Kính gửi cô Tâm Đan!
Cháu tên Khang, hiện là sinh viên quản trị kinh doanh. Gia đình cháu chỉ có hai anh em, Khang là con trai đầu. Kinh tế gia đình cháu tuy chưa khá giả nhưng không đến nỗi khó khăn. Nhà cháu làm nông, mấy năm rồi hạt tiêu được giá, ba má thu hoạch khá nên mua thêm xe tải, sửa lại nhà. Dù cháu đã lớn, đi học xa nhà nhưng ba má dứt khoát không cho mua xe máy và điện thoại di động. Đã vậy, mỗi kỳ học phí, cháu là sinh viên đóng tiền trễ nhất lớp, khi hỏi về chuyện này, ba nói hỏi má; ngược lại má nói hỏi ba. Cháu thấy buồn và chẳng hiểu sao ba má lại xử sự với cháu như vậy? Cô cho cháu một lời khuyên.
Kính gửi cô Tâm Đan!
Cháu tên Khang, hiện là sinh viên quản trị kinh doanh. Gia đình cháu chỉ có hai anh em, Khang là con trai đầu. Kinh tế gia đình cháu tuy chưa khá giả nhưng không đến nỗi khó khăn. Nhà cháu làm nông, mấy năm rồi hạt tiêu được giá, ba má thu hoạch khá nên mua thêm xe tải, sửa lại nhà. Dù cháu đã lớn, đi học xa nhà nhưng ba má dứt khoát không cho mua xe máy và điện thoại di động. Đã vậy, mỗi kỳ học phí, cháu là sinh viên đóng tiền trễ nhất lớp, khi hỏi về chuyện này, ba nói hỏi má; ngược lại má nói hỏi ba. Cháu thấy buồn và chẳng hiểu sao ba má lại xử sự với cháu như vậy? Cô cho cháu một lời khuyên.
Tấn Khang (TX. Long Khánh)
Thân gửi cháu Khang!
Cô không biết trong gia đình Khang, ai là người giữ “tay hòm chìa khóa”? Thực tế trong xã hội, nhiều gia đình có sự phân công, mỗi người chịu trách nhiệm chi trả những khoản nhất định. Ví dụ, người vợ lo tiền chợ hàng ngày, còn người chồng thì trả tiền điện, nước… Trong trường hợp này, vợ chồng đôi khi xảy ra chuyện “đùn đẩy” trách nhiệm cho nhau, cũng là chuyện bình thường. Về phần tài chính, đôi khi các bậc cha mẹ không “rộng tay” với con vì còn phải tiết kiệm để lo chuyện khác. Ví dụ, ba má cháu phải mua ô tô tải để chuyên chở nông sản và sửa lại nhà, là khoản đầu tư lớn, có thể chỉ vừa đủ số tiền đã thu hoạch trong vụ mùa. Mặt khác, có khi cha mẹ nghĩ, đối với học sinh thì chuyện sử dụng điện thoại di động, xe máy là chưa thật cần thiết nên không cho sắm, cũng là điều dễ hiểu, cháu phải thông cảm cho cha mẹ. Riêng chuyện đóng học phí trễ, theo cô thì Khang nên thẳng thắn bày tỏ với cha mẹ bức xúc của mình về chuyện tế nhị này để có biện pháp khắc phục ngay.
Tuy nhiên, đọc những lời tâm sự của Khang, cô có cảm giác là Khang bất mãn với cha mẹ vì không đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt của mình. Sinh viên thời nay có xe máy, điện thoại di động, thậm chí xài máy tính, laptop là chuyện không lạ, nhưng vì sao cha mẹ cháu không đáp ứng nhu cầu chính đáng này? Khang thử nghĩ lại xem, trước đây cháu có làm điều gì khiến cha mẹ mất lòng tin không? Hay cha mẹ lo xa, muốn Khang tập trung học tập? Thực tế, đã có nhiều bạn trẻ không làm chủ được mình, quá sa đà vào chuyện ăn chơi, bỏ bê học hành, đôi khi còn gây ra những chuyện bê bối nên bị cha mẹ “cúp phạt”, cắt giảm chi tiêu; thậm chí bỏ luôn những ưu đãi vật chất khác. Cháu hãy khách quan nhìn nhận xem bản thân có rơi vào hoàn cảnh đó không, nếu có thì phải sửa chữa để tạo lại niềm tin cho cha mẹ.
Tâm Đan