Báo Đồng Nai điện tử
En

Dân chủ, tâm huyết trong sửa đổi Luật Đất đai

09:05, 04/05/2023

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần thứ 2 tại Kỳ họp thứ 5 diễn ra trong tháng 5 này.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần thứ 2 tại Kỳ họp thứ 5 diễn ra trong tháng 5 này.

Cử tri H.Long Thành phát biểu ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: H.Thảo
Cử tri H.Long Thành phát biểu ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: H.Thảo

Việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi thời gian qua đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng, thu hút được sự quan tâm, trí tuệ, tâm huyết của toàn thể các tầng lớp nhân dân trong cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh.

* Hơn 11,6 triệu lượt ý kiến đóng góp

Tại các hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh vừa qua, nhiều cử tri tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến vào dự án Luật Đất đai sửa đổi. Cử tri đều nêu kỳ vọng dự án luật sẽ được sửa đổi sát thực tiễn, đồng bộ, khắc phục được những bất cập, vướng mắc hiện nay và dễ thực thi.

Theo Bộ TN-MT (cơ quan chủ trì soạn thảo), dự thảo Luật Đất đai sửa đổi khi lấy ý kiến nhân dân có 16 chương, 236 điều. Việc sửa đổi luật nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước; đồng thời, cơ bản giải quyết được các tồn tại, vướng mắc hiện nay.

Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy PHẠM TẤN LINH cho rằng, việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự án Luật Đất đai sửa đổi trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng, thu hút được sự quan tâm, trí tuệ, tâm huyết của toàn thể các tầng lớp nhân dân. Các cấp, các ngành cần tiếp tục tuyên truyền những kết quả, các nhóm vấn đề mà nhân dân đã đóng góp ý kiến. Qua đó, thể hiện trí tuệ, tâm huyết của toàn thể các tầng lớp nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Nhằm phát huy quyền dân chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 170/NQ-CP ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật.

Theo báo cáo của Bộ TN-MT, tính đến hết ngày 2-4-2023, đã có 11.685.461 lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đã được các cơ quan trung ương, bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp triển khai nghiêm túc, đồng bộ, dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, chuyên sâu, bảo đảm thực chất và hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng đến tận cơ sở xã, phường, thị trấn, khu dân cư, tổ dân phố…

* Phát huy tâm huyết, trí tuệ

Tại Đồng Nai, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 7-2-2023 về việc tổ chức lấy kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Thường cho hay, thực hiện kế hoạch này, các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã; ủy ban MTTQ Việt nam các cấp; các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp; các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 37 hội nghị, hội thảo đóng góp ý kiến trực tiếp. Bên cạnh đó, còn có 52 tổ chức có văn bản góp ý gửi về UBND tỉnh (thông qua Sở TN-MT). Tổng số ý kiến đóng góp cho dự thảo luật thu được là 514 lượt ý kiến.

Theo Phó giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn, việc lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được ngành tư pháp triển khai kịp thời. Qua đó, đã giúp cho công chức, viên chức, người lao động có thêm thời gian nghiên cứu kỹ và tham gia đóng góp nhiều nội dung thiết thực cho dự án luật này.

Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, đoàn đã tổ chức hội nghị góp ý dự án Luật Đất đai sửa đổi. Qua hội nghị đã thu thập được nhiều ý kiến, kiến nghị của các cơ quan quản lý nhà nước và cử tri ở các địa phương. Đoàn cũng đang tiếp tục tổ chức chương trình tiếp xúc cử tri nhằm thu thập thêm ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri gửi tới kỳ họp. Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quản Minh Cường nhấn mạnh, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sắp tới, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tích cực tham gia thảo luận tại tổ, tranh luận tại hội trường để Luật Đất đai sửa đổi sớm được ban hành mang tính khả thi cao, sát thực tiễn, dễ thực hiện và thuận lợi khi áp dụng...

Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Thường cho biết thêm, các ý kiến đóng góp cho dự thảo đất đai sửa đổi trên địa bàn tỉnh tập trung vào các nhóm vấn đề: thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; về giao đất, cho thuê đất; đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; về bảng giá đất, giá đất cụ thể và phương pháp xác định giá đất; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về các quyền của người sử dụng đất.

Bên cạnh đó, còn nhiều ý kiến làm rõ, cụ thể giải thích từ ngữ để áp dụng được dễ dàng và chuyển các nội dung có tính chất giải thích từ ngữ tại một số điều qua phần giải thích từ ngữ cho thống nhất. Sở TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh tổng hợp các ý kiến góp ý một cách khách quan, trung thực, đầy đủ và trình UBND tỉnh báo cáo Bộ TN-MT.

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân, số lượng các mục tại một số chương và số lượng các điều đã có sự thay đổi. Bố cục của dự thảo luật hiện gồm 16 chương, 246 điều. Theo đó, đã tăng 3 mục (Mục 1, Chương VII và Mục 1, 2 Chương XVI); bổ sung mới 22 điều, bỏ 12 điều so với trước đó. Chính phủ đã ban hành văn bản đề nghị nhân dân tiếp tục đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đến khi Quốc hội thông qua.               

Hồ Thảo

Tin xem nhiều