Trong bối cảnh hàng loạt hiệp định thương mại (FTA) được ký kết, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vừa chính thức thành lập vào 31-12-2015, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp có hiệu lực, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn mới "tính" đến chuyện hội nhập cho ngành nông nghiệp thì quả thật là hơi muộn. Nhưng dù sao, muộn vẫn còn hơn không.
Trong bối cảnh hàng loạt hiệp định thương mại (FTA) được ký kết, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vừa chính thức thành lập vào 31-12-2015, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp có hiệu lực, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn mới “tính” đến chuyện hội nhập cho ngành nông nghiệp thì quả thật là hơi muộn. Nhưng dù sao, muộn vẫn còn hơn không.
Ai cũng biết rằng, khi hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, muốn “sống sót”, yếu tố đầu tiên và cũng quan trọng nhất là phải nâng cao năng lực cạnh tranh, cụ thể là năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp. Biết là vậy, nhưng làm thì không dễ. Nền nông nghiệp lấy gì để cạnh tranh khi đang tụt hậu về mọi mặt: cơ giới hóa sản xuất, vốn, cánh đồng lớn? Lấy riêng cây bắp làm ví dụ. Hiện giá bắp hạt đạt chuẩn chế biến thức ăn gia súc nhập từ Ấn Độ, Mỹ về tận Đồng Nai chỉ khoảng 4.400 đồng/kg (kể cả chi phí vận chuyển, thuế nhập khẩu), trong khi giá bắp nông dân Đồng Nai trồng tại chỗ lên đến 5.500 đồng/kg. Trong giá thành hạt bắp ở Đồng Nai, công lao động (dọn đất, trỉa hạt, bón phân, thu hoạch…) chiếm khoảng 40% chi phí sản xuất. Ở các nước khác, hầu hết các khâu trên đều đã sử dụng máy móc hiện đại dẫn đến giảm giá thành, còn Việt Nam vẫn sức người là chính sẽ không bao giờ cạnh tranh nổi về giá. Nếu đầu tư nhập máy móc hiện đại về sản xuất thì phải đảm bảo có những cánh đồng lớn từ vài trăm đến cả ngàn hécta, trong khi đó rất khó thuyết phục được nông dân phá bỏ các bờ đất “khẳng định chủ quyền”. Dù địa phương đã có các chính sách khuyến khích xây dựng cánh đồng lớn, nhưng nếu không “gỡ” được những vướng mắc trên, giá thành sản xuất hạt bắp vẫn đứng mức cao, trong khi dự báo năm 2016 giá bắp nhập tiếp tục giảm, vậy nông dân trồng bắp ở Đồng Nai cạnh tranh như thế nào? Con số 1,8 triệu tấn bắp nhập về Đồng Nai trong năm 2015 đã minh họa cho thực trạng cạnh tranh bắp nội - bắp ngoại.
Việc xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản nhập khẩu cũng là điều cấp thiết mà Nhà nước phải bắt tay làm ngay từ bây giờ, dù đã muộn. Câu chuyện thịt gà đông lạnh nhập từ Mỹ với giá rẻ hơn giá rau khiến ngành chăn nuôi gà thịt trong nước điêu đứng chính là bài học nhãn tiền. Do không có hàng rào kỹ thuật với những quy định cụ thể mà thịt gà nằm trong kho đông lạnh từ… mấy chục năm về trước nhưng vẫn còn hạn sử dụng đã có “cơ hội” tràn vào Việt Nam gây sóng gió.
Không chỉ thế, nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp cũng cần phải rà soát lại tính khả thi, điều chỉnh những bất cập trong thực tế. Đơn cử, Nghị định 210 của Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã thiếu mất một đối tượng rất quan trọng là ngành chăn nuôi gia cầm, khiến rất nhiều doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh lĩnh vực này ngậm ngùi chịu thiệt thòi, kêu trời chẳng thấu, trong đó có các doanh nghiệp Đồng Nai - nơi được mệnh danh là “thủ phủ” chăn nuôi gà của cả nước. Rồi những bất cập, như: chậm bổ sung danh mục máy móc, thiết bị mới được hưởng ưu đãi; thủ tục xác định doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại còn rườm rà khiến doanh nghiệp không được hỗ trợ kịp thời… vẫn chưa được giải quyết khiến các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp khó càng thêm khó.
Karl Marx đã nghiệm ra rằng, con người xây nhà khác con ong xây tổ, trước khi bắt tay xây dựng đã hình thành ý tưởng trong đầu và lên kế hoạch. “Ngôi nhà” hội nhập kinh tế cũng vậy, khi xây dựng lộ trình hội nhập phải có kế hoạch để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm trong nước, đặc biệt là ngành nông nghiệp vốn yếu ớt. Phải cụ thể, nhanh chóng và quyết liệt ngay từ bây giờ. Đừng để nông dân sẽ như người làm xiếc đi trên dây mà không có thiết bị bảo hộ, chỉ biết trông vào may rủi mà tương lai hội nhập chắc chắn là rủi nhiều hơn may.
THANH THÚY