Thời gian gần đây, những vụ tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra không chỉ do sự chủ quan của người lao động (NLĐ) mà một phần do doanh nghiệp (DN) chưa quan tâm huấn luyện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho NLĐ trong quá trình làm việc.
Thời gian gần đây, những vụ tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra không chỉ do sự chủ quan của người lao động (NLĐ) mà một phần do doanh nghiệp (DN) chưa quan tâm huấn luyện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho NLĐ trong quá trình làm việc.
Người lao động được tuyên truyền, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động tại một công trình xây dựng ở H.Trảng Bom. Ảnh: L.Mai |
Trước thực trạng trên, đòi hỏi các chủ DN, đơn vị thi công công trình cần chú trọng tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho NLĐ, góp phần xây dựng môi trường làm việc an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của do TNLĐ gây ra.
* Cần huấn luyện ATVSLĐ trực tiếp
Anh Trần Văn Thắng, quê tỉnh Cà Mau có 4 năm làm nghề thợ xây cho các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh cho biết, đặc thù công việc thường xuyên làm ở công trình lớn nhưng anh ít khi được các đơn vị thi công huấn luyện ATVSLĐ. Bên cạnh đó, việc trang bị bảo hộ lao động cũng không được chú trọng, mũ, giày anh phải tự trang bị để bảo vệ sức khỏe cho bản thân.
Anh Nguyễn Chí Linh, công nhân Công ty TNHH Công nghiệp Boad Bright (H.Trảng Bom) bị tai nạn lao động thương tật 52% cho biết, NLĐ trong quá trình làm việc cần có ý thức bảo vệ mình, tích cực tham gia các buổi huấn luyện ATVSLĐ để làm việc đúng quy định, đừng để TNLĐ xảy ra. Bởi khi gặp TNLĐ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần, sức khỏe, để lại thương tật và hệ lụy cho cả gia đình. |
“Tôi nghĩ, các đơn vị thi công khi đã nhận NLĐ vào làm việc nên có những buổi huấn luyện ATVSLĐ trực tiếp tại công trình; đồng thời, hướng dẫn cụ thể các thao tác, máy móc, cảnh báo nguy hiểm trong quá trình làm việc mới đảm bảo môi trường làm việc tốt. Thực tế, hiện nay NLĐ làm ở công trình đều là lao động tự do, không được ký hợp đồng lao động và hưởng các chế độ, chính sách nên khi có sự cố xảy ra, sẽ thiệt thòi rất nhiều. Đối với mỗi công nhân, nên tự nâng cao ý thức bảo vệ mình, không nên chủ quan, coi nhẹ tính mạng” - anh Thắng bày tỏ.
Thực tế, thời gian qua, ở các công trình xây dựng, việc thi công giám sát và huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ còn thờ ơ hoặc thực hiện mang tính chất đối phó. Trong khi đó, điều NLĐ mong muốn là các chủ DN, đơn vị thi công quan tâm coi trọng sức khỏe, tính mạng của NLĐ, bởi khi những vụ TNLĐ thương tâm xảy ra mới đi tìm biện pháp để khắc phục thì đã muộn.
Trong đợt đi kiểm tra ATVSLĐ của đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Xây dựng chủ trì tại các công trình xây dựng mới đây, đoàn đã đề nghị các đơn vị thi công tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại công trình, thường xuyên huấn luyện, nhắc nhở NLĐ nâng cao ý thức tuân thủ các nội quy, quy định trong an toàn lao động, trang bị bảo hộ lao động khi làm việc ở công trình, nhất là ở những mảng tường có độ cao, hạn chế thấp nhất TNLĐ xảy ra tại công trường.
Anh Phạm Xuân Lanh, chuyên viên Ban Quản lý dự án H.Thống Nhất cho hay, rút kinh nghiệm từ vụ sập tường rào ở Khu công nghiệp Giang Điền làm 10 người chết, 14 người bị thương, các đơn vị thi công cần trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để NLĐ chủ động phòng ngừa TNLĐ, hiểu rõ được các tình huống nguy hiểm tiềm ẩn có thể dẫn đến TNLĐ bất cứ lúc nào. Từ đó, NLĐ dự báo được rủi ro, có biện pháp phòng ngừa tai nạn trong quá trình làm việc. Ban Quản lý dự án H.Thống Nhất đã đề nghị đơn vị thi công công trình giám sát chặt chẽ quá trình làm việc, trang bị bảo hộ lao động cho NLĐ, nhất là ở những công trình có mảng tường lớn, nhà cao tầng.
“Để công nhân nâng cao ý thức chấp hành ATVSLĐ, trước khi vào làm việc, các đơn vị thi công nên tập trung công nhân, hướng dẫn cụ thể các quy định, nội quy trong công việc giúp NLĐ biết, nắm bắt và làm việc đúng quy định. Ngoài ra, hằng tháng nên huấn luyện công tác ATVSLĐ để NLĐ nâng cao cảnh giác, tự ý thức bảo vệ mình. Bên cạnh đó, việc trang bị bảo hộ lao động không chỉ để thực hiện đúng quy định mà còn là quyền lợi và sự an toàn của NLĐ” - anh Lanh cho hay.
* Đảm bảo môi trường làm việc an toàn
Không chỉ ở các công trình xây dựng mà ở các DN sản xuất, việc huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ vẫn chưa được quan tâm thường xuyên. Những vụ TNLĐ như: bị máy dập tay, chân trong quá trình điều khiển máy sản xuất, bị điện giật, bị máy cắt, té trên cao xuống... vẫn diễn ra. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác tuyên truyền, huấn luyện về ATVSLĐ ở không ít DN vẫn còn hạn chế.
Theo các cán bộ Công đoàn, để NLĐ làm việc tốt, ngăn ngừa TNLĐ và bệnh nghề nghiệp, cùng với các cơ quan chức năng, các DN, đơn vị sản xuất kinh doanh cần phải chú trọng thực hiện công tác huấn luyện ATVSLĐ; cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe NLĐ. Mạng lưới an toàn vệ sinh viên được bố trí ở các bộ phận làm việc. Lực lượng này liên tục được huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về ATVSLĐ và có nhiệm vụ tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở NLĐ chấp hành nghiêm các quy định ATVSLĐ như: phải mang bảo hộ lao động, vận hành máy móc, thiết bị đúng quy trình.
Bà Đỗ Thị Thúy Kiều, phụ trách công tác ATVSLĐ tại Công ty TNHH Advanced Multitech Việt Nam (H.Nhơn Trạch) cho biết, hằng năm, công ty luôn chú trọng huấn luyện ATVSLĐ 2 lần cho toàn thể cán bộ, NLĐ làm việc tại DN, hằng quý họp đánh giá công tác này một lần. Lãnh đạo DN thường xuyên yêu cầu NLĐ kiểm tra an toàn, vệ sinh ở vị trí trực tiếp sản xuất hằng ngày, phải mang bảo hộ lao động trước khi làm việc, đồng thời lập sổ theo dõi ATVSLĐ của từng NLĐ. Riêng với NLĐ ở bộ phận có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, DN tích cực trang bị kiến thức về biện phòng ngừa và ứng cứu nếu xảy ra sự cố. Nhờ đó, NLĐ đều ý thức chấp hành tốt nội quy ATVSLĐ, cùng DN thực hiện môi trường làm việc hiệu quả.
Ông Cao Duy Thái, Trưởng phòng Lao động, tiền lương - bảo hiểm xã hội Sở LĐ-TBXH cho rằng, hậu quả của TNLĐ có thể nhẹ hoặc khá nặng nề, không chỉ về thể xác, kinh tế mà còn về cả tinh thần. Nguyên nhân gây ra TNLĐ phần lớn đến từ sự chủ quan, không quan tâm đến ATVSLĐ trong quá trình làm việc, dẫn tới môi trường làm việc thiếu an toàn. Việc DN chú trọng huấn luyện ATVSLĐ sẽ giúp cho NLĐ có thể chủ động nhận biết các mối nguy hiểm tiềm ẩn trong khi làm việc, từ đó đưa ra các biện pháp phòng tránh sự cố tai nạn nghề nghiệp. Bên cạnh đó, môi trường làm việc an toàn sẽ giúp cho hoạt động kinh doanh chuyên nghiệp hơn, giảm thiểu chi phí cho các sự cố về con người lẫn máy móc và tăng năng suất lao động, hiệu quả làm việc.
Lan Mai