Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Cần những giải pháp căn cơ

07:05, 29/05/2023

Công tác cán bộ Đoàn, trong đó có cán bộ cơ sở, là bộ phận quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ Đoàn, đồng thời tạo nguồn bổ sung cán bộ cho hệ thống chính trị.

[links()]Công tác cán bộ Đoàn, trong đó có cán bộ cơ sở, là bộ phận quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ Đoàn, đồng thời tạo nguồn bổ sung cán bộ cho hệ thống chính trị.

Cán bộ Đoàn cơ sở tham gia các hoạt động rèn luyện kỹ năng do Tỉnh đoàn tổ chức. Ảnh: N.Sơn
Cán bộ Đoàn cơ sở tham gia các hoạt động rèn luyện kỹ năng do Tỉnh đoàn tổ chức. Ảnh: N.Sơn

Tuy nhiên, trong bối cảnh thực hiện tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước như hiện nay, việc bố trí công tác cho cán bộ Đoàn khi hết tuổi sẽ ngày càng khó khăn, đòi hỏi cần có những giải pháp căn cơ đến từ bản thân cán bộ Đoàn cơ sở cũng như tổ chức Đoàn.

Hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Từng là cán bộ Đoàn trưởng thành từ cơ sở, ông Trần Hoàng Sự, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch) cho rằng, bản thân mỗi cán bộ Đoàn cần chủ động hoàn thiện bản thân, nhất là về trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ để sẵn sàng đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao.

Anh LƯƠNG TRỌNG QUỲNH, nguyên Bí thư Đoàn xã Sông Trầu (H.Trảng Bom) cho rằng, để giải “bài toán đầu ra” cho cán bộ Đoàn, cấp ủy Đảng cơ sở cần đánh giá đúng trình độ, năng lực của cán bộ Đoàn để ưu tiên xem xét, bố trí vào những vị trí phù hợp khi hết tuổi tham gia công tác Đoàn hoặc đã hoàn thành nhiệm vụ công tác Đoàn.

Chia sẻ về hành trình trưởng thành của mình, ông Sự cho hay, năm 2001, ông tốt nghiệp THPT thì được bầu làm Phó bí thư Đoàn Thanh niên xã Phước An. Đam mê công tác Đoàn và mong muốn được cống hiến lâu dài nên năm 2004, trong khi đang làm Phó bí thư Đoàn xã, ông đã chủ động đăng ký học chuyên ngành Xã hội học, Trường đại học mở TP.HCM (hệ từ xa). Sau 5 năm đảm nhận vai trò Phó bí thư Đoàn xã, năm 2006, ông chuyển về công tác tại Huyện đoàn Nhơn Trạch.

Vừa làm việc tại cơ quan Huyện đoàn, ông Sự vừa tiếp tục chương trình học đại học từ xa, ông còn được tạo điều kiện học trung cấp thanh vận - lý luận chính trị. Thời gian đi làm, đi học gần như kín lịch nhưng với tinh thần nhiệt huyết của một người trẻ, khó khăn đều ở lại phía sau.

Sau khi tốt nghiệp, cầm được tấm bằng đại học trong tay cũng là lúc ông được bầu làm Phó bí thư Huyện đoàn Nhơn Trạch và năm 2014 được bầu làm Bí thư Huyện đoàn Nhơn Trạch. Từ khi nhận nhiệm vụ Phó bí thư Huyện đoàn Nhơn Trạch, ông tiếp tục học cử nhân quản trị hành chính công hệ vừa làm vừa học tại Trường đại học Lạc Hồng, cao cấp lý luận chính trị, thạc sĩ quản lý kinh tế tại Học viện Khoa học xã hội (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam).

 Nhờ có sự chủ động trong việc học tập, hoàn thiện bản thân, sau khi hết tuổi đảm nhận vai trò Bí thư Huyện đoàn, năm 2020, ông Trần Hoàng Sự đã được bố trí đảm nhận Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thanh.

Ông Trần Hoàng Sự chia sẻ thêm, nếu Bí thư Đoàn cơ sở đạt chuẩn về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, đủ 5 năm đảm nhận vai trò Bí thư Đoàn xã khi hết tuổi nếu không bố trí được ở các vị trí trưởng các đoàn thể khác thì có thể chuyển sang làm công chức cấp xã. Trường hợp giữ chức vụ Bí thư Đoàn xã không đủ 5 năm thì phải tham gia kỳ thi công chức cấp xã.

Bên cạnh việc hoàn thiện bản thân về mặt trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, mỗi cán bộ Đoàn cần khẳng định được năng lực của mình qua quá trình thực hiện nhiệm vụ. Theo Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Minh Kiên, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, tổ chức Đoàn cần bám sát chỉ đạo của cấp ủy, nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đồng thời cần có sự tham mưu, xin ý kiến cấp ủy trước khi tổ chức những chương trình, những chuỗi hoạt động lớn để vừa tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy đối với các ngành, có thêm nguồn lực tổ chức hoạt động; vừa là cách để báo cáo với cấp ủy về việc mình làm, khẳng định được năng lực của bản thân, tạo điều kiện thuận lợi trong việc quy hoạch, bố trí khi hết tuổi.

Không để “nước đến chân mới nhảy”

Trao đổi tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Trung ương Đoàn và Tỉnh đoàn về công tác quy hoạch cán bộ Đoàn, ông Trần Đức Thạch, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Trảng Bom chia sẻ, việc giải quyết "đầu ra" cho cán bộ Đoàn, đặc biệt là cán bộ Đoàn cấp cơ sở, khá khó khăn. Trên địa bàn huyện đã có trường hợp Bí thư Đoàn xã hết tuổi nhưng không có vị trí sắp xếp nên rất thiệt thòi. Hiện nay, trên địa bàn huyện các trường hợp gần hết tuổi Đoàn khá nhiều. Huyện ủy Trảng Bom xử lý bằng cách bố trí một số trường hợp tiếp tục tái cử và dự kiến từ nay đến giữa nhiệm kỳ sẽ có tính toán thay thế.

Trả lời trong chương trình Tư vấn chế độ chính sách của Đài Tiếng nói Việt Nam vào tháng 1-2023, đồng chí Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Trung ương Đoàn TNCSHCM, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam cho rằng, việc bố trí cán bộ Đoàn khi hết tuổi ngày càng khó khăn. Vì vậy, tổ chức Đoàn cần chủ động tham mưu cho các cấp ủy cùng cấp, phối hợp với cấp ủy cấp dưới thường xuyên rà soát tình hình cán bộ, phải có sự chuẩn bị từ sớm chứ không để “nước đến chân mới nhảy”.

Theo Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Minh Kiên, công tác quy hoạch cán bộ Đoàn, nhất là quy hoạch các chức danh chủ chốt của Đoàn được ban thường vụ cấp ủy các cấp quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo. Tại buổi làm việc giữa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy với Ban Thường vụ Tỉnh đoàn về triển khai nhiệm vụ trọng tâm sau Đại hội Đoàn TNCSHCM tỉnh Đồng Nai lần thứ X diễn ra vào tháng 10-2022, đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã giao cho Tỉnh đoàn nhiệm vụ đến tháng 10-2023 phải hoàn thành việc kiện toàn, củng cố đầy đủ cán bộ Đoàn các cấp. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy hướng dẫn, chỉ đạo sâu sát để Tỉnh đoàn hoàn thành nhiệm vụ này.

Vì vậy, Tỉnh đoàn đã ban hành kế hoạch rà soát, bổ sung Quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý của Đoàn TNCSHCM tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2027. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo 100% Đoàn cấp huyện kiên trì, chủ động tham mưu cấp ủy, cơ quan có thẩm quyền để xây dựng và rà soát, bổ sung quy hoạch các chức danh chủ chốt của Đoàn; tiến hành xây dựng, rà soát, bổ sung quy hoạch nhiệm kỳ 2022-2027. Song song đó, để nâng cao trách nhiệm của cán bộ Đoàn trong việc xây dựng lực lượng kế thừa, Tỉnh đoàn đã đưa nội dung thường xuyên rà soát, bổ sung quy hoạch vào bộ tiêu chí thi đua hàng năm. Thông qua các hoạt động này, kịp thời phát hiện những trường hợp cán bộ Đoàn gần hết tuổi để chủ động tham mưu cấp ủy quan tâm bố trí công tác khác phù hợp.

Cùng với việc rà soát quy hoạch, nhiều ý kiến cho rằng, Tỉnh đoàn cần chủ động phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đoàn cho đội ngũ cán bộ Đoàn, nhất là cán bộ Đoàn cơ sở. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện rà soát quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ Đoàn tại các huyện, thành đoàn nhằm kịp thời định hướng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác cán bộ Đoàn.

Nga Sơn

Tin xem nhiều