Báo Đồng Nai điện tử
En

Người lao động kỳ vọng tăng lương trong năm 2024

09:03, 23/03/2023

Bộ LĐ-TBXH vừa có văn bản gửi các tỉnh, thành phố đề nghị tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện mức lương tối thiểu vùng (TTV) tại các doanh nghiệp (DN) áp dụng từ ngày 1-7-2022. Việc rà soát này để có căn cứ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ về việc điều chỉnh mức lương TTV trong năm 2024.

Bộ LĐ-TBXH vừa có văn bản gửi các tỉnh, thành phố đề nghị tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện mức lương tối thiểu vùng (TTV) tại các doanh nghiệp (DN) áp dụng từ ngày 1-7-2022. Việc rà soát này để có căn cứ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ về việc điều chỉnh mức lương TTV trong năm 2024.

Nhiều lao động trên địa bàn Đồng Nai đang kỳ vọng tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 để cải thiện thu nhập. Ảnh: L.Mai
Nhiều lao động trên địa bàn Đồng Nai đang kỳ vọng tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 để cải thiện thu nhập. Ảnh: L.Mai

Thông tin này đang được nhiều người lao động (NLĐ) và các cán bộ Công đoàn kỳ vọng, bởi sau thời gian dài khó khăn do việc làm bị ảnh hưởng, đa số NLĐ đều mong chờ tăng lương để đảm bảo mức sống tối thiểu.

* NLĐ quan tâm, kỳ vọng

Hơn 20 năm làm công nhân tại một DN chuyên sản xuất giày da ở Khu công nghiệp Biên Hòa, chưa có năm nào thu nhập của chị Nguyễn Thị Vy bị giảm sút như năm nay. Theo chị Vy, từ cuối năm 2022 đến nay, tình hình đơn hàng của công ty gặp khó khăn, chị cũng như bao đồng nghiệp khác bị cắt giảm từ 2-3 ngày làm việc trong tuần nên tính chung cả tháng, thu nhập của chị còn hơn chục triệu đồng. Do đó, khi hay tin chuẩn bị khảo sát mức lương TTV để xem xét, đề xuất tăng trong thời gian tới, chị Vy rất vui mừng.

Chị Vy bộc bạch: “So với các năm trước, hiện thu nhập của tôi đã giảm hơn 3 triệu đồng/tháng và hầu như không được tăng ca. Trong khi tôi phải nuôi 3 con đang tuổi ăn học và nhiều chi phí phát sinh khác. Nếu tình hình này kéo dài, cuộc sống của tôi và nhiều lao động khác sẽ chật vật hơn. Chúng tôi hy vọng mức lương TTV tăng vào năm 2024 và kèm với đó, giá phòng trọ, thực phẩm không tăng, NLĐ mới sớm vượt qua khó khăn”.

Còn chị Trần Thị Yến, công nhân làm việc tại một DN sản xuất gỗ thuộc Khu công nghiệp Tam Phước (TP.Biên Hòa) cho biết, mức lương cơ bản của chị hiện được gần 4,7 triệu đồng/tháng. Vì vậy, chị luôn tranh thủ nhận làm tăng ca để có thu nhập khá hơn. Tuy nhiên, tổng tiền lương nhận được hàng tháng của chị cũng chỉ 6 triệu đồng. Còn chồng chị làm lao động tự do, thu nhập không ổn định. Dù cả hai cùng đi làm, nhưng chi tiêu hàng tháng của gia đình phải “thắt lưng buộc bụng” mới đủ.

Theo chị Yến, do quê ở xa nên chị thuê nhà trọ, tiền điện, nước hết 1,7 triệu đồng/tháng. Riêng tiền gửi con đi học mầm non cũng gần 2 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền ăn uống, sinh hoạt phí mỗi ngày… “Với công nhân chúng tôi, tăng lương sẽ góp phần chia sẻ bớt gánh nặng kinh tế sau thời gian khó khăn. Tôi và nhiều lao động rất phấn khởi và mong muốn lương TTV sẽ tăng với mức hợp lý, đáp ứng sự kỳ vọng của NLĐ” - chị Yến chia sẻ.

* Rà soát, đánh giá việc thực hiện lương TTV

Nắm bắt được những khó khăn của NLĐ, Bộ LĐ-TBXH đã yêu cầu các địa phương rà soát, đánh giá việc điều chỉnh, phân vùng lương TTV hiện hành. Cụ thể, đối với lương TTV theo tháng, các địa phương cần rà soát, đánh giá về tình hình triển khai thực hiện mức lương TTV, trong đó có việc thực hiện các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc các thỏa thuận khác có lợi hơn cho NLĐ. Đặc biệt là thỏa thuận về trả lương cho NLĐ qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương TTV; đánh giá những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện mức lương TTV và trả lương cho NLĐ.

Trong năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP về việc tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7-2022. Mức tăng là 6%, kéo dài đến ngày 31-12-2023. Hiện mức lương tối thiểu vùng tháng đang được áp dụng theo 4 vùng gồm: vùng I là 4.680.000 đồng/tháng; vùng II là 4.160.000 đồng/tháng; vùng III là 3.640.000 đồng/tháng và vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng.

Đối với lương TTV theo giờ, cần đánh giá rõ việc triển khai, áp dụng của các DN sau khi Chính phủ lần đầu ban hành mức lương TTV theo giờ. Khảo sát, thống kê các nhóm vị trí, chức danh công việc, lĩnh vực thực hiện trả lương theo giờ, mức lương giờ phổ biến của các công việc trên. Trường hợp có đề xuất điều chỉnh phân vùng tính tiền lương TTV, Sở LĐ-TBXH phối hợp với ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp trao đổi với Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, chi nhánh Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội nghề nghiệp, các nhà đầu tư và các DN trên địa bàn, báo cáo để UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ý kiến gửi về Bộ.

Bộ LĐ-TBXH cũng yêu cầu các địa phương cập nhật tình hình lao động, việc làm, đơn hàng của các DN, cung - cầu lao động trên địa bàn trong quý I-2023; dự báo nhu cầu sử dụng lao động và tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn trong thời gian tới. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị về việc điều chỉnh mức lương TTV áp dụng cho năm 2024 gắn với bối cảnh dự báo. Trên cơ sở báo cáo của các địa phương, Bộ LĐ-TBXH sẽ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định mức tiền lương TTV đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động áp dụng cho năm 2024.

Thực tế, tăng lương TTV trong năm tới là việc cần thiết để đảm bảo đời sống NLĐ. Nhất là thời điểm từ giữa năm 2022 đến nay, đã có hàng ngàn lao động bị ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập.

Nhiều lao động trên địa bàn Đồng Nai đang kỳ vọng tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 để cải thiện thu nhập Ảnh minh họa: Sản xuất tại Công ty TNHH Paramount Bed Việt Nam ở Khu công nghiệp Long Đức (H.Long Thành). Ảnh: Khánh Minh
Nhiều lao động trên địa bàn Đồng Nai đang kỳ vọng tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 để cải thiện thu nhập Ảnh minh họa: Sản xuất tại Công ty TNHH Paramount Bed Việt Nam ở Khu công nghiệp Long Đức (H.Long Thành). Ảnh: Khánh Minh

Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Đồ mộc Chien (Khu công nghiệp Tam Phước, TP.Biên Hòa) Nguyễn Thị Thanh Tin cho hay, thời gian qua, DN giảm đơn hàng đến 50% và phải sản xuất cầm cự để duy trì việc làm cho NLĐ. Hiện đời sống NLĐ gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều cán bộ Công đoàn cho hay, nhiều DN đang nỗ lực phục hồi sản xuất sau thời gian giảm đơn hàng, phải cắt giảm giờ làm của nhiều lao động. Do vậy, việc giữ chân NLĐ lúc này là một trong những nhiệm vụ mà DN đề ra để bảo đảm duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, việc điều chỉnh tiền lương TTV thời điểm này là cần thiết, vì khi lương tăng, NLĐ có thêm chi phí nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như gắn bó với DN.

Theo Bộ LĐ-TBXH, năm 2022, thu nhập bình quân của NLĐ đạt 6,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 12% so với năm 2021. Dù vậy, từ tháng 9-2022 trở lại đây, trước biến động trên toàn cầu, một số DN bị cắt giảm đơn hàng nên phải giảm việc làm, ảnh hưởng tới một bộ phận NLĐ. Thống kê của các địa phương cho thấy, cả nước có hơn 528 DN bị cắt giảm đơn hàng. Tổng số lao động bị ảnh hưởng việc làm trên 637 ngàn người.

Thời gian qua, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức khảo sát mức lương, đời sống NLĐ tại các DN. Qua khảo sát cho thấy, tính cả lương và khoản tiền làm thêm giờ của NLĐ chỉ đủ trang trải các chi phí tối thiểu hàng ngày, đời sống gặp nhiều khó khăn. Nhiều lao động cho biết, mức lương TTV hiện tại quy định tại khu vực rất thấp, chưa đảm bảo đời sống NLĐ. Việc nâng mức lương TTV để đảm bảo cuộc sống của NLĐ trong năm 2024 là rất cần thiết và phù hợp.


Chị NGUYỄN THỊ PHƯƠNG TIÊN, Quản lý nhân sự xưởng VY - Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom): Tạo động lực làm việc cho NLĐ

Việc tăng lương vào năm 2024 là chính sách kịp thời nhằm tạo động lực làm việc cho NLĐ. Khi trực tiếp quản lý công nhân tại xưởng sản xuất, ghi nhận ý kiến của họ, đa phần đều thể hiện sự phấn khởi, vui mừng. Thực tế thời gian qua, DN đơn hàng ít nên thu nhập của NLĐ bị ảnh hưởng, NLĐ kỳ vọng mức lương TTV tăng phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống.

Công nhân HOÀNG THỊ HIẾU, làm việc tại Công ty TNHH Gỗ Lee Fu Việt Nam (TP.Biên Hòa): Tăng lương, cải thiện thu nhập cho NLĐ

Tôi và nhiều lao động rất mong chờ tăng lương TTV trong năm 2024. Thực tế hiện nay, thu nhập của nhiều lao động không đảm bảo mức sống và hàng tháng không có tiền tích lũy để phòng thân. Vì vậy, với công nhân, tăng lương sẽ cải thiện rất nhiều thứ. Ngoài cải thiện tiền lương, Nhà nước và DN cần có chính sách chăm lo lâu dài để NLĐ đảm bảo cuộc sống trong thời buổi vật giá tăng cao như hiện nay.


Lan Mai

Tin xem nhiều
Tin đăng tuyển dụng thực tập sinh tại Vieclam24h Tuyển dụng việc làm nhanh chóng