Với vai trò tổ chức tiên phong hành động vì hạnh phúc của phụ nữ, thời gian qua, các cấp hội LHPN trên địa bàn Đồng Nai luôn nỗ lực triển khai có hiệu quả công tác hội và phong trào phụ nữ, góp phần nâng cao vị thế của tổ chức hội.
Với vai trò tổ chức tiên phong hành động vì hạnh phúc của phụ nữ, thời gian qua, các cấp hội LHPN trên địa bàn Đồng Nai luôn nỗ lực triển khai có hiệu quả công tác hội và phong trào phụ nữ, góp phần nâng cao vị thế của tổ chức hội.
Hội viên phụ nữ được tạo điều kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm khởi nghiệp tại Ngày hội Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Ảnh: Nga Sơn |
Đáng chú ý, các hoạt động ngày càng được các cấp hội đổi mới theo hướng thiết thực, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của hội viên phụ nữ. Từ đó, tạo niềm tin, thu hút phụ nữ đến với tổ chức hội.
* Đổi mới hoạt động theo hướng thiết thực
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Thái cho biết, Hội LHPN tỉnh luôn quán triệt tinh thần đổi mới trong các cấp hội để các hoạt động hội gần gũi, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của hội viên phụ nữ. Vì vậy, các hoạt động của Hội thời gian qua từng bước đổi mới theo hướng thiết thực.
Bên cạnh tận dụng lợi thế của mạng xã hội Facebook, Zalo, chuyên trang thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các phong trào và nhiệm vụ trọng tâm của Hội, các cấp hội còn tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức cụ thể, thiết thực. Ấn tượng là cuộc thi Tự hào áo dài Việt Nam được Hội LHPN tỉnh tổ chức năm 2020 thu hút trên 1,7 ngàn thí sinh tham gia. Sau cuộc thi, các cấp hội tiếp tục duy trì tổ chức những cuộc thi liên quan đến áo dài và vẫn thu hút được số lượng lớn hội viên phụ nữ tham gia.
Theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh LÊ THỊ THÁI, hội LHPN các cấp còn hỗ trợ, tư vấn pháp luật cho hội viên phụ nữ khi cần; can thiệp bằng cách gửi văn bản yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng vào cuộc xử lý các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến phụ nữ và trẻ em. |
Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế cũng được coi là hoạt động nổi bật của các cấp hội thời gian gần đây, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và nhu cầu của hội viên phụ nữ.
Theo chia sẻ của bà Lê Thị Thái, một mặt Hội rà soát số hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo để có biện pháp giúp đỡ phù hợp, mặt khác hội tuyên truyền, vận động giúp hội viên phụ nữ xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chủ động học hỏi, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ mới để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Những năm gần đây, Hội LHPN tỉnh đã duy trì tổ chức Ngày hội Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp với nhiều hoạt động thiết thực: trưng bày, giới thiệu các sản phẩm sản xuất, kinh doanh của hội viên phụ nữ; giao lưu với các chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp, các nữ doanh nhân đã khởi nghiệp thành công… Đồng thời, duy trì tổ chức cuộc thi tìm kiếm ý tưởng/dự án khởi nghiệp gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), vừa khuyến khích hội viên phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp, vừa hỗ trợ hội viên phụ nữ hoàn thiện ý tưởng khởi nghiệp của mình.
Chị Bùi Thu Bình, chủ Cơ sở Chế biến giò chả Thu Bình (xã Long Đức, H.Long Thành) chia sẻ, chị từng làm việc trong cơ quan nhà nước, bước ra khởi nghiệp nên ban đầu khá bỡ ngỡ. May mắn của chị là được hội LHPN các cấp quan tâm kết nối để có cơ hội tiếp cận với các chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp, giúp hoàn thiện quy trình sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện để chị quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (bìa phải) thăm, tìm hiểu về mô hình phát triển kinh tế của hội viên phụ nữ tại H.Vĩnh Cửu nhằm tăng sự gắn kết giữa tổ chức hội và hội viên phụ nữ. Ảnh: N.Sơn |
Cũng chính từ gợi ý của các chuyên gia, chị Bình đã và đang phối hợp với Hội LHPN H.Long Thành triển khai dự án Hỗ trợ việc làm cho phụ nữ tại địa phương bằng việc trang bị các xe bán bánh mì chả cá thương hiệu Thu Bình. Chỉ trong tháng 10 này, chị đã khai trương 3 điểm bán bánh mì chả cá thương hiệu Thu Bình trên địa bàn H.Long Thành.
* Tăng cường giám sát, phản biện xã hội
Để tổ chức hội thực sự là điểm tựa của hội viên phụ nữ, thời gian qua, các cấp hội trong tỉnh luôn chú trọng làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, nhất là các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em.
Nhận thấy nhu cầu của hội viên muốn được tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao để giải trí, rèn luyện sức khỏe, tạo sự gắn kết cộng đồng, hội phụ nữ các cấp, nhất là ở cơ sở đã xây dựng, tổ chức nhiều mô hình, hoạt động dành cho hội viên phụ nữ. Toàn tỉnh hiện có khoảng 400 tổ/đội/nhóm/CLB thể dục dưỡng sinh, aerobic, yoga, cầu lông, hát cho nhau nghe, đi bộ, thơ ca…,thu hút khoảng 14 ngàn hội viên phụ nữ tham gia. |
Theo bà Lê Thị Thái, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội chủ động phát hiện, lựa chọn các chủ đề giám sát gắn với quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, các vấn đề đang được xã hội quan tâm: môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, cải cách hành chính… Từ đó, các cấp hội đã lựa chọn giám sát nhiều vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. Đảm bảo chất lượng hoạt động giám sát, hội LHPN các cấp đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành giám sát.
Từ đầu năm 2022 đến nay, ngoài hoạt động giám sát về phòng, chống xâm hại, đuối nước và tai nạn thương tích trẻ em đối với UBND H.Tân Phú; giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của Hội LHPN tỉnh, hội LHPN cấp huyện và cơ sở đã tổ chức 23 đoàn giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em tại địa phương. Bên cạnh đó, phối hợp tham gia trên 100 đoàn của HĐND, ủy ban MTTQ cùng cấp giám sát công tác xét đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội, việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Hội viên phụ nữ được tạo điều kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm khởi nghiệp tại Ngày hội Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức |
Cùng với công tác giám sát, hội LHPN các cấp còn tham gia góp ý, phản biện xã hội. Hội LHPN tỉnh đã tham gia góp ý 53 dự thảo văn bản của các ngành chức năng; thực hiện phản biện xã hội đối với 3 dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh; đồng thời, gửi văn bản góp ý, phản biện xã hội 1 dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh. Riêng hội LHPN các huyện, thành phố tham gia đóng góp ý kiến trên 66 văn bản; hội LHPN cơ sở tham gia đóng góp ý kiến trên 124 văn bản, dự thảo nghị quyết, kế hoạch, chương trình của cấp ủy, HĐND, UBND cùng cấp. Hầu hết các ý kiến đóng góp phù hợp với thực tiễn, mục tiêu bình đẳng giới, được cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp thu, thực hiện.
Hội cũng đã tham mưu ban hành quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với cán bộ, hội viên phụ nữ. Thông qua đối thoại, cán bộ, hội viên phụ nữ có cơ hội nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình. Một số ý kiến của cán bộ, hội viên phụ nữ đã được cấp ủy, chính quyền lắng nghe, xử lý kịp thời.
Chẳng hạn, tại buổi đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy (diễn ra năm 2020), từ các ý kiến phản ảnh, đề xuất cần phải có chế độ hỗ trợ thai sản với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp (khu phố), 1 năm sau, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ thai sản và chính sách thôi việc với đối tượng này. Nghị quyết đã góp phần đảm bảo quyền lợi của những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp (khu phố), nhất là những người hoạt động không chuyên trách là nữ trong thời gian nghỉ thai sản.
Nga Sơn