Báo Đồng Nai điện tử
En

Chờ cơ chế mua bán điện mặt trời

Lê An
08:06, 13/09/2023

Là lĩnh vực được khuyến khích phát triển nhằm hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 nhưng từ đầu năm 2021 đến nay, cơ chế mua bán điện mặt trời (ĐMT) bị “trống”. Điều này khiến không ít doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư gặp khó khăn, nguồn cung ứng điện bị ảnh hưởng.

Sản xuất công nghiệp sử dụng điện mặt trời áp mái tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Tam Phước (TP.Biên Hòa). Ảnh: Lê An
Sản xuất công nghiệp sử dụng điện mặt trời áp mái tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Tam Phước (TP.Biên Hòa). Ảnh: Lê An

Hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển ĐMT và cơ chế mua bán điện trước ngày 15-9 là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

* “Điện sạch” nhưng chưa có cơ chế

ĐMT (bao gồm: mặt đất, áp mái, mặt nước) được xem là “điện sạch” và được Bộ Chính trị, Chính phủ khuyến khích phát triển. Đây cũng là lĩnh vực nhiều DN muốn thực hiện nhằm giảm chi phí tiền điện, đáp ứng tiêu chí xanh về sản phẩm, dịch vụ. Thế nhưng, gần 3 năm nay, cơ chế chính sách phát triển và cơ chế mua bán ĐMT bị “trống”. Chính sách chưa có, trong khi ngành điện tạm dừng đấu nối các dự án mới, thủ tục triển khai dự án theo hình thức tự sản xuất tự tiêu thụ phức tạp dẫn đến ĐMT gần như “đứng hình”.

Đại diện Công ty CP TKG Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) cho biết, để chuẩn bị cho việc lắp ĐMT áp mái, từ vài năm trước DN đã thuê khảo sát, đánh giá điều kiện, tiêu chuẩn. Sau đó, các bên ký hợp tác triển khai dự án với công suất 20MWp tại Đồng Nai, Cần Thơ và Tây Ninh. Khi đi vào hoạt động, các dự án sẽ đáp ứng hơn 10% nhu cầu điện năng sản xuất và cắt giảm hơn 22 ngàn tấn khí thải carbon/năm. Tuy nhiên, vì chủ trương đấu nối chưa có nên việc hoàn thành lắp đặt và đưa hệ thống này vào sử dụng vẫn chậm.

Lắp đặt ĐMT là giải pháp giúp DN giảm tiền điện, tạo ra sản phẩm “xanh” đáp ứng nhu cầu của các thị trường khó tính; giúp ngành điện giảm áp lực nguồn cung, phát triển hạ tầng lưới điện. Tuy nhiên, vì chưa có các cơ chế chính sách nên DN dù muốn vẫn khó thực hiện.

Một DN dệt may tại Khu công nghiệp Amata cho rằng, tiêu chí cạnh tranh đơn hàng hiện nay không chỉ về giá, chất lượng sản phẩm mà còn phải có các chứng chỉ xanh về nguyên liệu, năng lượng. Do đó, DN phải đầu tư sản xuất công nghệ, tuyển chọn nguyên liệu và chuyển sang sử dụng năng lượng sạch. Song việc thiếu vắng chính sách về ĐMT áp mái là một cản trở. Do đó, công ty mong sớm có cơ chế chính sách với thủ tục thuận lợi để thực hiện dự án.

Tháng 4-2020, Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT ở Việt Nam. Quyết định này chỉ có hiệu lực đến hết năm 2020 và từ đó đến nay chưa có cơ chế chính sách thay thế.

Chia sẻ về câu chuyện này, TS Hà Đăng Sơn, Phó giám đốc chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II - USAID cho rằng, từ 10 năm trước, Việt Nam đã ban hành kế hoạch và chương trình hành động về tăng trưởng xanh. Mới đây nhất, tại Quy hoạch điện 8, Chính phủ cũng đưa ra mục tiêu lớn về năng lượng tái tạo, chủ yếu là điện gió và mặt trời. Đây là cơ hội lớn cho các DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Khó khăn hiện nay là nguồn tài chính xanh cho năng lượng còn ít, cơ chế mua bán vẫn trong giai đoạn hoàn thiện.

* Chờ cơ chế giá

Cũng theo TS Hà Đăng Sơn, hiện có nhiều ngân hàng, tổ chức quốc tế cam kết hỗ trợ tài chính cho năng lượng tái tạo của Việt Nam. Song lo lắng lớn của họ là chính sách bất ổn, thủ tục rườm rà dẫn đến rủi ro lớn. Ông Sơn cho rằng, một chính sách tin cậy và ổn định là “chìa khóa” giúp Việt Nam đón nguồn tài chính xanh, phát triển năng lượng tái tạo và hiện thực hóa các cam kết về giảm phát thải, biến đổi khí hậu.

Một dự án điện mặt trời áp mái tại Đồng Nai. Ảnh: TL
Một dự án điện mặt trời áp mái tại Đồng Nai. Ảnh: TL

Bà Lâm Tố Trinh, Phó tổng giám đốc Sáng tạo đổi mới và phát triển kinh doanh Công ty TNHH NS BlueScope Việt Nam (trụ sở ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, năng lượng là yếu tố quan trọng nhất trong chuyển đổi xanh ở các DN. Đối với các nhà máy xây dựng mới, việc triển khai dự án năng lượng tái tạo tương đối thuận lợi, nhưng với các nhà máy cũ, khu công nghiệp lâu đời thì việc thực hiện không dễ dàng, như nhà máy tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Công ty phải thực hiện nhiều thủ tục, chia nhỏ dự án theo giai đoạn, đầu tiên lắp đặt pin năng lượng mặt trời ở khối nhà văn phòng, sau đó là căng tin và sau cùng mới là nhà xưởng.

Rõ ràng, cơ chế khuyến khích, lợi thế về điều kiện tự nhiên, các cam kết của Chính phủ và xu hướng tiêu dùng của thế giới đang thúc đẩy các DN sản xuất, nhà đầu tư phát triển ĐMT áp mái. Việc còn lại là xây dựng cơ chế chính sách phát triển và cơ chế mua bán trực tiếp để DN thuận lợi triển khai dự án và đảm bảo có lợi nhuận thì năng lượng tái tạo của Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu.

Phó giám đốc Sở Công thương Thái Thanh Phong chia sẻ, nhu cầu lắp ĐMT trên mái nhà xưởng của các DN rất lớn. Tỉnh cũng khuyến khích DN chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng sạch, nếu có khung pháp lý rõ ràng cho ĐMT tự dùng trên các nhà xưởng công nghiệp chắc chắn sản lượng sẽ tăng nhanh.

Chính sách tin cậy và ổn định là mong muốn chung của các cơ quan quản lý, nhà đầu tư. Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 8-7-2023, trong đó yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương sớm hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế phát triển ĐMT áp mái tự sản tự tiêu.

Tiếp đó, ngày 5-9-2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có công điện, trong đó yêu cầu trước ngày 15-9 này, Bộ Công thương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành cơ chế chính sách khuyến khích phát triển ĐMT áp mái tự sản, tự tiêu và cơ chế mua bán điện trực tiếp cho các dự án ĐMT.

Với gần 3 năm qua cơ chế chính sách bị “trống”, nhiều người lo ngại trong vài ngày tới, việc hoàn thiện để trình Thủ tướng cơ chế chính sách tin cậy và ổn định là rất khó.

Lê An

Tin xem nhiều