Mặt trái của internet với giới trẻ
.

Mặt trái của internet với giới trẻ

Phương Liễu - Đăng Tùng - Nga Sơn
16:34, 06/09/2023
 

Trong thời đại bùng nổ thông tin và công nghệ số, việc sử dụng các thiết bị thông minh có kết nối mạng internet giúp người trẻ (bao gồm thanh, thiếu niên và trẻ em) chủ động tiếp cận kho kiến thức mới, mở rộng tư duy, tăng sự sáng tạo… Tuy nhiên, không ít người quá lạm dụng internet dẫn đến “nghiện” làm ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, học tập.

 

<br>
 

Không thể phủ nhận những giá trị tích cực từ internet mang lại cho người trẻ trong học tập, vui chơi, giải trí, phát triển bản thân, kết nối với thế giới trong xu hướng toàn cầu hóa. Tuy nhiên, sẽ tiềm ẩn nhiều tác hại nếu người trẻ không được định hướng, giáo dục về sử dụng mạng an toàn.

Một nghiên cứu của Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TBXH) cho thấy, trẻ em tiếp cận công nghệ quá sớm nhưng lại thiếu sự quản lý, giám sát cần thiết từ phụ huynh sẽ đem lại nguy cơ nhiều hơn là cơ hội cho trẻ. Ngoài ra, việc thường xuyên sử dụng, tương tác trên MXH nhưng thiếu kỹ năng sử dụng mạng an toàn dễ bị đánh cắp thông tin cá nhân, dữ liệu người dùng, bị theo dõi hoặc kẻ xấu lợi dụng sự non dạ, cả tin của trẻ để lừa gạt, thao túng tinh thần.

 

Đến nay em H. (13 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) vẫn còn ám ảnh khi nhớ lại thời gian bị đối tượng Trần Văn Quy (23 tuổi, quê tỉnh An Giang) “khủng bố” tinh thần. Trước đó, thông qua mạng xã hội, H. quen biết và nảy sinh tình cảm với Quy. Từ tháng 2 đến tháng 12-2022, Quy đã ép buộc H. vào nhà nghỉ quan hệ tình dục. Quy còn dùng điện thoại quay lại và dọa sẽ tung ảnh “nóng” lên mạng, gửi cho gia đình H. biết. Sau đó, Quy bị Công an tỉnh bắt giữ vì hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi.

Không chỉ bị dụ dỗ, lợi dụng, thao túng tinh thần, mà nghiện internet, nghiện game online cũng đã khiến một số người trẻ chìm đắm trong game, không tập trung học tập, làm việc để phát triển bản thân.

Thời gian qua, Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 (TP.Biên Hòa) điều trị cho một số trường hợp nghiện game. Trong số đó, có người có thể chơi liên tục nhiều giờ liền, dồn nhiều tiền bạc để được lên cấp trong game, dần bị lệ thuộc và chỉ chọn môi trường mạng để thể hiện bản thân và giao tiếp với các bạn bè ảo trên đó, trong khi ngoài đời thì tự cô lập bản thân khỏi gia đình, bạn bè, xã hội.

 

Điển hình như ngày 29-12-2022, Đỗ Ngọc Hải (20 tuổi, ngụ H.Định Quán) do thiếu tiền tiêu xài, nợ nần và nghiện game đánh bạc trên mạng nên đã dùng dao cướp tài sản của 1 phụ nữ tại xã Suối Nho (H.Định Quán). Hay trước đó, ngày 10-4-2022, Nguyễn Văn Phúc (19 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa), do thiếu tiền chơi game nên đã cùng 2 thanh niên khác đi trộm tại một phòng trọ ở P.Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) để có tiền thỏa mãn thú vui.

Chị Trần Thanh Thảo (ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) lo ngại: “Trong thời điểm nghỉ hè như hiện nay, nhiều phụ huynh không có chỗ gửi nên phải để con ở nhà cùng với cái tivi, máy tính bảng. Do đó, nhiều trẻ tự mày mò lên mạng, chơi game liên tục nhiều giờ mỗi ngày. Việc này dễ dẫn tới nguy cơ nghiện internet, nghiện game; kéo theo đó sẽ tác động không tốt đến thói quen, hành vi của trẻ”.

 

Anh Đinh Vũ Vinh (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) - một người học công nghệ thông tin cho rằng, internet là một trong những phát minh tuyệt vời. Theo anh, khả năng kết nối và tương tác của internet rất nhanh chóng, hữu ích, cho con người cơ hội khám phá nguồn kiến thức vô tận, đặc biệt là ứng dụng từ công nghệ trí tuệ nhân tạo AI. Do đó, nếu biết tận dụng những lợi ích của internet, người trẻ sẽ nâng cao được tư duy, sự sáng tạo và học hỏi được nhiều điều hay.

Đem cái tích cực của internet về gia đình, anh Vinh luôn hướng dẫn các con tận dụng những cơ hội tìm kiếm thông tin, kiến thức ở mọi chủ đề, mọi điều mà các con thắc mắc ngay trên Google hoặc ChatGPT, các video, phim tài liệu khoa học bổ ích, những khóa học trực tuyến ngoại ngữ và nhiều chủ đề khác nhau và ứng dụng  vào học tập và giao tiếp trong cuộc sống.

 

Cũng qua quan sát học trò của mình nhiều năm, cô Nguyễn Thị Tuyết (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa), một giáo viên dạy lớp 4 tại một trường tiểu học ở TP. Biên Hòa chia sẻ: “Tôi để ý trong lớp học, thấy học sinh nào biết sử dụng internet đều nhanh nhẹn và sáng tạo hơn một số em không biết sử dụng. Tôi thấy nếu các em được định hướng trong việc sử dụng internet để tìm kiếm thông tin phục vụ việc học tập hoặc xem, nghe, đọc, chơi những trò chơi lành mạnh sẽ giúp não bộ của các em được rèn luyện tốt hơn về các kỹ năng phán đoán, phân tích và quyết định”.

 

Mới đây, trong một buổi nói chuyện về vấn đề trẻ em với internet tại Đồng Nai, TS Vũ Thiện Toàn, chuyên gia bảo vệ trẻ em, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em kết nối TP.HCM cho rằng, cha mẹ không thể cấm các con sử dụng thiết bị thông minh và MXH. Tuy nhiên, không cấm không có nghĩa là để các em thoải mái sử dụng; cần phải kiểm soát, giám sát việc sử dụng thiết bị thông minh và MXH của trẻ em bằng cách dạy cho các em sử dụng khoa học, chỉ nên kết bạn với ai, biết cách nhận biết thông tin đúng sai trên mạng.

 

Hiện nay, tội phạm công nghệ cao đang sử dụng MXH để các đối tượng thực hiện nhiều hành vi lừa đảo, dụ dỗ thanh, thiếu niên và trẻ em. Cũng về vấn đề này, TS Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Công tác xã hội (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) khuyến cáo, cha mẹ luôn nhắc nhở các con về 4 nguyên tắc an toàn khi sử dụng internet đó là: không cho biết thông tin cá nhân, không dùng chung mật khẩu, không gặp gỡ người lạ trên mạng và tuân thủ thời gian nhất định cho việc sử dụng internet trong ngày.

<br>
 

Ngoài ra, hạn chế chia sẻ những thông tin, hình ảnh nhạy cảm trên MXH; không chia sẻ những thông tin mà bản thân cảm thấy không an toàn cho bản thân mình hay cơ quan, đơn vị của mình; không nên sử dụng một mật khẩu cho nhiều tài khoản khác nhau. Đặc biệt là phải sử dụng chế độ bảo mật 2 bước, sao lưu dữ liệu nhằm tránh được tình trạng mất dữ liệu do những tác động không mong muốn.

 

Chia sẻ tại talkshow An toàn trên không gian mạng do Tỉnh đoàn tổ chức ngày 11-5, anh Ngô Minh Hiếu, chuyên gia kỹ thuật Trung tâm Giám sát và an toàn không gian mạng quốc gia cho rằng, hiện có khoảng 2/3 người dân Việt Nam bị lộ lọt thông tin. Những thông tin lộ lọt có thể được sử dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo, quảng cáo, vay tiền trực tuyến gây nợ xấu làm ảnh hưởng đến nạn nhân hoặc để tống tiền, bôi nhọ danh dự… Vì vậy, mỗi người trẻ nói riêng, mọi người dân Việt Nam nói chung cần phải trang bị kiến thức về an toàn thông tin để không bị kẻ xấu lợi dụng hoặc trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công trên mạng.

 

Xem thêm bình luận