10-12% so với năm 2011.
Công nhân Donagamex đang kiểm tra hàng trước khi xuất. Ảnh: V. NAM |
Ở Đồng Nai, các DN may mặc xuất khẩu đã gặp thuận lợi ngay từ đầu năm mới 2012 với những đơn hàng sản xuất lớn. Anh Nguyễn Văn Hoàng, Phó giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến (Dovitec) cho biết, hiện tại công ty đã có trong tay hợp đồng tới tháng 9-2012. So với năm 2011, lượng hàng của Dovitec năm nay tốt hơn cả về số lượng lẫn đơn giá. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của Dovitec đạt 378 tỷ đồng, tăng hơn 50 tỷ đồng so với năm 2010. Mặc dù thị trường Mỹ gặp khó khăn, song Dovitec đã phát triển tốt ở các thị trường khác, đặc biệt là Nhật nên mức tăng trưởng vẫn đạt cao. Năm nay vẫn trong xu hướng nhiều khách hàng Nhật bỏ thị trường Trung Quốc tìm đến Việt Nam để đặt hàng nên việc chọn lựa đơn hàng có nhiều thuận lợi. “Những năm trước mặc dù có được đơn hàng sớm nhưng cũng có thời gian sản xuất bị gián đoạn, riêng năm nay hợp đồng có sớm và tương đối trải đều. Ngoài các thị trường quen như: châu Âu, Mỹ, Nhật năm nay công ty mở được thêm thị trường Nga nên hợp đồng sản xuất tương đối tốt”, anh Hoàng nói.
Cũng như Dovitec, Tổng công ty may Đồng Nai (Donagamex) hiện đã có hợp đồng đến tháng 8-2012. Theo đánh giá của Donagamex, năm 2012 thị trường Mỹ có chiều hướng phục hồi và thị trường Nhật vẫn đang ổn định, đây là điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu hàng may mặc. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Bùi Thế Kích, Tổng giám đốc Donagamex năm 2012, các DN may mặc vẫn còn phải chống đỡ với một số khó khăn như: đối phó với DN Trung Quốc vì nước này đầu tư trở lại cho ngành công nghiệp may nên việc cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Bên cạnh đó, tình hình khủng hoảng nợ công châu Âu vẫn chưa có tiến triển tốt sẽ ảnh hưởng đến sức mua. Nguồn nguyên liệu phụ thuộc nhiều từ nhập khẩu và tình trạng lạm phát trong nước cũng làm ảnh hưởng đến sản xuất.
Từ những phân tích khó khăn trên, Donagamex đã có những giải pháp riêng để tiếp tục phát triển. Donagamex vẫn đặt mục tiêu doanh thu năm 2012 là 1.200 tỷ đồng, tăng 300 tỷ đồng so với năm 2011.
Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, mặc dù năm 2011 kinh tế thế giới còn khá khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vẫn đạt giá trị tăng trưởng cao, do các DN trong nước đã làm tốt công tác dự báo thị trường, đặc biệt là tạo dựng tốt mối quan hệ và niềm tin với các khách hàng. Nhờ đó, tăng trưởng xuất khẩu ở các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, Nhật vẫn ổn định. Một số thị trường mới được mở rộng như Hàn Quốc, Canada đã góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu cho lĩnh vực này, đơn cử như tại thị trường Hàn Quốc xuất khẩu dệt may năm 2011 đạt gần 800 triệu USD.
Tuy vậy, ngành dệt may cũng đưa ra khuyến cáo là các DN may mặc Việt Nam phải giảm các đơn hàng gia công và tăng tỷ lệ hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) và ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm cho khách hàng); tăng sử dụng sợi P.E do các DN trong nước cung cấp để giảm mức độ phụ thuộc vào giá bông vải không ổn định. Việc tăng tỷ lệ hàng FOB cũng đã được Donagamex thực hiện khá thành công trong năm qua, chiếm tỷ trọng 96% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Vân Nam