Thời gian qua, trước những biến động, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh đã được ban hành. Điều đó góp thêm động lực và tiềm lực cho DN phục hồi.
Định mức tái chế bao bì cao sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa: V.Gia |
Mục tiêu chung là hỗ trợ, tháo bỏ rào cản song việc thực thi chính sách vẫn chưa đồng bộ, thậm chí còn tình trạng gỡ chỗ này lại vướng chỗ khác, khiến cho DN gặp rất nhiều khó khăn.
* Chi phí đội lên vì tuân thủ các quy định mới
Đó là một trong những thực trạng hiện nay của các DN. Đơn cử như việc quy định đối với an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) các công trình và nhà ở. Trong 3 năm, từ 2020-2022, Bộ Xây dựng đã liên tiếp ban hành 3 bộ quy chuẩn quốc gia về an toàn PCCC cho nhà và công trình (QCVN 06) với các phiên bản 2020, 2021, 2022. QCVN 06:2022/BXD mới có hiệu lực từ đầu năm 2023 nhưng sau khi ra đời đã gặp phản ứng mạnh từ cộng đồng DN do các quy định cứng nhắc và tiêu chuẩn quá cao về PCCC khiến họ khó hoạt động.
Đến tháng 5-2023, Bộ Xây dựng đã phải ban hành quyết định hỏa tốc về việc sửa đổi và ban hành bộ quy chuẩn mới để thay thế QCVN 06:2022/BXD. Quá trình lấy ý kiến sửa đổi QCVN 06:2022/BXD cho thấy bộ quy chuẩn này quá phức tạp và không bao quát. Từ đó dẫn đến tình trạng có nhiều cách hiểu khi áp dụng và làm phát sinh bất đồng ý kiến giữa DN và các cơ quan chuyên môn của Nhà nước.
Cùng với các chính sách cởi trói, để hỗ trợ DN thì cần thêm các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ, kích cầu tiêu dùng từ các bộ, ngành, địa phương. Việc kích thích tiêu dùng, tăng tổng cầu của nền kinh tế là việc hết sức quan trọng trong bối cảnh DN sụt giảm đơn hàng như hiện nay. |
Tại các buổi làm việc, tiếp xúc với UBND tỉnh, cơ quan chức năng trong thời gian vừa qua, nhiều DN đã phản ảnh về vấn đề tuân thủ chi phí PCCC làm đội lên chi phí.
Bà Nguyễn Thị Kim Phượng, Ủy viên Ban Kiểm tra Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH Việt Tiến Anh (TP.Biên Hòa) cho hay, các DN đang gặp rất nhiều khó khăn. Những vướng mắc về việc đầu tư hệ thống PCCC để đạt tiêu chuẩn theo quy định có khi chiếm hơn 30% tổng chi phí công trình. Bên cạnh đó, thủ tục rườm rà, thời gian làm hồ sơ kéo dài nên có DN buộc phải tạm ngưng hoạt động sản xuất.
Tương tự, mới đây 14 hiệp hội ngành hàng đã có kiến nghị lên Bộ TN-MT cùng một số bộ, ngành khác về dự thảo là định mức chi phí tái chế (Fs) cao bất hợp lý và bất cập trong triển khai thực hiện đóng góp tái chế (EPR). Theo các hiệp hội, định mức Fs của nhiều loại bao bì, vật liệu được đề xuất cao bất hợp lý, gây khó khăn rất lớn cho sản xuất, kinh doanh. Một số định mức chi phí tái chế Fs cao hơn cả mức Fs trung bình của các nước Tây Âu (là những nước rất phát triển và có chi phí đắt đỏ), điển hình như Fs của nhôm cao gấp 1,26 lần, của thủy tinh cao hơn 2,12 lần…
* Chính sách hỗ trợ cần đồng bộ
Trên thực tế, Nhà nước đã ban hành rất nhiều giải pháp hỗ trợ DN, nhưng yêu cầu đặt ra hiện nay là cần có những hành động cụ thể, quyết liệt và sớm triển khai các giải pháp đó một cách hiệu quả. Chính sách hỗ trợ DN cần nhanh chóng, thuận tiện, đúng và trúng đối tượng.
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai Châu Minh Nguyện, các DN đã kiến nghị giải quyết nhiều vấn đề khó khăn đến các cơ quan có thẩm quyền. Vấn đề DN đang hàng ngày phải đối mặt là việc hạch toán hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, việc triển khai các chính sách từ Nhà nước vẫn còn chậm, nếu không thể kịp thời nhận được hỗ trợ, DN sẽ mất đi một phần nguồn lực để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Đối với nhiều DN, chính sách cho vay vốn ưu đãi vẫn rất khó để chạm tới. Gói hỗ trợ lãi suất mức 2% từ ngân sách cho DN, HTX, hộ kinh doanh thì điều kiện để vay được cũng không dễ dàng. Đã có những DN khi làm thủ tục thấy hồ sơ phức tạp, kiểm tra, kiểm soát nhiều lần nên đã không tiếp tục theo đuổi mà tìm nguồn tài chính bằng phương án khác. Kết quả cụ thể, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai thì mới chỉ có 64 khách hàng trên địa bàn được vay với số tiền hơn 7,8 tỷ đồng. |
Nhận xét về vấn đề này, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh, vấn đề lớn nhất DN gặp phải là ở sự đồng bộ trong chính sách và thực thi chính sách.
Trong khi Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nỗ lực giảm lãi suất thì nhiều lĩnh vực khác lại có những chính sách làm tăng chi phí kinh doanh của DN.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, hiện tốc độ của quyết định hành chính quá chậm so với quyết định kinh doanh. Rất nhiều dự án đầu tư kéo dài hàng năm trời, nhiều nhà máy chưa thể đưa vào hoạt động theo đúng kế hoạch vì trục trặc ở khâu này, khó ở khâu khác. Các DN nêu một trong những khó khăn nhất là phải chờ đợi các quyết định hành chính mà không biết chờ đến lúc nào.
Trên quan điểm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN từ phía Chính phủ, cần sự đồng bộ chính sách của nhiều ngành để đẩy nhanh tốc độ của quyết định hành chính. Bên cạnh đó, hiệu quả thực thi chính sách là sự quan tâm hàng đầu. Nếu triển khai không tốt, chắc chắn hiệu ứng của chính sách sẽ bị giảm đi nhiều và dẫn đến thực tế là chính sách nhiều nhưng DN không thụ hưởng được bao nhiêu.
Văn Gia
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin