Trong trận quyết chiến chiến lược - Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, lực lượng vũ trang Đồng Nai (lúc bấy giờ gồm các tỉnh và chiến trường có liên quan: Biên Hòa, Bà Rịa - Long Khánh, Phước Tuy) đã có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi chung toàn chiến dịch.
Đại tá VŨ VĂN ĐIỀN
(Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai)
Trong trận quyết chiến chiến lược - Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, lực lượng vũ trang Đồng Nai (lúc bấy giờ gồm các tỉnh và chiến trường có liên quan: Biên Hòa, Bà Rịa - Long Khánh, Phước Tuy) đã có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi chung toàn chiến dịch. Điều đó được thể hiện trên một số nội dung cơ bản:
Đại tá Vũ Văn Điền, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Huy Anh |
Một là, chú trọng huấn luyện nâng cao chất lượng chiến đấu cho các lực lượng vũ trang của tỉnh, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ được giao. Ngay từ đầu mùa khô 1974 - 1975, tranh thủ thời gian, Tỉnh đội Biên Hòa đã mở được hai lớp tập huấn cho 30 cán bộ cấp trung đội, đại đội thuộc các đơn vị của tỉnh và huyện. Thời gian huấn luyện mỗi lớp 25 ngày. Nội dung huấn luyện chủ yếu bài “Đánh địch trong công sự vững chắc” và một số khoa mục về kỹ, chiến thuật tập kích, phục kích từ tiểu đội đến trung đội. Cụ thể: Tiểu đoàn 6 tổ chức học tập được 15 ngày 6 đêm, với 60 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Nội dung huấn luyện: Ôn tập 6 động tác tiềm nhập và gỡ mìn, khắc phục chướng ngại; cách đánh ĐH 10 và liên kết ĐH 10; học cách mở cửa bí mật và mở cửa bằng mìn ĐH 10; chiến thuật tổ chức mũi bí mật mở cửa, tổ mũi thọc sâu đánh địch trong công sự vững chắc, kết hợp đặc công với bộ binh. Tiểu đoàn 240 triển khai học tập kỹ, chiến thuật cá nhân, kỹ chiến thuật cấp tổ, tiểu đội cho hai đại đội bộ binh trong ba ngày. Cùng nội dung huấn luyện, học tập đó, huyện Long Thành cũng tổ chức học tập cho hơn 30 cán bộ, chiến sĩ. Đợt học tập đã nâng cao tinh thần chiến đấu và lòng tự tin, quyết tâm cho các đơn vị khi bước vào chiến đấu.
Hai là, củng cố về quân số, biên chế, tăng cường bổ sung lực lượng cho các mũi trọng điểm trên địa bàn. Theo đó, lực lượng thuộc Tỉnh đội Biên Hòa bao gồm: Tiểu đoàn 240 có quân số 142 đồng chí. Tiểu đoàn 6 có quân số 56 đồng chí. Huyện Long Thành có Đại đội 1 (quân số 95 đồng chí). Bộ đội huyện Nhơn Trạch có Đại đội 240 (quân số 84 đồng chí). Bộ đội Thành phố Biên Hòa quân số 117 đồng chí (ngoại thành có ban chỉ huy, văn phòng, cơ quan, biệt động, du kích; bên trong có du kích mật, tư vệ mật và biệt động mật). Tỉnh đội Biên Hòa thống nhất chỉ đạo: trong quá trình tham gia chiến dịch, tất cả các đơn vị chiến đấu phải tiếp tục củng cố, phát triển và huấn luyện tốt chiến sĩ, đảm bảo quá trình phát triển chiến dịch cũng là quá trình nâng cao số lượng và chất lượng chiến đấu. Tính đến đầu tháng 4 năm 1975, quân số lực lượng vũ trang tỉnh từ 227 cán bộ, chiến sĩ tăng lên 320; lực lượng vũ trang các huyện từ 337 cán bộ, chiến sĩ tăng lên 791. Lực lượng vũ trang tỉnh đã kịp thời có mặt ở những mũi, hướng trọng điểm cùng phối hợp với bộ đội chủ lực chiến đấu.
Ba là, tích cực hoạt động góp phần tạo lực, tạo thế cho hướng Đông và Đông Nam chiến dịch. Từ ngày 8 đến ngày 20 tháng 4 năm 1975, lực lượng vũ trang nhân dân Biên Hòa, Long Khánh (Đồng Nai) tiếp tục đẩy mạnh hoạt động, phối hợp chặt chẽ cùng Quân đoàn 4 mở chiến dịch giải phóng Xuân Lộc, mở đường cho đại quân tiến công Sài Gòn từ hướng Đông và Đông Nam. Ngày 8 tháng 4 năm 1975, Đoàn đặc công 116 phối hợp cùng Tiểu đoàn 81, Lữ đoàn biệt động 316 tập kích vào căn cứ Nước Trong (Long Thành) đánh hủy diệt 71 xe quân sự, hầu hết là xe tăng, thiết giáp. Trên hướng quốc lộ 15 - Long Thành, Đại đội 1, Đại đội 27 bộ đội địa phương và du kích liên tục chống địch càn quét, đồng thời thọc sâu mũi vũ trang tuyên truyền ở Phước Nguyên, An Lợi, thị trấn Long Thành, củng cố lực lượng chuẩn bị phát động quần chúng. Khi thời cơ đến, ở huyện Nhơn Trạch, Đại đội 240 huyện và du kích tiếp tục bao bó địch ở Phú Hội, đắp mô, gài trái, phục kích đánh địch cắt đứt từng đoạn tỉnh lộ 17, 19.
Bốn là, tích cực tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ngày 26 tháng 4 năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức bắt đầu. Pháo binh của 5 cánh quân ta từ các hướng dội bão lửa vào tuyến phòng ngự vòng ngoài của địch. Trên hướng Đông Nam, Tỉnh ủy, Tỉnh đội Biên Hòa khẩn trương tập trung lực lượng vũ trang, bán vũ trang và quần chúng phối hợp chặt chẽ cùng Quân đoàn 2 tấn công đồng loạt quét sạch địch trong các chi khu, căn cứ: Long Thành, Nhơn Trạch, khu kho Thành Tuy Hạ, căn cứ Nước Trong, kho Long Bình, yếu khu Trảng Bom, chi khu Cổng Thanh... và toàn bộ bộ máy kìm kẹp của địch từ ấp, xã, huyện, tỉnh. Đặc biệt, để đảm bảo đường tiến công cho mũi thọc sâu, Bộ Tư lệnh chiến dịch giao nhiệm vụ cho các đơn vị đặc công, trong đó có lực lượng vũ trang Biên Hòa đánh chiếm và giữ các cây cầu trên đường vào Biên Hoà và Sài Gòn, như cầu Đồng Nai, cầu Gành, cầu Rạch Cát, không cho địch phá hoại, đảm bảo đường tiến công của bộ đội chủ lực.
Những cố gắng cuối cùng của địch không cứu vãn được tình hình. Ngày 29 tháng 4, Quân đoàn 2 lần lượt đánh chiếm được hầu hết các vị trí trọng yếu của địch tại Biên Hòa, mở đường cho lực lượng thọc sâu vượt cầu Đồng Nai tiến về Sài Gòn. Trong thành phố Biên Hòa, Thành ủy chỉ đạo thành lập các Ủy ban khởi nghĩa ở nội ô và các xã vùng ven chuẩn bị băng cờ, khẩu hiệu, loa phát thanh cùng với nhân dân nổi dậy giành chính quyền khi thời cơ đến. 10 giờ 30 phút, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Biên Hòa chiếm tòa hành chánh Biên Hòa trước rừng người và cờ hoa chào đón hai bên đường Trịnh Hoài Đức (nay là đường 30-4). 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Phủ tổng thống ngụy, báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam nói chung và tỉnh Biên Hòa hoàn toàn giải phóng. Cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc ta kết thúc thắng lợi vẻ vang.
Trong lịch sử hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng vũ trang Đồng Nai đã trải qua muôn vàn khó khăn ác liệt, vừa chiến đấu, vừa xây dựng trưởng thành vững chắc trong sự thương yêu đùm bọc của nhân dân từ rừng núi, nông thôn, đồng bằng đến các đô thị. Đặc biệt, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh - trận quyết chiến chiến lược cuối cùng tiến công sào huyệt của kẻ thù, lực lượng vũ trang Đồng Nai trên hướng Đông Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần tạo nên chiến công ngày toàn thắng. Gần nửa thế kỉ đã trôi qua, lực lượng vũ trang Đồng Nai tiếp tục có sự phát triển, trưởng thành không ngừng, nhưng ký ức, chiến thắng năm xưa thì còn được ghi nhớ mãi. Những bài học kinh nghiệm rút ra từ hoạt động trong Chiến dịch lịch sử này đã, đang và sẽ còn được tiếp tục vận dụng sáng tạo vào xây dựng lực lượng vũ trang Đồng Nai, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới./.
V.V.Đ