Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiệu quả từ nuôi heo siêu nạc

07:01, 30/01/2012

Nhờ chịu khó học hỏi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi giống heo siêu nạc mà gia đình anh Nguyễn Phú Thanh ở ấp Trung Nghĩa, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc có nguồn thu nhập đáng kể trên 200 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí đầu tư.

 

Nhờ chịu khó học hỏi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi giống heo siêu nạc mà gia đình anh Nguyễn Phú Thanh ở ấp Trung Nghĩa, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc có nguồn thu nhập đáng kể trên 200 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí đầu tư.

Anh Thanh đang tắm cho đàn heo. Ảnh: N.TRANG
Anh Thanh đang tắm cho đàn heo. Ảnh: N.TRANG

Năm 1997, vợ chồng anh Thanh bắt đầu bước vào lĩnh vưc chăn nuôi. Với đồng vốn ít ỏi từ dành dụm và vay mượn, anh “thử sức” nuôi 5 con heo nái và 50 con heo thịt. Nuôi mấy lứa đầu thấy có lãi, anh rất mê. Mấy năm sau, vợ chồng anh đánh liều vay thêm tiền ngân hàng đầu tư nuôi trên 100 con heo thịt và 20 con heo nái. Do chưa nắm vững kỹ thuật và cách phòng ngừa dịch bệnh nên năm 2009 heo bị dịch bệnh chết rất nhiều, thêm vào đó giá heo hơi sụt giảm khiến anh bị lỗ nặng.

Thất bại nhưng vợ chồng anh Thanh vẫn quyết tâm đeo bám nghề chăn nuôi. Anh chị tìm hiểu thêm kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh qua sách báo và tiếp tục vay vốn để phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh chuồng trại. Trang trại chăn nuôi heo siêu nạc của gia đình anh được xây dựng mới cao ráo thoáng mát, có khu vực xử lý phân và được chia làm 4 khu vực, gồm: Khu nuôi lợn nái sinh sản, khu cho lợn đẻ nuôi con, khu nuôi lợn con cai sữa và khu vực nuôi lợn thịt. Các khu chuồng trại này rất thuận lợi cho việc chăn nuôi theo quy trình khép kín. Tất cả công việc cho heo ăn và uống nước được thực hiện theo quy trình tự động. Mỗi ngày hai vợ chồng anh chỉ mất 2 giờ vào đầu buổi sáng và cuối buổi chiều để đi kiểm tra thú y, kiểm tra lượng cám trong máng ăn tự động để điều chỉnh và dọn dẹp vệ sinh chuồng trại.

Chị Nguyễn Thị Bích Loan, vợ của anh Thanh, cho biết:  “Nuôi heo giống siêu nạc quan trọng nhất là chuồng trại phải thoáng mát, sát trùng định kỳ mỗi tuần 2 lần, thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra thú y. Tiêm phòng đầy đủ các loại bệnh, như: dịch tả, lở mồm long móng, bệnh tụ huyết trùng theo quy định của cơ quan thú y. Thức ăn của heo phải rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng, không bị mốc và không bị nhiễm khuẩn. Ngoài ra, cần chú ý theo dõi các triệu chứng của heo để chủ động  phòng dịch”. 

Nhờ chịu khó học hỏi kiến thức từ các lớp tập huấn kỹ thuật do Hội Nông dân xã phối hợp với trạm khuyến nông huyện tổ chức, đồng thời đúc rút kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi nên đàn heo của gia đình anh Thanh đã phát triển ổn định. Tháng 12 -2011, anh Thanh đã xuất bán hơn 10 tấn lợn thịt, lãi trên 140 triệu đồng. Trong dịp Tết, anh Thanh còn xuất bán 80 con heo thịt và  luôn duy trì nuôi 20 con lợn nái để chủ động nguồn giống cho trang trại của mình. Với mô hình chăn nuôi này, hàng năm gia đình anh đạt lợi nhuận trên 200 triệu đồng.

Như Trang

 

 

 

Tin xem nhiều