"Trong sự nghiệp hoạt động đối ngoại trên 37 năm của mình, chưa bao giờ tôi phải gắn sâu với công tác lãnh sự và bảo hộ công dân như thế, chưa bao giờ lại gắn bó với từng số phận của từng đấy con người" - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ (kiêm nhiệm Nepal và Bhutan) Phạm Sanh Châu từ New Delhi chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần ngày 14-5.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ Phạm Sanh Châu |
“Trong sự nghiệp hoạt động đối ngoại trên 37 năm của mình, chưa bao giờ tôi phải gắn sâu với công tác lãnh sự và bảo hộ công dân như thế, chưa bao giờ lại gắn bó với từng số phận của từng đấy con người” - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ (kiêm nhiệm Nepal và Bhutan) Phạm Sanh Châu từ New Delhi chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần ngày 14-5.
Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết: “Cộng đồng người gốc Việt ở Ấn Độ hiện nay là một cộng đồng rất nhỏ bé, có khoảng 200 người, sống chủ yếu tập trung ở TP.Chennai, là thành phố biển nằm ở phía đông nam Ấn Độ. Đa phần họ là những người lao động bình thường, một số thuộc thế hệ thứ hai, ba sinh ra trên đất Ấn. Những năm gần đây có thêm một số phụ nữ Việt Nam lấy chồng Ấn Độ và theo chồng sang đây định cư, kinh doanh”.
Nhìn chung, dịch bệnh Covid-19 khiến Ấn Độ ban bố lệnh phong tỏa không ảnh hưởng nhiều đến cộng đống Việt kiều tại Ấn mà “chủ yếu ảnh hưởng đến số lượng khoảng 670 người Việt từ Việt Nam sang Ấn Độ và “mắc kẹt” vì Covid-19” - Đại sứ Phạm Sanh Châu cho hay.
* Thưa Đại sứ, tình hình của 670 người Việt đang “mắc kẹt” vì Covid-19 tại Ấn Độ hiện như thế nào?
- Họ là những người đang làm nghiên cứu sinh, du học sinh ngắn hạn và dài hạn, những tăng, ni hành hương, tu tập, dự một khóa thiền hoặc sang học yoga, thành phần du khách hay sang lao động tại Ấn Độ thì kẹt lại tại 22 trong tổng số 28 bang của Ấn Độ. Họ đăng ký danh sách với Đại sứ quán Việt Nam và nhờ hỗ trợ tìm đường về nước.
“Trong só những người Việt mắc kẹt lại tại Ấn vì Covid-19, có cô gái bị ung thư lưu lạc đơn độc một mình; có tăng sinh tên Huỳnh Long không may qua đời vì bạo bệnh trên đất khách hôm 29-4, đã được hỏa táng và chờ ngày mang tro cốt về với gia đình...” - Đại sứ Phạm Sanh Châu. |
Trong thời gian qua tại Ấn, một số người Ấn gốc Việt có những hoạt động rất đáng biểu dương. Họ làm từ thiện, đóng góp các bữa ăn miễn phí cho người nghèo địa phương. Họ cũng may khẩu trang để tặng cộng đồng (ví dụ ở TP.Chennai).
* Xin Đại sứ cho biết các hoạt động đã hoặc sắp tiến hành của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ trong việc đáp ứng những nhu cầu đặc biệt (nếu có) trong thời dịch bệnh Covid-19 của người Việt ở Ấn?
- Với cộng đồng người Việt ở Ấn, chúng tôi vẫn giữ liên lạc thường xuyên và động viên tinh thần của họ. Họ đã quen sống tại Ấn và cuộc sống không quá xáo trộn hay gây ảnh hưởng xấu.
Với những người Việt đang du lịch, hành hương, học tập, tu nghiệp, công tác ngắn ngày đều “kẹt” lại ở Ấn thì bị ảnh hưởng nhiều vì trong quá trình họ sang đây không thể lường trước dịch bệnh và những tác động của nó (như việc phong tỏa). Có các kỹ sư Việt sang Ấn truyền đạt kỹ năng xây dựng, quản lý doanh nghiệp, phần mềm… Có các bạn trẻ từ Quảng Ngãi sang học luyện kim trong ngành ô tô. Có du học sinh đã học xong, visa cũng hết hạn cần phải về nước.
Một phụ nữ Ấn chỉnh khẩu trang cho con trai ngừa virus tại New Delhi. Ảnh: Reuters |
Sau khi tổ chức chuyến bay thương mại cuối cùng để sơ tán bà con về Việt Nam ngay trước lệnh phong tỏa có hiệu lực ngày 21-3, Đại sứ quán Việt Nam tiếp tục tổ chức một chuyến bay đặc biệt để đưa những người Việt Nam từ Ấn Độ trở về nước dự kiến ngày 19-5.
* Xin Đại sứ cho biết nhận định của cá nhân mình về những ưu điểm và sự hiệu quả công tác phòng, chống ngăn ngừa đại dịch Covid-19 của Chính phủ và người dân Ấn Độ?
- Chính phủ Ấn Độ rất quyết tâm trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19 khi ban bố quyết định phong tỏa (lockdown) toàn quốc từ tháng 3 và sắp tới dự kiến còn gia hạn thêm 2 tuần nữa. Có thể hình dung là việc phong tỏa ảnh hưởng đến gần 1,4 tỷ người, bằng dân số toàn Châu Âu cộng dân số ASEAN. Con số ca nhiễm và người tử vong vì Covid-19 ở Ấn Độ đến thời điểm này không quá nhiều, được đánh giá là kiểm soát dịch bệnh tốt. Dẫu tương lai còn bất ổn và khó đoán, nhưng việc nước này vẫn nằm ngoài tốp 10 quốc gia có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất thế giới tính đến giữa tháng 5-2020 là một thành tựu rất lớn của nước này.
Người Việt ở Ấn Độ - Ảnh: Khánh Linh |
Dù vậy, những nguy cơ mà mọi người lo ngại đó là lúc Chính phủ Ấn bất ngờ ban lệnh phong tỏa, đã không lường đến việc đông đảo lao động nhập cư ùn ùn đi về quê, tạo nên mối đe dọa lớn về lây nhiễm bệnh. Ấn Độ cũng có hơn 250 triệu người được xem là nghèo khổ, khoảng 400 triệu người mưu sinh kiếm sống bằng các công việc hằng ngày (ví dụ bán hàng rong, làm thuê công nhật…), không có tích lũy. Hơn ai hết họ là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch bệnh này. Chính phủ Ấn Độ đã mở gói cứu trợ cho người nghèo, đồng thời các tổ chức thiện nguyện cũng cung cấp những bữa ăn miễn phí, góp phần cứu đói cho nhiều người cùng khổ.
Dân Ấn Độ xếp hàng chờ lên tàu về quê ở nhà ga New Delhi ngày 12-5. Ảnh: Reuters |
* Xin chân thành cảm ơn Đại sứ và xin chúc Đại sứ, gia đình cùng tập thể cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ thật nhiều sức khỏe và công tác tốt!
Trung Nghĩa (thực hiện)