Đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động (NLĐ) từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần và tăng số ngày nghỉ lễ trong năm để đưa vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động (NLĐ) từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần và tăng số ngày nghỉ lễ trong năm để đưa vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Giảm giờ làm, tăng ngày nghỉ lễ sẽ giúp người lao động có thêm thời gian tái tạo sức lao động Trong ảnh: Công nhân Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) trong giờ làm việc. Ảnh: H. Thảo |
Về phía cán bộ Công đoàn và NLĐ, hầu hết đều bày tỏ sự đồng tình và phấn khởi trước đề xuất này.
* Ủng hộ đề xuất
Phó chủ tịch CĐCS Công ty TNHH New Việt Nam (KCN Amata, TP.Biên Hòa) Nguyễn Ngọc Thành cho biết: “Nhằm tạo điều kiện giúp NLĐ có thêm thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, chăm sóc gia đình và nâng cao đời sống tinh thần, nhiều năm nay, công ty cho NLĐ được nghỉ thêm 2 ngày thứ bảy/tháng. Trong trường hợp đột xuất cần bố trí NLĐ đi làm vào các ngày này, NLĐ được tính gấp đôi tiền lương. Đây là một trong những chính sách được NLĐ tại công ty rất hài lòng”. |
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, theo số liệu khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam thuộc nhóm nước có thời giờ làm việc cao nhất thế giới và khu vực. Theo đó, về thời giờ làm việc bình thường, số liệu khảo sát đối với 154 quốc gia và vùng lãnh thổ của ILO, Việt Nam nằm trong nhóm nước có thời giờ làm việc bình thường theo tuần cao nhất thế giới (từ 48 giờ/tuần trở lên). Về thời gian nghỉ phép, trong số 155 nước khảo sát, trừ 6 quốc gia không có quy định thì Việt Nam nằm trong nhóm nước có số ngày nghỉ phép năm khởi điểm ít nhất thế giới (12 ngày).
Theo ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial (Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 2) - nơi có gần 40 ngàn NLĐ đang làm việc cho rằng: “Tôi và công nhân lao động Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial hoàn toàn nhất trí và ủng hộ cao với đề xuất giảm giờ làm tiêu chuẩn và tăng thêm 3 ngày nghỉ lễ trong năm. Xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu được nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí càng cao; thêm ngày nghỉ sẽ tạo cơ hội, điều kiện cho NLĐ có thời gian để đi du lịch, tham quan các danh lam thắng cảnh của đất nước, đồng thời có thời gian nghỉ ngơi bên gia đình”.
Đồng tình với ý kiến trên, Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh chia sẻ, quy định về thời giờ làm việc giữa khu vực hành chính sự nghiệp với khu vực sản xuất đang không bình đẳng. Lao động ở khu vực hành chính sự nghiệp hiện làm việc 40 giờ/tuần, còn khu vực doanh nghiệp là 48 giờ/tuần. Vì vậy, việc giảm giờ làm còn đảm bảo tính công bằng cho NLĐ ở hai khu vực.
Công nhân Hồ Thị Hiền, làm việc tại Công ty TNHH Nam Yang International Việt Nam (KCN Amata, TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Việc giảm giờ làm thật sự rất ý nghĩa với công nhân, đặc biệt là với những người có con nhỏ như tôi. Nếu được giảm giờ làm, tôi sẽ có thêm thời gian nghỉ ngơi, được ở nhà chơi và học cùng con, chăm lo cho gia đình tốt hơn… Những việc ấy tưởng chừng rất bình thường nhưng với thời gian, cường độ, tính chất công việc của công nhân như chúng tôi, từ trước đến nay, để làm tốt được không hề đơn giản, dễ dàng”.
Trước ý kiến cho rằng việc giảm giờ làm sẽ làm giảm năng suất lao động, ông Đinh Sỹ Phúc chia sẻ: “Việc giảm thời giờ làm việc, bước đầu ít nhiều ảnh hưởng tới năng suất lao động cũng như tổng sản phẩm tạo ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, yếu tố tác động nhiều nhất là thiết bị máy móc, công nghệ và năng lực quản trị của doanh nghiệp, còn sức lao động và thời giờ làm việc của NLĐ chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Thực tế, thời gian qua, tại công ty, nhờ tích cực áp dụng công nghệ máy móc hiện đại vào sản xuất, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động giỏi, sáng tạo, ở rất nhiều công đoạn, bộ phận, dù sức lao động và giờ làm việc của NLĐ giảm đi nhưng năng suất lao động vẫn tăng lên nhiều lần”.
Luật sư Vũ Ngọc Hà cho biết thêm, thực tế hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp cho NLĐ làm việc 44 giờ/tuần mà năng suất, chất lượng hiệu quả vẫn đảm bảo, thậm chí còn tăng lên. Có thể kể đến như Công ty TNHH Olympus Việt Nam (KCN Long Thành, huyện Long Thành) cho NLĐ nghỉ 3 ngày thứ bảy/tháng, Công TNHH Grobest Việt Nam (KCN Biên Hòa) cho NLĐ nghỉ 1/2 ngày thứ bảy/tuần, Công ty TNHH New Việt Nam cho NLĐ nghỉ 2 ngày thứ bảy/tháng…
* Thêm thời gian chăm lo cho gia đình
Liên quan đến đề xuất tăng thêm 3 ngày nghỉ trong năm, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, hiện tại số ngày nghỉ lễ, Tết của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực. Trong khi đó, lao động trong nhiều ngành kinh tế chủ yếu là lao động di cư, địa hình đất nước lại trải dài theo hình chữ S nên việc tăng thêm mỗi năm ít nhất 3 ngày nghỉ là cần thiết. Từ đó, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất 2 phương án. Phương án 1: nghỉ Quốc khánh 4 ngày (từ ngày 2 đến 5-9) hằng năm, tăng thêm 3 ngày so với quy định hiện hành. Phương án này ngoài mang lại lợi ích chung cho tất cả mọi người, còn giúp các gia đình trẻ có thời gian, điều kiện chuẩn bị cho con bước vào năm học mới. Phương án 2: nghỉ 1 ngày vào Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) và 2 ngày vào ngày nghỉ Tết Dương lịch.
Khi được nghe về đề xuất tăng thêm 3 ngày nghỉ lễ trong năm, anh Lê Đăng Thắng, công nhân Công ty TNHH Inzi Vina (KCN Amata, TP.Biên Hòa) phấn khởi bày tỏ: “Cùng với việc giảm giờ làm, tôi cũng rất mong được tăng thêm 3 ngày nghỉ lễ nữa trong năm, nhất là phương án tăng vào dịp Quốc khánh. Đó là thời điểm chuẩn bị bắt đầu năm học mới của các con. Được thêm ngày nghỉ, chúng tôi sẽ có thêm thời gian chuẩn bị sách vở, tinh thần cho con, đặc biệt là được đưa con tới trường trong ngày khai giảng. Việc mà nhiều năm nay tôi chưa thể làm được cho con mình”.
Hồ Thảo