Cát sông ở Đồng Nai hạt to, màu vàng đẹp, giá thị trường cao hơn hẳn cát ở miền Tây nên từ lâu các đối tượng "cát tặc" đã ra sức bơm hút trái phép để thu lợi bất chính.
Cát sông ở Đồng Nai hạt to, màu vàng đẹp, giá thị trường cao hơn hẳn cát ở miền Tây nên từ lâu các đối tượng “cát tặc” đã ra sức bơm hút trái phép để thu lợi bất chính.
Lúc mới khai thác trộm, “cát tặc” chỉ hoạt động ở những đoạn sông nhỏ, vắng người qua lại ở Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú), Gia Canh, Thanh Sơn, La Ngà (huyện Định Quán), Đồng Mu Rùa, sông Thị Vải (huyện Nhơn Trạch). Nhưng về sau vì lợi nhuận “cát tặc” đã mở rộng việc “làm ăn” đến những đoạn sông có nguồn cát chất lượng tốt hơn, ở gần khu dân cư hơn thuộc các huyện: Vĩnh Cửu, Long Thành, thậm chí ngay giữa TP.Biên Hòa. Từ chỗ hoạt động lén lút, tổ chức bơm hút trộm cát vào ban đêm, “cát tặc” đã ngang nhiên hoạt động một cách công khai ngay giữa ban ngày, bất chấp các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.
Tại TP.Biên Hòa, những đoạn sông Đồng Nai chảy qua các xã: Hiệp Hòa, Hóa An, Tân Hạnh (giáp ranh với tỉnh Bình Dương)… thường xuyên diễn ra nạn bơm hút cát trái phép dù người dân nhiều lần bức xúc phản ánh, báo chí đã thông tin rất nhiều và các cơ quan chức năng cũng đã tiến hành truy quét, nhưng vẫn chưa thể khiến bọn “cát tặc” chùn chân, bởi nguồn lợi từ việc bơm hút trộm cát quá lớn.
Gần đây, khi báo chí phản ánh tình trạng khai thác trái phép cát sông Đồng Nai ở các đoạn thuộc quận 9 (TP.Hồ Chí Minh), TX.Tân Uyên (tỉnh Bình Dương), huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng)… thì các đối tượng khai thác cát trái phép chuyển sang địa bàn Đồng Nai hoạt động. Trong rạng sáng 23-4, Công an TP.Biên Hòa phối hợp với Phòng Tài nguyên - môi trường thành phố phát hiện một ghe bơm hút trộm cát trên sông Đồng Nai, đoạn qua xã Hiệp Hòa nên đã vây bắt. Thấy công an, 3 đối tượng trên chiếc ghe này ban đầu đã có thái độ thách thức lực lượng chức năng, sau đó đã nổ máy bỏ chạy, khi bị truy đuổi quyết liệt đã rút lù nhấn chìm ghe rồi nhảy sông tẩu thoát.
Đặc biệt, đoạn sông Đồng Nai chảy qua địa bàn xã Tam An gần đây bị các đối tượng “cát tặc” quần đảo dữ dội khiến người dân địa phương mất ăn mất ngủ vì tiếng ồn và vì sợ hoạt động bơm hút cát làm sạt lở bờ sông. “Cát tặc” vốn hoạt động mạnh phía bờ quận 9 (TP.Hồ Chí Minh), nhưng sau khi báo chí phản ánh, cơ quan chức năng ở địa phương này tiến hành truy quét thì họ tiến sang bờ giáp ranh thuộc xã Tam An (huyện Long Thành) hút trộm cát.
Điều khiến người dân xã Tam An bức xúc là hoạt động bơm hút cát sông trái phép ở đây đã diễn ra cả tháng nay, họ đã nhiều lần phản ánh sự việc với cơ quan chức năng và địa phương, nhưng chỉ thấy cơ quan chức năng đi kiểm tra, xử lý một lần; sau đó nạn trộm cát sông ở đây diễn ra công khai hơn, dữ dội hơn, đặc biệt là trạm cảnh sát giao thông đường thủy đóng cách khu vực này không xa.
Trước sự lộng hành của “cát tặc”, đại diện các cơ quan chức năng thường cho rằng “cát tặc” thường lợi dụng địa bàn giáp ranh để hoạt động, khi bị phát hiện thì họ chạy sang địa bàn tỉnh khác để tẩu thoát; rằng bọn “cát tặc” cài cắm người trước trụ sở cơ quan chức năng, khi thấy đơn vị ra quân kiểm tra là báo động cho đồng bọn biết mà tẩu thoát; hay bọn “cát tặc” rất liều lĩnh, sẵn sàng chống đối cơ quan chức năng, rút lù nhấn chìm ghe rồi tẩu thoát…, nên việc xử lý còn khó khăn. Tuy nhiên, có một lý do được nhiều người dân phản ánh mà chưa thấy cơ quan chức năng nêu ra là việc kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác cát trái phép của các cơ quan chức năng chưa thực sự quyết liệt và thường xuyên, mà chỉ ra quân truy quét theo đợt, sau đợt truy quét thì bọn “cát tặc” lại hoạt động.
Theo nhiều người dân, những ghe trộm cát thường hoạt động công khai, khi bơm hút cát tiếng máy bơm vang lên ồn ào thì chẳng cớ gì cơ quan chức năng không biết. Trường hợp bọn “cát tặc” rút lù nhấn chìm ghe rồi nhảy sông tẩu thoát, nếu cơ quan chức năng liên tục kiểm tra và tịch thu phương tiện thì với giá trị cả trăm triệu đồng một chiếc ghe, “cát tặc” cũng khó lòng mà mua sắm lại để hoạt động trộm cát nếu bị “sờ gáy” nhiều lần.
Do đó, để bọn “cát tặc” không còn cơ hội hoạt động khai thác cát trái phép, điều quan trọng nhất mà người dân mong mỏi vẫn là sự kiểm tra, xử lý kiên quyết và thường xuyên của các cơ quan chức năng, địa phương.
Phạm Mai