Những khó khăn được dự báo trước của ngành dệt may xuất khẩu Việt Nam có vẻ như đang dần lộ rõ - dù trước đó, trên mọi bàn đàm phán của các Hiệp định thương mại tự do (FTA), dệt may được xem là lĩnh vực có nhiều lợi thế hơn hẳn so với chăn nuôi, trồng trọt hay sản xuất hàng tiêu dùng.
Những khó khăn được dự báo trước của ngành dệt may xuất khẩu Việt Nam có vẻ như đang dần lộ rõ - dù trước đó, trên mọi bàn đàm phán của các Hiệp định thương mại tự do (FTA), dệt may được xem là lĩnh vực có nhiều lợi thế hơn hẳn so với chăn nuôi, trồng trọt hay sản xuất hàng tiêu dùng.
Khó khăn đầu tiên là cạnh tranh đến từ Trung Quốc và Ấn Độ - 2 quốc gia cũng rất có tiếng trong lĩnh vực này, cả dệt lẫn may. Công nhân đông, chi phí rẻ và đặc biệt là năng suất lao động cao hơn công nhân Việt Nam đang là lợi thế lớn của các doanh nghiệp dệt may đến từ 2 quốc gia này. Ông Bùi Thế Kích, Tổng giám đốc Công ty cổ phần may Đồng Nai, cho biết Chính phủ Trung Quốc lại vừa giảm mức phí bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp, do đó những doanh nghiệp trong ngành dệt may (vốn sử dụng rất đông công nhân) đang có lợi thế do chi phí giảm. Trong khi đó tại Việt Nam, các mức phí bảo hiểm, lương tối thiểu, xăng dầu, vận chuyển… lại luôn nằm trong tư thế “tăng ít hay tăng nhiều” chứ hầu như không giảm. “Giá xuất khẩu hoặc gia công sản phẩm không dễ tăng, do đó chi phí của ai thấp, năng suất lao động của ai cao thì người đó thắng” - giám đốc một doanh nghiệp lớn trong ngành may gia công tại Đồng Nai cũng chia sẻ cùng một quan điểm như ông Bùi Thế Kích.
Từ ý kiến nhiều doanh nghiệp, đều lo lắng nhất là năng suất lao động của người lao động Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Thực tế, ngành may mặc Việt Nam hàng chục năm qua vẫn nặng về gia công, lấy công làm lời, do đó cách phổ biến để kiếm đồng lời là cắt giảm chi phí và tăng năng suất. Chi phí thì doanh nghiệp nào cũng đã cố cắt giảm đến hết mức, song tăng năng suất lại là vấn đề không hề dễ dàng. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trong năm 2015 đã có công bố “gây sốc” khi chỉ ra năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 1/15 Singapore, bằng 1/10 Hàn Quốc, bằng 1/5 Malaysia...
Nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may khi được hỏi đều cho rằng không sợ tăng lương cho người lao động, nhưng “sợ” nhất là bao năm rồi năng suất lao động của công nhân vẫn hầu như “giậm chân tại chỗ”. Lý giải cho điều này, sẽ phải bàn đến nguồn gốc giáo dục, văn hóa, ý thức kỷ luật… và những vấn đề về con người luôn là những vấn đề khó giải quyết nhất, dù trong bất cứ môi trường nào.
Tóm lại, mọi lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nếu muốn, doanh nghiệp Trung Quốc hay Ấn Độ đều có thể tận dụng được, dù họ có chính thức tham gia FTA đó hay không, dựa vào những uyển chuyển của một nền kinh tế toàn cầu. Khi Việt Nam nhìn thấy những điểm lợi ở một lĩnh vực nào đó, như dệt may chẳng hạn, thì các quốc gia khác cũng thấy, và ai cũng muốn khai thác những lợi thế đó, và người thắng sẽ là người nhanh nhạy nhất, chuyển động sớm nhất. Vậy nên, dệt may và nhiều ngành khác sẽ khó lòng ngồi không hưởng lợi như một số cách hiểu sai lầm về các FTA, thay vào đó, có được lợi hay không còn tùy thuộc vào chuyển động nhanh, thay đổi nhanh của Chính phủ và bản thân từng doanh nghiệp.
Vi Lâm