Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng cường bảo vệ quyền lợi người lao động

07:03, 15/03/2023

Thời gian qua, tình trạng bất hòa trong quan hệ lao động dẫn đến các hành vi nhục mạ, ngược đãi, đánh đập làm ảnh hưởng đến sức khỏe, danh dự và tâm lý của người lao động (NLĐ) vẫn còn diễn ra ở một số doanh nghiệp (DN).

Thời gian qua, tình trạng bất hòa trong quan hệ lao động dẫn đến các hành vi nhục mạ, ngược đãi, đánh đập làm ảnh hưởng đến sức khỏe, danh dự và tâm lý của người lao động (NLĐ) vẫn còn diễn ra ở một số doanh nghiệp (DN). Ngoài ra, lợi dụng hiểu biết pháp luật lao động của NLĐ còn hạn chế, một số DN lách luật, không thực hiện các chế độ, chính sách đúng quy định.

Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh tư vấn cho người lao động
Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh tư vấn cho người lao động. Ảnh: T.MY

Trước thực trạng đó, tổ chức Công đoàn và các ngành chức năng đã vào cuộc để bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao hiểu biết pháp luật cho người sử dụng lao động và NLĐ.

NLĐ còn thiệt thòi

Mới đây, chị N.T.A.T., nhân viên thu mua tại Công ty TNHH OT Motor Vina (H.Nhơn Trạch) bị quản lý người nước ngoài đánh tại nơi làm việc phải vào bệnh viện cấp cứu đã gây bất bình cho NLĐ làm việc tại các DN trên địa bàn tỉnh. Điều đang nói, chị T đang có con nhỏ, vừa nghỉ thai sản và mới trở lại làm việc. Sau sự việc trên, đến nay tâm lý chị T. vẫn còn chưa ổn định. Nhiều ngày qua, gia đình đã luôn bên cạnh động viên, an ủi chị T. Ngoài ra, tổ chức Công đoàn đã sát cánh, thăm hỏi, giúp ổn định tâm lý cho chị T.

Nhiều NLĐ trên địa bàn Đồng Nai đều mong muốn tổ chức Công đoàn và các ngành liên quan sâu sát cơ sở, nắm bắt tình hình việc làm, quan hệ lao động tại DN để có giải pháp bảo vệ NLĐ kịp thời. Từ đó, giúp NLĐ an tâm làm việc, duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Ngày 7-3, chị T. đã đến Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh) nhờ tư vấn, hỗ trợ, đòi lại quyền lợi chính đáng của mình. “Tôi mong Công đoàn và các ngành chức năng sớm vào cuộc để có hình thức xử lý đủ răn đe, giúp NLĐ khi đến các DN làm việc được bảo vệ kịp thời” - chị T. cho hay.

Trường hợp bị đánh tại nơi làm việc như chị T. diễn ra không nhiều nhưng khiến NLĐ hoang mang. Theo nhiều NLĐ, tình trạng tổ trưởng, quản lý dùng những lời nói nặng nề, thậm chí nhục mạ, bắt ép công nhân làm việc diễn ra hàng ngày. Những mâu thuẫn trong quan hệ lao động lâu ngày nếu không giải quyết sẽ khiến NLĐ ức chế và năng suất làm việc cũng giảm. Đa số NLĐ đều mong muốn được bảo vệ, có môi trường làm việc văn hóa, an toàn và được tôn trọng để chuyên tâm với công việc.

Chị Lê Thị Mỹ, làm việc tại một DN giày da (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) cho biết, NLĐ đi làm, ai cũng mong có nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, môi trường làm việc không dễ dàng, chị thường xuyên bị quản lý xúc phạm, thậm chí xin nghỉ phép cũng gây khó khăn. Khi gặp những lúc như vậy, chị phải im lặng, vì nếu tranh luận sẽ bị phản ánh và cho nghỉ việc. “Mình phản ánh thì bị đày làm việc nhiều hơn, còn lựa chọn im lặng mà làm việc thì bị thiệt thòi. Bởi vậy, cuộc sống công nhân còn quá nhiều thử thách” - chị Mỹ chia sẻ.

 Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn cho biết, thời gian qua, trung tâm đã đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Nhiều NLĐ đã đòi lại được quyền lợi chính đáng của mình. Đối với trường hợp chị T. bị quản lý đánh, tuy xảy ra ở DN không nhiều nhưng đã gây tâm lý hoang mang cho NLĐ. Trung tâm sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ về mặt pháp lý cho chị T. Trường hợp chị T. vẫn chưa ổn định tâm lý, có thể ủy quyền cho trung tâm để làm việc với các cơ quan chức năng, bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho NLĐ.

Cần bảo vệ NLĐ kịp thời

Tình trạng NLĐ chịu nhiều thiệt thòi bởi không chỉ bị đối xử thiếu tôn trọng dẫn đến mâu thuẫn mà thực trạng lách luật, né tránh trách nhiệm của DN đối với NLĐ cũng diễn ra nhiều nơi. Nhất là thời điểm khó khăn như hiện nay, vấn đề việc làm, thu nhập, đời sống và vị trí việc làm của NLĐ có nhiều thay đổi. Nhiều lao động do hiểu biết pháp luật hạn chế nên bị DN sa thải hoặc tìm mọi cách để NLĐ tự viết đơn xin nghỉ việc.

Anh N.V.H, làm việc tại một DN sản xuất phụ kiện giày ở H.Nhơn Trạch cho hay, từ sau đại dịch Covid-19, công ty đã tìm cách sa thải lao động, nhất là lao động lớn tuổi có thu nhập cao. Một số lao động bị điều chuyển công việc không phù hợp với chuyên môn. Bản thân anh cũng làm quản lý sản xuất với mức lương 18 triệu đồng/tháng nhưng hàng ngày đến công ty, anh không được giao việc mà ngồi đợi đến giờ tan làm. Dù rất bất bình nhưng anh H. nhất quyết không làm đơn xin nghỉ việc.

Theo anh H., DN lấy lý do sản xuất khó khăn nên cắt giảm lao động, đóng cửa một số xưởng sản xuất. Riêng năm 2022, đã có hơn 300 lao động bị cắt giảm. “Những công nhân, quản lý lương cao, nếu không thể cho nghỉ việc thì DN sẽ tìm cách điều chuyển công việc khác để NLĐ chán nản, tự viết đơn xin nghỉ việc” - anh H. cho hay.

Thời gian qua, nhiều NLĐ đã tìm đến tổ chức Công đoàn và Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh để được tư vấn, hỗ trợ. Riêng năm 2022, trung tâm đã tư vấn pháp luật cho gần 6 ngàn lao động và hỗ trợ pháp lý cho 520 trường hợp với các nội dung về: tiền lương, hợp đồng lao động, bảo hiểm, trợ cấp thôi việc… Trung tâm tham gia tố tụng tại tòa 93 vụ, hỗ trợ pháp lý, bảo vệ tại tòa án 15 vụ. Theo đó, DN đã bồi thường cho NLĐ với số tiền hơn 2,6 tỷ đồng. Ngoài ra, các cấp Công đoàn đã thương lượng, làm việc với các DN thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho NLĐ.

Song nhiều chủ DN vẫn cố tình vi phạm, không chấp hành pháp luật lao động và NLĐ vẫn bị thiệt thòi. Trước thực trạng trên, cơ quan chức năng, nhất là tổ chức Công đoàn các cấp cần quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ. Đặc biệt, khi có thông tin hoặc nhận được sự phản ánh của NLĐ liên quan đến chế độ, chính sách chưa thỏa đáng, vi phạm pháp luật và bị đối xử ngược đãi, ép nghỉ việc thì cơ quan chức năng có hình thức xử lý nghiêm để răn đe. Đối với tổ chức Công đoàn, cần vào cuộc quyết liệt đến cùng để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.

Theo luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh, để hạn chế vi phạm pháp luật lao động, xây dựng quan hệ lao động ổn định, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho chủ DN và NLĐ. Đối với chủ DN, nhất là lao động người nước ngoài khi đến Việt Nam làm việc cần tìm hiểu văn hóa, pháp luật Việt Nam để sống, làm việc theo pháp luật. Đối với NLĐ, cần tham gia các lớp tập huấn, truyên truyền về pháp luật lao động, các chế độ, chính sách để nâng cao hiểu biết của mình.

Thảo My

Tin xem nhiều