Cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với hơn 600 trang viết được xuất bản vào đúng dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng bí thư làm Trưởng ban, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc.
Cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với hơn 600 trang viết được xuất bản vào đúng dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng bí thư làm Trưởng ban, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc.
Bìa cuốn sách của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam được Tổng bí thư trình bày ở phần thứ nhất, gồm bài viết tổng quan đánh giá lại công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam và các phát biểu kết luận của Tổng bí thư tại các hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng và kết luận tại các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ năm 2013 đến năm 2022.
Phần thứ hai có tiêu đề Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc, gồm 22 bài viết, bài phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Phần thứ ba có tiêu đề Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, tuyển chọn 96 ý kiến tiêu biểu của các tầng lớp nhân dân, đại biểu Quốc hội và của chính khách, học giả nước ngoài bày tỏ sự tin tưởng, ủng hộ, đánh giá cao đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Luận giải, lập luận sắc bén
Về mặt lý luận, cuốn sách đã thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhất quán, kiên định và đồng thời là sự phát triển sáng tạo, góp phần hoàn thiện tư duy lý luận của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là công trình có tầm khái quát lý luận cao trên cơ sở tổng kết thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta.
Về giá trị thực tiễn, cuốn sách là tài liệu quý cho công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân về quyết tâm của cá nhân Tổng bí thư và của Đảng ta đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; cung cấp hệ thống những chỉ đạo của Tổng bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giúp các ngành, các cấp, các địa phương, các tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên và nhân dân nắm vững, quán triệt và triển khai có hiệu quả công tác quan trọng này. Đồng thời, là vũ khí sắc bén góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Cuốn sách của Tổng bí thư là tài liệu rất giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn, là vũ khí sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Để lan tỏa những giá trị của cuốn sách, tạo thành một xu thế, phong trào phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, cần khẩn trương tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và người dân ở địa phương, đơn vị mình là nhiệm vụ cần làm ngay của các cấp ủy, tổ chức Đảng. |
Với những luận giải, lập luận sắc bén, Tổng bí thư đã giúp cho người đọc nhận diện đầy đủ, rõ hơn vấn nạn tham nhũng, tiêu cực, đồng thời phản bác các quan điểm cho rằng tham nhũng, tiêu cực là khuyết tật của chế độ một đảng duy nhất cầm quyền. Thực tế cho thấy, tham nhũng, tiêu cực không phải là “quốc nạn” của Việt Nam, của chế độ một đảng duy nhất cầm quyền mà là “quốc tế nạn”, Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào muốn tồn tại và phát triển bền vững đều phải quyết liệt đấu tranh phòng, chống. Về điều này, Tổng bí thư viết: “tham nhũng (tham ô, nhũng nhiễu) là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có; đó là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Các quốc gia tồn tại và phát triển vững mạnh đều quan tâm và tiến hành đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiệu quả”.
Đối với những ý kiến cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam thực chất chỉ là “cuộc đấu giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ” hoặc như “nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm và làm “chậm” sự phát triển của đất nước”, Tổng bí thư khẳng định: “Trong khi thực tiễn cho thấy hoàn toàn ngược lại. Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thức đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đặc biệt là đã từng bước lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân”.
Bằng những phân tích, lý giải thấu đáo với nhiều thông tin, số liệu dẫn chứng thực tế: Trong 10 năm từ 2012-2022 đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức Đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (có 4 ủy viên Bộ Chính trị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị; 36 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương; hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang); qua thanh tra, kiểm toán kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Tổng bí thư đã phản bác hoàn toàn thuyết phục những quan điểm vô căn cứ cho rằng Đảng ta dung túng, bao che cho tham nhũng trong nội bộ Đảng. Đồng thời, nhấn mạnh quan điểm của Đảng ta trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”.
7 bài học kinh nghiệm quý
Với vai trò là người đứng đầu Đảng, đứng đầu cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từ thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam thời gian qua, Tổng bí thư đã rút ra 7 bài học kinh nghiệm có giá trị để Đảng ta vận dụng và tiếp tục lãnh đạo hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới:
Một là, phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để từ đó có quyết tâm chính trị cao, biện pháp đúng, hành động quyết liệt;
Hai là, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “chống giặc nội xâm”, tức là chống những thói hư, tật xấu. Nó diễn ra đối với những người có chức, có quyền. Là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, “không nghỉ”, “không ngừng” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm;
Ba là, phải đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác cán bộ; gắn phòng chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là phải đánh giá, lựa chọn, bố trí đúng cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý;
Bốn là, phải kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; trong đó, phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, đột phá;
Năm là, tham nhũng, tiêu cực là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, do đó, phải tăng cường và nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực. Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm;
Sáu là, chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò nòng cốt và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng, kịp thời, hiệu quả của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;
Bảy là, các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phù hợp với bối cảnh, yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và truyền thống văn hóa của dân tộc; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài; kế thừa kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước. Trong từng giai đoạn khác nhau, phải xác định những nhiệm vụ trọng tâm, những giải pháp có tính đột phá, phù hợp với tình hình của đất nước, của địa phương.
TS Vũ Thị Nghĩa