Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Xây chí thép giữ chủ quyền biển đảo

08:06, 08/06/2023

Đối với cán bộ, chiến sĩ các điểm đảo, Nhà giàn DKI, được công tác, cống hiến và góp sức xây dựng huyện đảo, Nhà giàn DKI vừa là niềm vinh dự, tự hào, vừa là sự thiêng liêng từ máu thịt của những người con đất Việt.

[links()]Đối với cán bộ, chiến sĩ các điểm đảo, Nhà giàn DKI, được công tác, cống hiến và góp sức xây dựng huyện đảo, Nhà giàn DKI vừa là niềm vinh dự, tự hào, vừa là sự thiêng liêng từ máu thịt của những người con đất Việt.

Đoàn công tác tỉnh Đồng Nai chụp hình tại cột mốc chủ quyền TT.Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Ảnh: N.Hà
Đoàn công tác tỉnh Đồng Nai chụp hình tại cột mốc chủ quyền TT.Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Ảnh: N.Hà

Trung tá Trần Danh Hoàng, Phó bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng, Chủ tịch UBND xã Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa cho biết, đã có hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ thay phiên làm nhiệm vụ xây dựng xã đảo trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, cây có thể đổ, nhà có thể sụp nhưng họ luôn kiên trung, bất khuất, ý chí bản lĩnh vững vàng…

* Buồn khi phải xa đảo

Chiến sĩ Đỗ Tuấn Quyền (ngụ P.An Bình, TP.Biên Hòa) đã công tác tại TT.Trường Sa được hơn 7 tháng. Anh sẽ hoàn thành nhiệm vụ và trở về đất liền vào đầu năm 2024.

Phát biểu động viên cán bộ, chiến sĩ, quân và dân TT.Trường Sa, đồng chí HUỲNH THANH BÌNH, Ủy viên Ban TVTU, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Phó trưởng đoàn công tác số 15 xúc động nói: “Đồng Nai là tỉnh công nghiệp không có biển nhưng biển đảo Tổ quốc, Trường Sa, Hoàng Sa luôn trong trái tim mỗi người Đồng Nai. Với tình cảm sâu sắc đó, 50 thành viên đoàn công tác tỉnh Đồng Nai trong thành phần đoàn công tác số 15 sẽ nỗ lực bằng tất cả tâm huyết, trách nhiệm để góp sức cùng cả nước vì Trường Sa, Hoàng Sa thân yêu…”.

Gặp Đoàn công tác số 15, trong đó có 50 thành viên đến từ Đồng Nai, anh Quyền bộc bạch: “Lúc mới ra đảo tôi có hơi lo lắng nhưng hơn 7 tháng qua, cứ mỗi dịp được chào cờ Tổ quốc, được thắp hương chùa Trường Sa, đến nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và đọc lịch sử truyền thống của thế hệ cha ông đi giữ biển, tôi chỉ muốn được ở lại góp sức xây dựng TT.Trường Sa”.

Cùng tâm trạng với anh Quyền, 2 chiến sĩ Nguyễn Quốc Hưng và Nguyễn Thanh Thuận đang công tác tại xã đảo Sinh Tồn xúc động chia sẻ: “Chúng tôi đã công tác ở đây được gần 1 năm và giờ chỉ mong muốn được ở lại phục vụ đảo lâu dài, góp sức nhỏ bé xây dựng xã đảo ngày càng xanh, sạch, đẹp, thực sự mạnh về phòng thủ, đẹp về tình đoàn kết quân dân”.

Gia đình anh Nguyễn Đức Phong, một hộ dân sinh sống và gắn bó tại xã đảo Sinh Tồn gần 5 năm cho biết, ở xã Sinh Tồn có chùa, trường học, có giếng nước ngọt, có vườn rau xanh… Khi đã gắn bó với nơi này rồi, gia đình anh cũng như nhiều hộ dân không muốn trở lại đất liền mà chỉ mong được ở lâu dài, góp sức xây dựng xã đảo ngày một đẹp hơn, khang trang hơn.

* Khơi hồn thiêng sông núi

Khi Đoàn công tác số 15 đặt chân lên TT.Trường Sa, cảm nhận đầu tiên của những người lần đầu đến nơi đây như một “ngôi làng Việt Nam thu nhỏ”. Thị trấn có chùa, đền tưởng niệm liệt sĩ, nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà khách thủ đô, đường băng sân bay, UBND thị trấn…

Thượng tá Nguyễn Công Chính, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên, Chủ tịch HĐND TT.Trường Sa cho biết: “Ngoài những công trình dân sinh, TT.Trường Sa còn có một phiến đá khổ lớn, khắc ghi bản “Tuyên ngôn độc lập” đầu tiên của nước ta: “Nam quốc sơn hà nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.

Tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai bên câu đối còn khắc rõ lời Người dạy Đại đoàn quân Tiên phong (Sư đoàn 308 ngày nay) sau Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954: “Các vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Lãnh đạo tỉnh động viên chiến sĩ trẻ Đồng Nai đang công tác tại xã đảo Sinh Tồn
Lãnh đạo tỉnh động viên chiến sĩ trẻ Đồng Nai đang công tác tại xã đảo Sinh Tồn

Sinh thời, Bác Hồ khi đi cùng cán bộ, chiến sĩ hải quân vào thăm Hang Đầu Gỗ, một “công binh xưởng” xưa kia của Trần Hưng Đạo làm cọc cắm trên sông Bạch Đằng chống quân Nguyên, Người đã xúc động nói: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”… Tất cả đều được lưu lại trong Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TT.Trường Sa.

Thượng tá Nguyễn Công Chính kể lại rằng, chính những hồn cốt dân tộc, hồn thiêng sông núi hiện diện giữa TT.Trường Sa là một trong những yếu tố góp sức rèn vững chí thép cho cán bộ, chiến sĩ, quân và dân huyện đảo ngày càng đoàn kết, nắm chặt vòng tay giữ vững biển, đảo Tổ quốc quê hương.

Trong thời gian lưu lại ngắn ngủi của hải trình, chúng tôi vô cùng xúc động khi nghe trung tá Trần Danh Hoàng, Chủ tịch UBND xã Sinh Tồn kể nhiều câu chuyện liên quan đến việc khơi gợi hồn thiêng sông núi và nghĩa tình thủy chung nơi đảo xa. Đặc biệt, đúng ngày Đoàn công tác số 15 Quân chủng Hải quân lên thăm đảo Sinh Tồn cũng là ngày đất liền đưa tang mẹ của trung tá Lê Đình Nam, Trưởng đoàn công tác Xưởng X201, Cục Kỹ thuật binh chủng, Tổng cục Kỹ thuật đang thực hiện nhiệm vụ phối hợp sửa chữa tại xã đảo Sinh Tồn.

Trung tá Trần Danh Hoàng chia sẻ: “Khi hay tin mẹ đồng chí Nam mất, chúng tôi đã xin phép Quân chủng Hải quân, Tổng cục Kỹ thuật được đưa di ảnh mẹ của trung tá Nam về lập ban thờ để anh em đơn vị và quân dân xã đảo đến động viên, chia buồn”.

Cùng với kịp thời thực hiện những việc tình nghĩa, để rèn luyện chí thép cho cán bộ, chiến sĩ, quân và dân các điểm đảo, việc nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý vấn đề tư tưởng rất quan trọng trong luyện chí thép ở Trường Sa. Chia sẻ điều này, thượng tá Nguyễn Công Chính chỉ cho chúng tôi nơi lưu giữ những cuốn sổ được gọi tên “Tâm tình đồng đội”.

Mở cuốn sổ, chúng tôi bắt gặp ngay dòng chữ nắn nót của binh nhất Cao Hoàng Đông, chiến sĩ cụm đảo số 2, TT.Trường Sa viết: “Vừa mới đây thôi, tôi còn là tân binh cầm súng chưa quen tay, giờ đã trở thành người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo… Thật tự hào khi bố tôi từng là lính đảo Trường Sa. Tôi như được tiếp thêm sức mạnh, tiếp thêm động lực và luôn tự nhủ phải cố gắng vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó”.

Thượng tá Nguyễn Công Chính cho rằng, sổ “Tâm tình đồng đội” là không gian tinh thần để cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là chiến sĩ trẻ giãi bày tâm tư, nguyện vọng. Qua đó, giúp cán bộ quản lý nắm chắc tư tưởng, có giải pháp phù hợp, kịp thời để tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong thực hiện nhiệm vụ…            

Trong hải trình, Ban tổ chức đã phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi và đã trao 38 giải thưởng các loại. Trong đó, đoàn Đồng Nai nhận giải thưởng xuất sắc nhất toàn đoàn với 17 giải thưởng khác như: giải xuất sắc nhất cho tác phẩm tự sáng tác Đồng Nai hướng về Trường Sa và biểu diễn trong đêm giao lưu với quân, dân TT.Trường Sa; Tổ công tác tuyên truyền nội bộ và biên tập viên xuất sắc nhất Tàu KN491; giải thưởng viết cảm nhận về Trường Sa, Nhà giàn DKI…

Nguyệt Hà

Bài 3: Vững lời thề giữ biển, đảo quê hương

Tin xem nhiều