Ngày 27-4 là thời hạn cuối cùng danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV sẽ được niêm yết. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các ứng cử viên sẽ bước vào vận động tranh cử.
Ngày 27-4 là thời hạn cuối cùng danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV sẽ được niêm yết. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các ứng cử viên sẽ bước vào vận động tranh cử.
Cùng với chương trình hành động, vận động tranh cử là “kênh” thông tin quan trọng để cử tri cân nhắc và lựa chọn đại biểu cho mình. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 quy định có 2 hình thức vận động bầu cử là thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri do MTTQ tổ chức và qua phương tiện thông tin đại chúng của các địa phương nơi đại biểu ứng cử.Có những hình thức vận động tranh cử mà pháp luật không cấm, như: diễn thuyết, tranh cử thông qua facebook… Tuy nhiên, cho dù vận động tranh cử theo hình thức nào các ứng cử viên cũng phải gương mẫu tuân thủ theo quy định của pháp luật, đó là dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật.
Trong cuộc bầu cử lần trước, ở đâu đó đã râm ran những câu chuyện về việc có những ứng cử viên trong khi vận động tranh cử đã hứa hẹn tặng quà, tặng tiền, xây dựng các công trình công cộng cho địa phương nơi mình ứng cử. Những việc này nếu làm sau khi trúng cử là vô cùng có ý nghĩa, song nếu hứa hẹn, vận động trước bầu cử thì chính là một hình thức dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo cử tri. Trong số những ứng cử viên đâu phải ai cũng giữ trọng trách và có thẩm quyền để có thể quyết cho nơi này, nơi khác ngôi trường, cây cầu. Không phải ứng cử viên nào cũng là chủ doanh nghiệp hay “đại gia” để có thể tặng tiền, quà cho cử tri. Vì vậy, những hành vi này của ứng cử viên nào đó - nếu có - sẽ tạo ra bất bình đẳng giữa các ứng cử viên.
Người xưa đã đúc kết rất hay rằng “một người lo bằng kho người làm”. Cử tri mong mỏi những đại biểu của mình phải là những người có năng lực, trình độ, luôn đau đáu và thao thức với những trăn trở, suy tư, ước vọng, mong muốn chính đáng của người dân để có thể thay mặt cử tri cất lên tiếng nói tại những diễn đàn quan trọng.
Vì lẽ ấy, ứng cử viên cần phải tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri, cần am hiểu đặc điểm tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, dân tộc, tôn giáo… nơi mình ứng cử. Khi trúng cử rồi, người dân mong mỏi đại biểu dành công sức, thời gian cho nhiệm vụ người đại biểu nhân dân để tham gia giám sát, quyết định những vấn đề mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Đó là những điều cử tri mong mỏi chứ không phải cứ hứa cho cố vào khi vận động tranh cử, nhưng trúng cử rồi thì “lâu lâu mới nghe, lâu lâu mới hiểu”.
Mong lắm thay!
Ngọc Anh