Nhơn Trạch là huyện có diện tích trồng mía khá lớn. Trước đây, nông dân trồng mía trong huyện luôn gặp cảnh đầu ra bấp bênh.
Nhơn Trạch là huyện có diện tích trồng mía khá lớn. Trước đây, nông dân trồng mía trong huyện luôn gặp cảnh đầu ra bấp bênh. Gần 2 năm nay, nhiều nông dân Nhơn Trạch được một số công ty đường trong tỉnh ký hợp đồng bao tiêu đầu ra cho cây mía và hỗ trợ vốn để đầu tư chăm sóc. Song đến vụ thu hoạch, một số thương lái từ địa phương khác vào mua với giá cao hơn, nhiều nông dân vì lợi trước mắt đã phá hợp đồng ký kết với công ty đường để bán mía cho các thương lái. Việc làm đó, khiến các công ty đã ký hợp đồng bị tổn thất lớn và có ý định bỏ đầu tư cho vùng mía Nhơn Trạch. Lãnh đạo một công ty mía đường nói với Người Nông Thôn (NNT) tui:
- Chúng tôi phải bỏ ra vài tỷ đồng hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật cho nông dân trồng mía. Nhưng không ngờ đến vụ thu hoạch, nhiều người lại sẵn sàng phá bỏ hợp đồng, không bán mía cho công ty mà bán cho thương lái từ nơi khác đến với giá cao hơn 20-30 ngàn đồng/tấn.
- Vậy sao công ty không nâng giá mua mía lên ngang bằng các thương lái, giúp nông dân bớt thiệt thòi?
- Giá mía hiện thời công ty mua có thấp hơn thương lái bên ngoài, nhưng nếu cộng cả số tiền công ty bỏ ra hỗ trợ nông dân từ đầu vụ để trồng mới, mua giống, phân bón… thì giá mía công ty mua còn cao hơn các thương lái. Vả lại, các công ty ký hợp đồng với người dân là muốn đầu tư, tạo vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài để hai bên cùng có lợi. Nếu nông dân trồng mía không giữ chữ tín thì cả hai bên cùng thiệt hại. Bởi ký hợp đồng với công ty, nông dân sẽ có đầu ra ổn định và luôn đảm bảo có lời dù giá đường có xuống thấp. Còn bán cho thương lái, khi hút hàng họ có thể gom cả mía kém chất lượng với giá cao, nhưng khi nguồn hàng dồi dào đương nhiên giá sẽ hạ và họ sẽ ưu tiên mua những vùng gần dễ vận chuyển, còn vùng sâu, vùng xa rất khó bán.
- Theo NNT tui thì công ty nên nhờ các đoàn thể địa phương vận động nông dân giữ chữ tín để có đầu ra ổn định?
- Chúng tôi cũng có đề nghị địa phương hỗ trợ trong việc tuyên truyền để nông dân trồng mía hiểu, song kết quả rất hạn chế. Khả năng vụ tới công ty sẽ bỏ đầu tư cho cây mía ở vùng Nhơn Trạch.
Theo NNT tui, nếu điều đó xảy ra sẽ bất lợi cho người trồng mía ở Nhơn Trạch về lâu dài. Hiện nay, nông sản làm ra luôn gặp tình trạng được mùa rớt giá, mất mùa được giá. Đa số nông dân trong tỉnh mong muốn có sự liên kết với doanh nghiệp để có đầu ra ổn định, yên tâm đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng. Đã có sẵn sự liên kết, lẽ nào chỉ vì lợi nhất thời mà một số nông dân đánh mất chữ tín để quay lại cảnh giá cả nông sản bấp bênh.
Người Nông Thôn