Đồng Nai hiện có trên 230 lò giết mổ (LGM) gia súc, gia cầm, trong đó đa số là lò mổ heo. Lâu nay, ngoài LGM đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm còn có khá nhiều LGM chui đang tồn tại ở nhiều địa phương.
Đồng Nai hiện có trên 230 lò giết mổ (LGM) gia súc, gia cầm, trong đó đa số là lò mổ heo. Lâu nay, ngoài LGM đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm còn có khá nhiều LGM chui đang tồn tại ở nhiều địa phương. Một cán bộ ngành nông nghiệp đã thẳng thắn nhận định, không thể kiểm dịch hoàn toàn 100% số thịt heo bán ngoài thị trường. Trước thực trạng thịt heo không rõ nguồn gốc vẫn đang trôi nổi tại các chợ, một số nông dân nói với Người Nông Thôn (NNT) tui:
- Tình trạng giết mổ lậu đã xảy ra nhiều năm rồi. Các địa phương cũng thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra, dẹp LGM lậu nhưng không giải quyết hết. Nhiều LGM chui vẫn ngang nhiên hoạt động từ năm này qua năm khác.
- Theo NNT tui, cơ bản là do địa bàn rộng, lực lượng chuyên trách có hạn nên thỉnh thoảng mới đi kiểm tra thì làm sao phát hiện được hết mà xử lý.
- Tụi tui lại nghĩ khác, nếu Đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp chặt chẽ với địa phương thì những LGM lậu phát hiện dễ như không. Mà đã phát hiện rồi, xử phạt nghiêm vài lần thì họ phải đóng cửa thôi.
- Nghe cũng có lý, nhưng NNT tui thấy, Đoàn liên ngành khi nào đi kiểm tra, cán bộ chuyên trách ở địa phương cũng đi theo nhưng đâu phát hiện, xử lý được hoàn toàn?
- Thì tại các địa phương còn nể nang, chưa chịu làm đến nơi đến chốn. Thực tế, việc giết mổ heo diễn ra hầu hết vào lúc nửa đêm và gần sáng. Chẳng lý gì mà ngay việc vận chuyển heo và đêm đêm làm thịt hà rầm mà tổ dân phố, tổ dân phòng lại không biết. Ngay các lò mổ có đăng ký, lực lượng thú y cũng chỉ kiểm tra qua loa cho xong, nói gì đến việc phát hiện các LGM lậu.
- NNT tui thấy, với bấy nhiêu lò mổ, lực lượng thú y ở địa phương ít, lại còn nhiều việc khác quan trọng hơn phải làm thì họ thực hiện không hết trách nhiệm cũng phải.
- Nói vậy không được, công việc đã giao thì phải làm tròn nhiệm vụ, không làm xuể thì phải đề nghị tăng cường thêm nhân lực hoặc có giải pháp khác chứ. Nếu kéo dài tình trạng để lọt thịt “bẩn” ra thị trường, người tiêu dùng mua sử dụng phải sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe là không ổn. Theo tụi tui, mỗi huyện chỉ cần giữ lại một vài lò mổ đạt yêu cầu và lực lượng thú y kiểm tra chặt thì không thể nào LGM lậu có cơ hội tồn tại...
Đúng là ở lĩnh vực giết mổ gia súc trên địa bàn tỉnh hiện khá “bát nháo”. Nếu các LGM chui không đảm bảo về vệ sinh nhưng vẫn nhởn nhơ hoạt động thì phải xem lại cách làm việc của thú y ở địa phương đó.
Người Nông Thôn