Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp còn 'thờ ơ' với sức khỏe người lao động

08:03, 25/03/2023

Theo quy định của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động ít nhất 1 lần/năm. Đối với những người làm công việc nặng nhọc, độc hại thì khám ít nhất 2 lần/năm.

Theo quy định của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ (KSKĐK) cho người lao động (NLĐ) ít nhất 1 lần/năm. Đối với những người làm công việc nặng nhọc, độc hại thì khám ít nhất 2 lần/năm.

Công ty TNHH Dona Pacific (H.Trảng Bom) tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Ảnh: T.My
Công ty TNHH Dona Pacific (H.Trảng Bom) tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Ảnh: T.My

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều DN trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá thờ ơ hoặc cố tình ngó lơ công tác KSKĐK cho NLĐ. Thậm chí, ở nhiều DN vừa và nhỏ, việc khám sức khỏe cho NLĐ còn mang tính hình thức để đối phó với các đoàn thanh, kiểm tra của tỉnh.

* Nhiều NLĐ không được KSKĐK

Hơn 1 năm nay, nữ công nhân Đặng Ngọc Ánh, làm việc trong một DN sản xuất giày da ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2, phải đến bệnh viện hàng tháng để chữa bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng. Chị Ánh cho biết, hơn 11 năm làm công nhân và do đặc thù công việc phải ngồi nhiều nên chị thường xuyên bị đau lưng. Lúc đầu, chị chủ quan mua dầu xoa bóp, sau đó, tình trạng đau lưng tiến triển mạnh, chị mới đi khám và phát hiện bệnh. Từ đó đến nay, mỗi tháng chị phải trích một khoản tiền lương để điều trị bệnh và mua thuốc uống.

Theo chị Ánh, hàng năm công ty nơi chị làm việc có tổ chức KSKĐK cho NLĐ. Tuy nhiên, việc khám còn sơ sài và mang tính hình thức. “Đặc thù công ty đông lao động nên việc KSKĐK cho NLĐ chưa được DN đầu tư. Do đó, nhiều lao động có bệnh khó phát hiện sớm để điều trị. Tôi mong DN sẽ quan tâm, cọi trọng sức khỏe của NLĐ để họ đảm bảo sức khỏe làm việc, đóng góp cho DN” - chị Ánh bộc bạch.

Trong các đợt tập huấn công tác an toàn vệ sinh lao động cho các chủ sử dụng lao động, Sở LĐ-TBXH đề nghị các DN cần chủ động thực hiện trách nhiệm của mình đối với việc KSKĐK cho NLĐ. Đây chính là giải pháp tốt nhất để NLĐ được khám đầy đủ, sớm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Qua đó, giúp DN có đội ngũ lao động khỏe mạnh, làm việc năng suất cao.

Còn anh Trần Văn Hinh, làm việc trong lĩnh vực sản xuất đồ gỗ tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa) cho hay, công việc của anh thường xuyên hít phải bụi từ mụn cưa của gỗ và mùi sơn gỗ nhưng ít khi được DN cho đi KSKĐK. Dù biết mình bị thiệt thòi về quyền lợi nhưng nếu nghỉ việc thì không có thu nhập lo cuộc sống. Vì vậy, chỉ khi thấy mình có bệnh nặng, anh Hinh mới đi khám.

Năm 2022, các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định an toàn vệ sinh lao động tại các DN trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, phát hiện nhiều DN không tổ chức KSKĐK cho NLĐ. Có những DN tìm cách “né” hoặc tổ chức khám sơ sài để đối phó với các cơ quan chức năng hoặc tổ chức khám ở phòng khám, cơ sở tư nhân nhỏ để giảm bớt chi phí. Tại nhiều xưởng sản xuất, NLĐ không được trang bị bảo hộ lao động để tránh khói bụi, tiếng ổn. Thậm chí, các DN không quan tâm đến việc quan trắc môi trường lao động. Do đó, các yếu tố độc hại trong quá trình làm việc đã gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe lâu dài của NLĐ, nhất là các bệnh nghề nghiệp như: điếc, viêm phổi...

Giải thích nguyên nhân không tổ chức KSKĐK cho NLĐ, các DN đều trả lời bằng nhiều lý do để né tránh trách nhiệm. Trong đó, lý do chính là dịch bệnh Covid-19 nên DN không tập trung được NLĐ để khám sức khỏe. Có DN nêu lý do gặp khó khăn về sản xuất, kinh doanh, không có đơn hàng. Số DN khác thì cho rằng, tuy không tổ chức KSKĐK nhưng hàng năm đều chi tiền khám sức khỏe cho công nhân theo mức đã quy định…

* Cần xử phạt nghiêm để răn đe

Thời gian quan, một số DN đã thực hiện tốt việc khám sức khỏe cho NLĐ. Điển hình như tại Công ty TNHH Advanced Multitech Việt Nam (H.Nhơn Trạch), hàng năm DN đều phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức KSKĐK cho NLĐ. Riêng những lao động làm việc ở các bộ phận nặng nhọc, độc hại, mỗi năm được khám sức khỏe 2 lần.

Bà Đỗ Thị Thúy Kiều, phụ trách công tác an toàn vệ sinh lao động tại công ty cho hay, NLĐ nếu được tổ chức khám chu đáo, sẽ hạn chế các bệnh nghề nghiệp và họ yên tâm làm việc. Đây cũng là yêu cầu khắt khe của khách hàng trước khi ký kết các đơn hàng mới. “Tôi nghĩ các DN cần lựa chọn những cơ sở y tế uy tín để mang đến chất lượng dịch vụ tốt, đảm bảo kết quả khám chính xác cho NLĐ” - bà Kiều chia sẻ.

Công ty CP Công nghiệp Chính xác Việt Nam (H.Trảng Bom) hàng năm đều hợp đồng với Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tổ chức KSKĐK cho NLĐ. Anh Lê Văn Cường, làm việc tại công ty cho hay, trong đợt KSKĐK gần đây, anh được khám tổng thể gồm: đo huyết áp, kiểm tra chức năng hô hấp, thính lực, thị lực, xét nghiệm máu, siêu âm... So với đi khám ở bệnh viện phải chờ đợi lâu thì khám sức khỏe tại DN, tâm lý anh rất thoải mái. Ngoài ra, đối với các bệnh thông thường, anh và nhiều công nhân khác được các bác sĩ tư vấn chăm sóc để phòng ngừa và chữa trị.

Thực tế nơi nào chủ DN có ý thức, trách nhiệm thì nơi đó NLĐ được quan tâm, chăm lo sức khỏe tốt. Ngược lại, nếu chủ DN “thờ ơ”, NLĐ ít được quan tâm. Từ các đợt kiểm tra thực tế của các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tại DN mới thấy những bất cập, hạn chế trong tổ chức sản xuất và thực hiện các quy định về an toàn lao động, khám sức khỏe cho NLĐ. Nhiều NLĐ vì làm việc quá sức đã bị tai nạn lao động hoặc ngất xỉu tại nơi làm việc. Trong khi đó, NLĐ do thiếu hiểu biết về Luật Lao động nên làm mất đi quyền lợi chính đáng
của mình.

Theo các cán bộ Công đoàn cơ sở, nhiều DN vì lợi ích trước mắt mà cố tình bỏ quên công tác chăm lo sức khỏe cho NLĐ. Do đó, đối với các DN cố tình né tránh trách nhiệm KSKĐK cho NLĐ, các ngành chức năng cần có những hình thức xử phạt nghiêm để răn đe kịp thời. Ngoài ra, tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh lao động nhằm phát hiện những vi phạm về pháp luật lao động, chấn chỉnh, đôn đốc các DN chú trọng đến an toàn, sức khỏe NLĐ.

Thảo My

Tin xem nhiều