Nhiệt huyết, trách nhiệm với công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, nhưng đặc thù của cán bộ Đoàn là khi hết tuổi theo quy định phải chuyển sang làm công tác khác. Có những cán bộ Đoàn khi hết tuổi được bố trí ở vị trí tương xứng, nhưng cũng có những cán bộ Đoàn chuyển từ cán bộ chuyên trách sang vị trí bán chuyên trách…
[links()]Nhiệt huyết, trách nhiệm với công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, nhưng đặc thù của cán bộ Đoàn là khi hết tuổi theo quy định phải chuyển sang làm công tác khác. Có những cán bộ Đoàn khi hết tuổi được bố trí ở vị trí tương xứng, nhưng cũng có những cán bộ Đoàn chuyển từ cán bộ chuyên trách sang vị trí bán chuyên trách…
Đại diện cán bộ Đoàn thanh niên xã trên địa bàn tỉnh bày tỏ băn khoăn về vấn đề “đầu ra” cho cán bộ Đoàn tại buổi đối thoại với Thường trực Tỉnh đoàn diễn ra năm 2022. Ảnh: N.Sơn |
Điều này ít nhiều làm ảnh hưởng đến tâm tư của cán bộ Đoàn cơ sở, gây khó khăn cho công tác tạo nguồn cán bộ Đoàn…
* Những ngã rẽ không mong muốn
Năm 2010, anh Lương Trọng Quỳnh hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương và được giới thiệu làm Phó bí thư Đoàn xã Sông Trầu (H.Trảng Bom). Là đảng viên trẻ vừa xuất ngũ trở về, anh Quỳnh có nguyện vọng được gắn bó lâu dài nên được Đảng ủy xã Sông Trầu quan tâm, tạo điều kiện đi học trung cấp lý luận chính trị, tham gia lớp đại học (hệ vừa làm vừa học) tại Phân hiệu Trường đại học Lâm nghiệp. Năm 2016, đang trong quá trình học đại học thì anh được bầu làm Bí thư Đoàn xã Sông Trầu.
Là thủ lĩnh thanh niên, không chỉ gương mẫu trong phát triển kinh tế để làm gương cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN) noi theo, anh Quỳnh còn tổ chức tốt các hoạt động giáo dục truyền thống, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho đoàn viên, hội viên, thanh thiếu nhi. Anh vận động nguồn lực xã hội thực hiện các công trình, phần việc thanh niên như: làm cầu dân sinh, cứng hóa các tuyến đường, phát quang bụi rậm, nạo vét kênh mương khơi thông dòng chảy… đóng góp vào quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Có nhiều đóng góp cho công tác Đoàn là thế nhưng cách đây hơn 1 năm, anh Quỳnh đã phải từ bỏ niềm đam mê của mình.
Theo thông tin từ các huyện, thành đoàn, tính đến đầu tháng 5-2023, toàn tỉnh có 9 xã khuyết chức danh bí thư Đoàn xã (trong đó có địa phương khuyết đến 4 bí thư Đoàn xã) đang thực hiện quy trình kiện toàn; 18 xã, phường khuyết chức danh phó bí thư Đoàn xã, đang tìm nguồn để bổ sung. |
Anh Quỳnh cho biết, thời điểm diễn ra Đại hội Đoàn TNCSHCM xã Sông Trầu nhiệm kỳ 2022-2027, anh đã 36 tuổi. Theo quy định về tiêu chuẩn đối với cán bộ Đoàn xã, phường, thị trấn tại Quyết định 1452-QĐ/TU về việc ban hành Quy chế cán bộ Đoàn TNCSHCM tỉnh Đồng Nai (sửa đổi, bổ sung), độ tuổi giữ chức vụ không quá 35. Vì vậy, anh không thể tái cử ở nhiệm kỳ mới mà buộc phải chuyển công tác khác. Tuy nhiên, thời điểm này, tất cả các vị trí chuyên trách cấp xã đều đã đủ người, không còn vị trí để bố trí. Trường hợp của anh Quỳnh chỉ có thể làm bán chuyên trách, đợi đến khi có vị trí tương xứng sẽ xem xét bố trí.
“Ở hoàn cảnh của tôi, dù tinh thần cống hiến cao đến đâu cũng không tránh khỏi hụt hẫng. Tôi quyết định xin nghỉ việc để ra ngoài làm” - anh Quỳnh bộc bạch.
Cũng như anh Quỳnh, từ Đại hội Đoàn TNCSHCM P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) nhiệm kỳ 2022-2027, chị Vũ Thủy Ngọc, nguyên Bí thư Đoàn P.Tam Phước cũng phải rời tổ chức Đoàn TNCSHCM chuyển sang làm Phó chủ tịch Hội LHPN P.Tam Phước. Chia sẻ về quá trình gắn bó với Đoàn, chị Ngọc cho biết, chị đến với công tác Đoàn từ năm 2010 với vai trò Phó bí thư Đoàn Thanh niên xã (xã Tam Phước chính thức lên P.Tam Phước từ ngày 1-7-2019). Trong 12 năm gắn bó, chị cũng đã nỗ lực học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn.
Tuy nhiên, trong thời gian liên thông lên cao đẳng, gia đình xảy ra biến cố, chị phải tạm dừng việc học. Sau này, chị nộp hồ sơ học đại học (hệ vừa làm vừa học) của Trường đại học Vinh (cơ sở tại TP.HCM). Đang học thì dịch bệnh Covid-19 ập đến, việc học gián đoạn một thời gian dài, thời gian hoàn thành chương trình học kéo dài hơn 1 năm so với dự kiến.
Thời điểm chuẩn bị tổ chức Đại hội Đoàn TNCSHCM P.Tam Phước, chị Ngọc đã 34 tuổi nên phải chuyển sang làm bán chuyên trách. Mặc dù không mấy hồ hởi với nhiệm vụ mới nhưng vì “máu” phong trào, nghĩ đến thời gian đã từng cống hiến, chị Ngọc lại tiếp tục cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
* Khó giữ chân cán bộ Đoàn kế cận
Cán bộ Đoàn nói chung, cán bộ Đoàn cơ sở nói riêng khi quyết định dấn thân làm “nghề” cán bộ Đoàn hầu hết đều thuộc nằm lòng câu nói: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. Thế nhưng, sau nhiều năm cống hiến, cán bộ Đoàn đến khi quá tuổi luôn mong muốn có được “đầu ra” ổn định, được bố trí vào những vị trí tương xứng.
Mong muốn là vậy nhưng không phải ai cũng đạt được điều mình muốn. Có những cán bộ Đoàn được bố trí vào vị trí tốt, số khác lại gặp khó khăn khi đến tuổi. Điều này làm cho cán bộ Đoàn đương nhiệm thấp thỏm không biết mình sẽ đi đâu, về đâu khi hết tuổi. Quan trọng hơn, vấn đề “đầu ra” cho cán bộ Đoàn không ổn định cũng làm ảnh hưởng đến việc tìm nguồn cán bộ Đoàn kế cận.
Theo chia sẻ của đại diện các đơn vị huyện, thành đoàn, đội ngũ bí thư Đoàn các xã, phường, thị trấn từ sau Đại hội Đoàn TNCSHCM cấp xã nhiệm kỳ 2022-2027 cơ bản ổn định. Tuy nhiên, đội ngũ phó bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn lại gặp khó khăn khi thường xuyên thay đổi, khó tìm được nguồn bổ sung. Trong khi phó bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn là nguồn để bổ sung cho vị trí bí thư Đoàn phường, xã khi chuyển công tác khác.
Đang tham gia lực lượng dân quân thường trực thuộc Ban Chỉ huy quân sự xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu), tháng 6-2022, anh Hồ Văn Hiếu được giới thiệu làm Phó bí thư Đoàn xã Vĩnh Tân. Anh Hiếu cho hay, Phó bí thư Đoàn xã là bộ phận bán chuyên trách nên không đòi hỏi ngày làm 8 giờ như cán bộ chuyên trách. Phụ cấp của anh mỗi tháng cũng thấp hơn, chỉ có gần 2,4 triệu đồng/tháng (mới tốt nghiệp THPT).
Là con trai duy nhất trong gia đình 4 chị em (3 chị gái đã có gia đình riêng), cha không còn khả năng lao động, mẹ làm công nhân, với mức phụ cấp hiện tại, anh Hiếu không thể phụ giúp cha mẹ trang trải cuộc sống. Gần 1 năm làm Phó bí thư Đoàn Thanh niên xã, anh phải làm thêm đủ nghề để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Mặc dù thích làm phong trào nhưng cuộc sống của bản thân, của người thân chưa ổn định nên cách đây vài tháng anh đã xin nghỉ việc.
Theo anh Đàm Quốc Đạc, Bí thư Huyện đoàn Vĩnh Cửu, phụ cấp của phó bí thư Đoàn xã hiện nay đã được cải thiện nhiều so với trước, nhưng mức phụ cấp này vẫn thấp. Đối với phó bí thư Đoàn xã có bằng tốt nghiệp THPT phụ cấp gần 2,4 triệu đồng/tháng, nếu có bằng tốt nghiệp đại học thì phụ cấp được tính theo hệ số 2,34 - gần 3,5 triệu đồng/tháng và chỉ được tăng lương 1 lần. Phụ cấp không đủ trang trải cuộc sống gia đình, một bộ phận phó bí thư Đoàn xã chỉ gắn bó một thời gian rồi xin nghỉ. Hiện nay, trên địa bàn huyện, ngoài Phó bí thư Đoàn xã Vĩnh Tân xin nghỉ, hiện có TT.Vĩnh An, xã Trị An cũng đang khuyết Phó bí thư Đoàn Thanh niên xã.
Không riêng H.Vĩnh Cửu, hầu hết các huyện, thành phố đều có tình trạng này. Bí thư Huyện đoàn Cẩm Mỹ Nguyễn Thị Thùy Linh chia sẻ, khó khăn lắm mới tìm được người để giới thiệu vào chức danh phó bí thư Đoàn xã. Hầu hết phó bí thư Đoàn xã mới nhận nhiệm vụ đều chưa từng được đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đoàn nên sau khi nhận nhiệm vụ thường phải bồi dưỡng, trải qua thực tiễn hoạt động để tích lũy kinh nghiệm. Tuy nhiên, gắn bó được một thời gian, có kỹ năng, nghiệp vụ, bắt nhịp được với công việc thì họ xin nghỉ, gây khó khăn cho công tác Đoàn tại địa phương. Điều này làm ảnh hưởng đến công tác tạo nguồn cán bộ Đoàn kế cận.
Nga Sơn
Bài 3: Cần những giải pháp căn cơ