Trong bối cảnh khoa học - công nghệ ngày càng phát triển, thị hiếu tiêu dùng thông qua các kênh thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng nở rộ sẽ tác động tới sự phát triển của hoạt động TMĐT ở các địa phương, trong đó có Đồng Nai.
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm, hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: H.Quân |
Để thúc đẩy TMĐT phát triển theo hướng bền vững, việc đầu tư dài hạn về cơ sở hạ tầng, công nghệ, logistics, nhân lực… là vô cùng quan trọng. Đồng thời, cơ quan quản lý cần cập nhật, hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng yêu cầu phát triển, hạn chế những “lỗ hổng”, biến tướng trong TMĐT.
* Xây dựng nền tảng về nhân lực, hạ tầng dữ liệu
Theo Cục TMĐT và kinh tế số (Bộ Công thương), những năm gần đây, TMĐT tại Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ. Hiện tại, trên 73% dân số Việt Nam sử dụng internet, trong số đó có tới 78% người dùng tham gia mua sắm trực tuyến. Năm 2022, TMĐT tiếp tục là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế số với tốc độ tăng trưởng 20% và doanh thu TMĐT bán lẻ (B2C) đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. TMĐT Việt Nam xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về quy mô và dẫn đầu về tốc độ phát triển.
Các nhà bán hàng hiện đại đang ngày càng chú trọng và tiến đến đa kênh. Trong đó, vai trò nổi bật của hệ sinh thái công nghệ số là giúp tổng hợp nhiều nhu cầu của người tiêu dùng và đáp ứng chúng dưới các mức độ tích hợp khác nhau. Do đó, để thúc đẩy TMĐT phát triển bền vững, các địa phương, doanh nghiệp (DN) cần chú trọng phát triển về hạ tầng kinh tế số, đổi mới công nghệ, phương thức bán hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, nhân lực…
TMĐT chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong hệ thống thương mại nội địa. Vì vậy, cần bổ sung, hoàn thiện chính sách, văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động ứng dụng TMĐT và các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ số để mở ra cơ hội đáng kể cho DN khai thác ưu thế của TMĐT. |
Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT (Cục TMĐT và kinh tế số - Bộ Công thương) Nguyễn Văn Thành chia sẻ, vấn đề nhân lực rất quan trọng trong việc phát triển hoạt động TMĐT ở các địa phương, trong đó có Đồng Nai. Khi kết hợp, tích hợp với các hoạt động thanh toán trực tuyến và dịch vụ logistics cần có đội ngũ nhân lực đủ năng lực, hiểu biết để tư vấn cho khách hàng có thể hiểu sản phẩm, mua sản phẩm nhanh chóng, thuận lợi nhất. Đồng thời, nâng cao hiệu quả của hoạt động truyền thông, quảng bá cho sản phẩm địa phương trên các sàn TMĐT, nhất là sàn TMĐT của địa phương.
Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia về TMĐT, với xu hướng phát triển của các hình thức bán hàng đa kênh như hiện nay, việc các DN thiết lập hệ thống data (dữ liệu) về thông tin khách hàng, từ đó định hướng, xác định cơ chế hoạt động, phân khúc khách hàng để xây dựng chiến lược phát triển, kinh doanh, marketing là một trong những điểm mấu chốt để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra lợi thế để DN tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng.
Ngoài ra, cần có phương pháp thống kê, xây dựng, phân tích cơ sở dữ liệu về doanh thu, tỉ trọng TMĐT, kinh tế số một cách phù hợp, chuẩn xác để các địa phương có kế hoạch phát triển TMĐT dài hơi, bền vững.
Tại hội thảo Quản lý và phát triển TMĐT toàn quốc vừa diễn ra vào giữa tháng 9-2023, Phó trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công thương Đặng Trần Nhật Thoại kiến nghị, Bộ Công thương cần phối hợp với Tổng cục Thống kê công bố chỉ tiêu tỉ trọng doanh thu TMĐT hàng năm của từng địa phương. Qua đó giúp minh bạch số liệu và tạo cơ sở xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển TMĐT một cách đồng bộ, hiệu quả, góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước về phát triển TMĐT tại địa phương…
* Cần hoàn thiện khung pháp lý
Hiện nay, TMĐT ngày càng được khai thác sâu, mở rộng phát triển. Tuy nhiên, khung pháp lý dành cho hoạt động TMĐT cần được hoàn thiện hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt trong bối cảnh TMĐT Việt Nam tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ trong thời gian qua.
Nếu trước đây muốn khởi nghiệp kinh doanh thì điều đầu tiên các DN nghĩ tới là địa điểm mở cửa hàng, nhưng ngày nay ngồi đâu cũng có thể bán hàng thông qua giao dịch trực tuyến, đặc biệt là không ít DN có doanh số và doanh thu tăng cao khi tham gia sàn TMĐT.
Các mô hình TMĐT ngày càng đổi mới, các chuỗi cung ứng truyền thống với sự hỗ trợ của sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin trở thành chuỗi cung ứng thông minh, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế số. Tuy nhiên, sự cạnh tranh trong lĩnh vực TMĐT đang ngày càng khốc liệt. Do vậy, nắm bắt xu hướng toàn cầu để không bị tụt lại phía sau là điều các sàn TMĐT, DN cần lưu ý.
Ông Trần Tuấn Anh (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho hay, người tiêu dùng ngày càng mua sắm thông minh hơn, tìm kiếm các sản phẩm chất lượng, cũng như đòi hỏi trải nghiệm mua sắm thú vị hơn thay vì chỉ tập trung vào ưu đãi, khuyến mãi.
"Để bắt kịp sự phát triển mạnh mẽ hiện nay của TMĐT, các nhà quản lý, nhân sự của các sàn TMĐT cần nghiên cứu, cập nhật thêm thông tin về giải pháp công nghệ, chiến lược kinh doanh phù hợp với xu thế mới để mang đến những trải nghiệm tinh tế và giá trị thiết thực cho người tiêu dùng số" - ông Tuấn Anh nhận định.
Hải Quân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin