Sáng nay 18-3, Ban TVTU tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh học tập, triển khai chuyên đề năm 2022 "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tăng cường kỷ cương, kỷ luật, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, có đạo đức cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới".
Sáng nay 18-3, Ban TVTU tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh học tập, triển khai chuyên đề năm 2022 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tăng cường kỷ cương, kỷ luật, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, có đạo đức cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”.
Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Xuân Hà trao bằng khen của UBND tỉnh cho các gương người tốt, việc tốt của tỉnh. Ảnh: S.Thao |
Để việc học tập chuyên đề năm 2022 trong toàn tỉnh đạt yêu cầu đề ra, Ban TVTU đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nghiên cứu, biên soạn chuyên đề này để làm tài liệu học tập cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Trao đổi với Báo Đồng Nai, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy PHẠM XUÂN HÀ cho biết, chuyên đề năm 2022 gồm 3 phần chính: Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tăng cường kỷ cương, kỷ luật; Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ; Vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ngoài ra, trong chuyên đề còn gợi ý một số nội dung để sinh hoạt, thảo luận tại chi bộ, cơ quan, đơn vị và một số tác phẩm, bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ.
* Tăng cường kỷ cương, kỷ luật
* Xin đồng chí cho biết ý nghĩa của việc học tập chuyên đề năm 2022?
- Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định 4 nhiệm vụ đột phá, trong đó có đột phá về Tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của đảng viên và trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã có Kế hoạch số 88-KH/TU ngày 28-10-2021 về thực hiện nhiệm vụ đột phá này của Đảng bộ tỉnh.
Nhằm thực hiện Kế hoạch số 88-KH/TU và Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời, thực hiện nhiệm vụ của năm 2022 - năm tiến hành triển khai quy hoạch đội ngũ cấp ủy nhiệm kỳ 2025-2030, qua đó để các cấp ủy rà soát lại đội ngũ cán bộ, lựa chọn được những cán bộ có năng lực, phẩm chất, có chiều hướng phát triển đưa vào quy hoạch, tạo nguồn cán bộ cho nhiệm kỳ tới, Ban TVTU đã thống nhất xây dựng chuyên đề năm 2022 là “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tăng cường kỷ cương, kỷ luật, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, có đạo đức cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”.
* Khi học tập chuyên đề năm 2022, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong tỉnh cần nhận thức sâu sắc những nội dung chủ yếu nào, thưa đồng chí?
- Sinh thời, khi đề cập tới đạo đức của cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập nhiều tới chấp hành kỷ luật của cán bộ, đảng viên. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), khi nói về tư cách người cán bộ, đảng viên cách mạng, Hồ Chủ tịch đề ra 12 điều, trong đó có Điều 11: “Đảng phải giữ kỷ luật rất nghiêm từ trên xuống dưới. Kỷ luật này là tư tưởng phải nhất trí, hành động phải nhất trí. Kỷ luật này là do lòng tự giác của đảng viên về nhiệm vụ của họ đối vởi Đảng”. Như vậy, chấp hành kỷ luật của Đảng không phải là gò bó, ép buộc mà phải là sự tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên. Tư tưởng và hành động phải nhất trí với nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi “Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ, đảng viên”. Kỷ luật của Đảng ta là nghiêm minh, đồng thời có tính tự giác. Sự tự giác càng cao thì tính kỷ luật càng chặt chẽ, nghiêm túc.
Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, đảng viên và cán bộ cần ra sức phấn đấu làm việc, cố gắng học tập để nâng cao trình độ văn hóa, tri thức và chính trị của mình. Luôn giữ gìn kỷ luật, xứng đáng là một người cán bộ, một người đảng viên.
Đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn: “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Với Người, cán bộ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời, đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.
Để xây dựng được đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra 4 vấn đề: Phải biết huấn luyện cán bộ; Biết dạy cán bộ; Biết lựa chọn cán bộ và có chính sách cán bộ đúng.
* Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực công tác
* Thưa đồng chí, yêu cầu đặt ra cho công tác xây dựng đội ngũ cán bộ khi triển khai chuyên đề năm 2022 là gì?
- Hiện nay, tình hình trong nước, khu vực và thế giới có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen. Giai đoạn mới này có thuộc tính diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo, khó lường. Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Do tác động của đại dịch Covid-19, thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhiều mặt. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang đến cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Các nước điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển nhằm thích ứng với tình hình mới. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng. Tại Đông Nam Á, môi trường an ninh, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông còn diễn biến phức tạp. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác, nhất là an ninh mạng, ngày càng tác động mạnh mẽ, nhiều mặt, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta”. Tình hình này đòi hỏi chúng ta phải có tư duy mới linh hoạt, mềm dẻo trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ.
* Xin đồng chí cho biết, việc vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai như thế nào?
- Công tác cán bộ trong thời gian qua được Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban TVTU, các cấp ủy Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhìn chung đội ngũ cán bộ của tỉnh có tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tốt; ý thức, tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh.
Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp chưa thật sự nêu gương trong học tập, nghiên cứu lý luận chính trị, các chủ trương, nghị quyết của Đảng; thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng bộ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có mặt chưa đảm bảo được yêu cầu, nhất là đào tạo về trình độ lý luận chính trị. Công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ có trường hợp chưa đánh giá đúng năng lực, phẩm chất, đạo đức của cán bộ dẫn đến vi phạm.
Nguyên nhân của hạn chế nêu trên là do một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và người đứng đầu chưa thực hiện tốt quy chế nêu gương, quy chế dân chủ cơ sở.
Trong thời gian tới, Đảng bộ tỉnh Đồng Nai cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, lối sống mẫu mực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các khâu trong công tác cán bộ, nhất là đánh giá, quy hoạch, đào tạo, quản lý, sử dụng cán bộ; quan tâm cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ xuất thân từ giai cấp công nhân.
Đẩy mạnh luân chuyển cán bộ, nhất là cán bộ trẻ để đào tạo, chuẩn bị nguồn cán bộ lâu dài. Thực hiện nghiêm việc bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương. Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; kiên quyết thay thế, cho thôi chức đối với những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, yếu kém về năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, lối sống, uy tín giảm sút. Đầu tư đúng mức cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức xã, phường, thị trấn theo tiêu chuẩn chức danh…
* Xin cảm ơn đồng chí!
Cán bộ phải có tầm nhìn xa, trông rộng để vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đất nước, vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn khu vực và thế giới. Cán bộ không chỉ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt mà còn phải có những kiến thức về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, văn hóa giao tiếp, hội nhập, kỹ năng làm việc trong điều kiện đa văn hóa... |
Phương Hằng (thực hiện)