Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo niềm tin sau đối thoại

07:05, 29/05/2023

Từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đến nay, lãnh đạo tỉnh, các địa phương đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại, tiếp công dân để giải quyết những vấn đề mà người dân quan tâm, bức xúc.

>>> Bài 1: Không để bức xúc kéo dài

Từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đến nay, lãnh đạo tỉnh, các địa phương đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại, tiếp công dân để giải quyết những vấn đề mà người dân quan tâm, bức xúc. Nhiều cuộc đối thoại đã thành công khi giải đáp được những vướng mắc kéo dài nhiều năm, được người dân hết sức đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, tiến độ giải quyết các vụ việc sau những cuộc đối thoại, tiếp công dân ra sao, đã đáp ứng được yêu cầu, mong đợi của lãnh đạo tỉnh, địa phương và nhất là người dân hay chưa?

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đối thoại với công nhân lao động vào tháng 12-2021
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đối thoại với công nhân lao động vào tháng 12-2021. Ảnh: C.NGHĨA

Bước sang nhiệm kỳ 2020-2025, công tác tiếp dân và đối thoại công dân được cấp ủy và chính quyền các cấp trong tỉnh chú trọng, trở thành hoạt động thường xuyên và thực chất hơn.

Nhiều vấn đề thiết thực, “nóng” đã được đưa ra đối thoại với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh tồn tại, hạn chế, góp phần củng cố lòng tin, đồng thời đặt ra những kỳ vọng của người dân với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong giải quyết kịp thời những nguyện vọng chính đáng.

Không để người dân bị thiệt thòi

Vào tháng 12-2021, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã có cuộc đối thoại đầu tiên khi về Đồng Nai công tác. Người đứng đầu Đảng bộ tỉnh đã nhận thấy những bất cập vốn là cố hữu của tỉnh phát triển công nghiệp, đó là nhà ở, nơi sinh hoạt của người lao động chưa đảm bảo. 60 đoàn viên Công đoàn và người lao động đại diện cho trên 1,2 ngàn lao động trong tỉnh đã phản ánh, kiến nghị những vấn đề liên quan đến chính sách xây dựng nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp; khó khăn khi tiếp cận các thủ tục thuê, mua nhà ở xã hội thời gian qua và đề xuất biện pháp khắc phục trong thời gian tới…

Bên cạnh đó, vấn đề thu nhập của công nhân và giá nhà ở xã hội hiện còn có “độ vênh” khá lớn, khiến ước mơ về căn nhà ở xã hội cho công nhân an cư lạc nghiệp càng trở nên khó thành hiện thực.

Cũng trong 12-2021, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì buổi tiếp công dân lắng nghe ý kiến, kiến nghị của gia đình bà Huỳnh Thị Hết, bà Nguyễn Thị Vị (con dâu bà Hết), ngụ P.Tân Hạnh (TP.Biên Hòa).

Bà Hết là chủ sở hữu mảnh đất có tổng diện tích hơn 5 ngàn m2 thuộc thửa đất số 3, tờ bản đồ số 35 và các thửa đất số 107, 110, 116 tờ bản đồ số 25 ở P.Tân Hạnh (TP.Biên Hòa). Năm 1997, bà Hết cho vợ chồng con trai là Nguyễn Thiên Triều và vợ là bà Nguyễn Thị Vị diện tích 100m2 trong tổng số hơn 5 ngàn m2 của bà để xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, bà Hết không làm thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất. Vợ chồng bà Vị sau đó đã xây nhà trên mảnh đất mà bà Hết cho để ở.

Năm 2003, thực hiện chủ trương thu hồi đất để thực hiện dự án Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh, phần đất của bà Hết thuộc diện bị thu hồi. Bà Hết đã đồng ý giao đất cho chủ đầu tư, nhận tiền bồi thường và đất tái định cư theo quy định. Do đất bị thu hồi nên vợ chồng bà Vị phải đi thuê phòng trọ bên ngoài để ở. Đến năm 2016, chồng bà Vị mất, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.

Sau khi tìm hiểu thông tin liên quan đến vấn đề thu hồi đất, tái định cư, bà Hết nhận thấy quá trình thực hiện chủ trương của Nhà nước về xét duyệt hồ sơ cấp tái định cư của gia đình mình chưa thỏa đáng nên đã làm đơn xin cấp tái định cư (hộ phụ) cho gia đình bà Vị nhưng chưa được giải quyết. Vụ việc kéo dài nhiều năm, bà Hết và bà Vị đã có đơn gửi UBND TP.Biên Hòa và Bí thư Tỉnh ủy đề nghị bố trí tái định cư mong được xem xét, hỗ trợ.

Tại buổi đối thoại này, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh giao trách nhiệm cho TP.Biên Hòa vận dụng chính sách một cách tốt nhất để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho gia đình bà Hết, bà Vị. Đồng thời nhấn mạnh, khi thực thi công vụ, cán bộ, công chức không được để người dân bị thiệt thòi. Khi thực hiện nhiệm vụ phải có tính nhân văn. Qua sự việc gia đình bà Hết, cán bộ, công chức địa phương cần rút kinh nghiệm, làm việc gì cũng phải sâu sát nhân dân, khi thu hồi đất của người dân để thực hiện các dự án thì phải làm sao để người dân được hưởng lợi từ chính những việc làm đó, không được để người dân phải chịu thiệt thòi.

Lắng nghe, cầu thị

Nhiệm kỳ 2020-2025, Đồng Nai đã coi đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông, là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng và cấp thiết. Trên địa bàn tỉnh đang triển khai một loạt các dự án lớn trọng điểm quốc gia, trong đó có những dự án thành phần được Chính phủ giao cho Đồng Nai chịu trách nhiệm. Chẳng hạn như dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành và các tuyến đường kết nối, xây dựng khu tái định cư phục vụ xây dựng sân bay, dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3…

Khó khăn chung của tỉnh trong thực hiện các dự án là khâu thu hồi đất cùng chính sách đền bù, tái định cư. Để giải quyết những khó khăn này, ngoài sự nỗ lực của UBND tỉnh và địa phương nơi triển khai dự án, Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp đối thoại với các hộ dân còn có khúc mắc về chính sách.

Ngày 16-12-2022, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đối thoại với người dân khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn có diện tích hơn 280ha, là nơi bố trí tái định cư cho trên 4.300 hộ dân diện giải tỏa trắng khi triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây được xem là khu dân cư tái định cư kiểu mẫu vì được đầu tư đồng bộ, hiện đại về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cùng với thời gian thi công nhanh kỷ lục. Tuy nhiên, việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng của khu dân cư này đang gặp khó khăn và phải điều chỉnh quy hoạch cục bộ vì những phát sinh ngoài dự kiến, gây bức xúc cho người dân.

Tại buổi đối thoại, người dân khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đã đặt ra 67 câu hỏi tập trung vào 6 nhóm vấn đề về: xây dựng cơ sở hạ tầng; môi trường, nước sạch; lĩnh vực giáo dục; văn hóa, xã hội, thông tin, thể thao, dịch vụ; đào tạo nghề, giải quyết việc làm; an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan có văn bản đề nghị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam nghiêm túc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình thi công dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo nội dung đã cam kết. Trong đó, tập trung vào các biện pháp nhằm hạn chế phát sinh bụi trong hoạt động vận chuyển, thi công và xây dựng dự án, không để ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của cộng đồng. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các sở, ngành có liên quan nhanh chóng thực hiện những phần việc được giao để người dân nơi đây sớm ổn định cuộc sống.

Mới đây, ngày 17-3, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã đối thoại với 150 người dân đại diện cho các hộ dân có đất thu hồi để phục vụ dự án mở 2 tuyến đường (T1 và T2) kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành với quốc lộ 51.

Buổi đối thoại với người dân đã thể hiện tinh thần lắng nghe, cầu thị của lãnh đạo tỉnh đã ghi nhận 28 ý kiến của đại diện các hộ gia đình trong vùng dự án. Ngoài ra, còn có nhiều lượt ý kiến khác được người dân chuyển đến Bí thư Tỉnh ủy bằng văn bản ngay tại buổi đối thoại với những tâm tư, tình cảm và nguyện vọng. Qua các ý kiến cho thấy, người dân rất ủng hộ Chính phủ và tỉnh trong triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đồng thời mong mỏi được Nhà nước giải quyết chính sách thu hồi đền bù đất bị thu hồi triển khai dự án một cách hợp tình, hợp lý.

Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân nêu rõ:

Người đứng đầu cấp ủy tiếp dân định kỳ như sau:

- Người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện tiếp dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng.

- Người đứng đầu cấp ủy cấp xã tiếp dân ít nhất 2 ngày trong 1 tháng.

Người đứng đầu cấp ủy tiếp dân đột xuất trong các trường hợp sau:

- Vụ việc nổi cộm, phức tạp, kéo dài, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến các cơ quan, tổ chức đơn vị còn khác nhau.

- Vụ việc có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

N.Phượng - V.Truyên - C.Nghĩa - H.Dung

Bài 2: Hiệu quả sau đối thoại   

Tin xem nhiều