Nhằm tìm ra những ý tưởng, giải pháp mới, làm phong phú thêm các hoạt động tình nguyện, nâng cao chất lượng, hiệu quả của phong trào thanh niên tình nguyện, từ năm 2019 đến nay, Hội Sinh viên tỉnh duy trì tổ chức cuộc thi ý tưởng tình nguyện sinh viên Đồng Nai.
Nhằm tìm ra những ý tưởng, giải pháp mới, làm phong phú thêm các hoạt động tình nguyện, nâng cao chất lượng, hiệu quả của phong trào thanh niên tình nguyện, từ năm 2019 đến nay, Hội Sinh viên tỉnh duy trì tổ chức cuộc thi ý tưởng tình nguyện sinh viên Đồng Nai.
Đội hình Bảo vệ mầm xanh trang bị kỹ năng phòng, chống xâm hại cho trẻ em tại Trường tiểu học Phan Bội Châu (TP.Biên Hòa). Ảnh: N.Sơn |
Trải qua 4 lần tổ chức, cuộc thi ý tưởng, giải pháp tình nguyện sinh viên Đồng Nai đã thu hút đông đảo sinh viên tham gia và Ban tổ chức đã lựa chọn được gần 40 ý tưởng tình nguyện xuất sắc vào vòng chung kết.
* Nhiều ý tưởng xuất phát từ thực tiễn
Với mong muốn giúp cho học sinh, sinh viên đang học tập tại Trung tâm Nghiên cứu - thúc đẩy văn hóa điếc, Trường đại học Đồng Nai và các khoa, ngành khác của trường có cơ hội giao lưu nhiều hơn, giúp học sinh, sinh viên tại trung tâm giảm bớt mặc cảm, tự ti, CLB Truyền thông và CLB 2PM đã có ý tưởng tổ chức hoạt động tập huấn kỹ năng sử dụng ngôn ngữ ký hiệu cho cán bộ Đoàn, Hội.
Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Võ Văn Trung cho rằng, cuộc thi ý tưởng tình nguyện là sân chơi bổ ích cho sinh viên; phát huy được tính chủ động, sáng tạo của sinh viên trong việc đề xuất các ý tưởng, triển khai các hoạt động tình nguyện, góp phần nâng cao hiệu quả phong trào thanh niên tình nguyện. |
Để tổ chức được lớp tập huấn này, Ban tổ chức liên hệ với giảng viên Trung tâm Nghiên cứu - thúc đẩy văn hóa điếc tham gia tập huấn ngôn ngữ ký hiệu. Quan trọng hơn, sau buổi tập huấn, cán bộ Đoàn, Hội cần chủ động rèn luyện kỹ năng sử dụng ngôn ngữ ký hiệu cho thuần thục. Từ đó, tập huấn lại cho đội ngũ tình nguyện viên. Khi có được đội ngũ tình nguyện viên có kỹ năng sử dụng ngôn ngữ ký hiệu sẽ tiến hành tổ chức các hoạt động giao lưu với học sinh, sinh viên tại trung tâm.
Xuất phát từ thực tế thời gian gần đây có nhiều trường hợp học sinh tự tử vì áp lực học tập, sinh viên Nguyễn Hoàng Duy, Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai, đã cho ra đời ý tưởng mang tên Ánh sáng niềm tin.
Hoàng Duy chia sẻ, mục tiêu mà giải pháp này hướng đến là tập hợp, thu hút những thanh, thiếu niên đang gặp phải những áp lực trong cuộc sống và những tấm gương người trẻ có năng lượng tích cực, đồng thời mời thêm các chuyên gia tâm lý. Sau đó sẽ tổ chức tập huấn kết hợp với tư vấn tâm lý, giải đáp những thắc mắc; các hoạt động giao lưu. Song song đó là các hoạt động truyền thông, lan tỏa những thông điệp tích cực, truyền cảm hứng trên các fanpage của Đoàn, Hội…, nhằm giúp thanh, thiếu nhi giảm bớt những áp lực, vượt qua những suy nghĩ tiêu cực, có thêm niềm tin vào cuộc sống.
Bên cạnh các ý tưởng, giải pháp góp phần nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, tin học cho các em thiếu nhi, vấn đề giáo dục giới tính được nhóm sinh viên Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai dành thời gian nghiên cứu và đưa ra giải pháp.
Theo sinh viên Đinh Ngọc Long (đại diện nhóm tác giả), do ảnh hưởng bởi truyền thống văn hóa Á Đông nên các bậc cha mẹ ở Việt Nam ít khi trao đổi với con cái về giáo dục giới tính. Trong khi đó, trẻ từ 10 tuổi trở lên đã có nhu cầu tìm hiểu giới tính của mình. Vì vậy, giải pháp mà nhóm đưa ra là thành lập một hội nhóm tình nguyện, trong đó có các tình nguyện viên có kiến thức về giới tính và kỹ năng truyền đạt, tư vấn, sẵn sàng chia sẻ kiến thức, tư vấn, định hướng cho thanh, thiếu nhi về các vấn đề liên quan đến giới tính, tình dục.
* Gợi mở những mô hình tình nguyện mới
Từ các ý tưởng tình nguyện của sinh viên đã góp phần gợi mở để Tỉnh đoàn, Hội Sinh viên tỉnh cho ra đời những mô hình tình nguyện mới.
Trong đó, có thể kể đến là mô hình Bảo vệ mầm xanh được triển khai thực hiện từ Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè năm 2020. Để triển khai các hoạt động của mô hình, Tỉnh đoàn, Hội Sinh viên tỉnh đã tuyển chọn tình nguyện viên và thành lập đội hình Bảo vệ mầm xanh. Tiếp đến, mời chuyên gia tâm lý tập huấn kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ tình nguyện viên. Sau đó, đội hình sẽ ra quân thực hiện hành trình bảo vệ mầm xanh tại 11 trường của 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Ở các điểm đến, đội hình Bảo vệ mầm xanh sẽ khởi động bằng chuỗi các hoạt động nhằm tạo sự kết nối giữa các học sinh; hướng dẫn trẻ xác định và tìm hiểu về “vùng đồ bơi” đối với trẻ em trai và trẻ em gái để các em biết cách bảo vệ, không cho ai chạm vào. Trẻ còn được giải thích về ý nghĩa của “5 ngón tay xinh”, được xem các tình huống thực tế mà các tình nguyện viên dàn dựng nhằm hướng dẫn trẻ cách bảo vệ mình khỏi nguy cơ bị xâm hại. Ngoài ra, các em còn được hướng dẫn các kỹ năng thoát hiểm, phổ biến Luật Trẻ em, cách phòng tránh các bệnh truyền nhiễm… Các hoạt động này cũng nhằm nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc tham gia phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ em.
Bên cạnh đó là dự án Vui bước em đến trường do Tỉnh đoàn, Hội Sinh viên tỉnh phối hợp thực hiện từ năm 2021. Dự án tiến hành lựa chọn các khu nhà vệ sinh xuống cấp ở các trường. Các tình nguyện viên là sinh viên, cán bộ, giảng viên trẻ các trường đại học, cao đẳng, đoàn viên thanh niên tại các địa phương sẽ tiến hành cải tạo, sửa chữa, làm mới, trang bị dụng cụ, trang trí nhà vệ sinh ở các trường; trang bị các bảng nội quy nhắc nhở học sinh giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, thói quen rửa tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19; trồng và chăm sóc xây xanh nhằm tạo cảnh quan thân thiện cho các em khi đến trường.
Dự án còn thực hiện công trình thư viện thân thiện bằng việc hỗ trợ nhà trường cải tạo, làm mới thư viện, trang trí khuôn viên, phòng đọc sách; xây dựng kênh nắm bắt thông tin nhận sách, tài liệu quyên góp ủng hộ; mua bổ sung các đầu sách mới; thống kê, phân loại, sắp xếp lại sách trong thư viện tạo thuận lợi cho học sinh tìm đọc sách… Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ các trường xây dựng góc ngàn việc tốt, khu vườn ngàn việc tốt, công trình ngàn việc tốt…, góp phần chăm lo, bảo vệ thiếu nhi.
Nga Sơn