Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, 5 năm qua, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã triển khai nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia.
Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, 5 năm qua, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã triển khai nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia.
Cán bộ, hội viên phụ nữ xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) tham quan các tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn ở ấp 5, xã Bình Lợi. Ảnh: Nga Sơn |
Bà Lê Thị Thái, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nhận định, bên cạnh việc thực hành tiết kiệm, cán bộ, hội viên phụ nữ còn học tập và làm theo Bác tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách.
* Lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái
Với mục đích vận động mạnh thường quân hằng tháng ủng hộ tiền mặt, nhu yếu phẩm để nấu cơm trao tận tay những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, Hội LHPN xã Phước Khánh (H.Nhơn Trạch) đã thành lập mô hình Bếp ăn từ thiện với 9 thành viên. Bà Phan Thị Thùy Linh, Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Khánh cho biết, gần 3 năm qua, các thành viên bếp ăn từ thiện đã luân phiên nấu cơm mỗi tuần/lần khoảng 100 phần cơm (trị giá từ 10-15 ngàn đồng/phần).
Theo chia sẻ của bà Linh, để đảm bảo cho mô hình hoạt đông lâu dài, ngoài việc vận động mạnh thường quân ủng hộ, Hội LHPN xã còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể - những người có tấm lòng thiện nguyện cùng thực hiện. Từ năm 2020 đến nay, vào những thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các thành viên của bếp ăn từ thiện sau khi nấu cơm, chia thành từng phần sẽ đem đến trao cho những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Không chỉ duy trì hoạt động nấu cơm, bếp ăn từ thiện còn vận động mạnh thường quân hỗ trợ trực tiếp hằng tháng tiền mặt, quà cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các trường hợp gặp khó khăn đột xuất.
Theo Hội LHPN tỉnh, triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong hệ thống Hội LHPN đã thành lập và duy trì hoạt động của hơn 200 mô hình với 17 ngàn CLB, chi, tổ Hội, góp phần tạo môi trường để hội viên phụ nữ học tập và làm theo Bác. |
Nhận thấy nhiều gia đình khá giả bỏ đi những đồ đã cũ nhưng vẫn còn dùng được như: quần áo, mũ, giày dép, sách giáo khoa… trong khi nhiều gia đình lại không có điều kiện để mua mới nên từ năm 2017, Hội LHPN xã Xuân Thiện (H.Thống Nhất) đã thành lập mô hình Shop 0 đồng - Kết nối yêu thương được đặt tại ấp Tín Nghĩa, xã Xuân Thiện. Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Thiện Trần Huyền Trang cho hay, đúng như tên gọi, mô hình Shop 0 đồng – Kết nối yêu thương đã kết nối những hội viên phụ nữ khá giả ủng hộ những món đồ cũ không dùng tới và những hội viên có hoàn cảnh khó khăn có thể lựa chọn mang về dùng mà không mất bất kỳ một khoản chi phí nào. “Cũ người mới ta”, những món đồ cũ ít dùng đến của những hội viên khá giả đã giúp cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn giảm bớt chi phí mua sắm đồ dùng sinh hoạt hằng ngày, vì thế cuộc sống cũng vơi đi phần nào gánh nặng mưu sinh.
Từ nhiều năm nay, với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 8, xã An Phước (H.Long Thành), bà Vũ Thị Mậu đã giúp đỡ nhiều hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Là “thủ lĩnh” của Hội ở cơ sở, trực tiếp tiếp xúc với chị em nên bà Mậu có cơ hội tìm hiểu từng hoàn cảnh và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng hội viên.
Bà Mậu chia sẻ, qua nắm bắt tâm tư, bà nhận thấy trên địa bàn ấp 8, ngoài hội viên phụ nữ còn trẻ, có sức khỏe đi làm công nhân, còn một bộ phận chị em phụ nữ vướng bận gia đình hoặc quá tuổi không đi làm được, kinh tế gia đình khá khó khăn. Vì vậy, bà Mậu đã vận động hội viên phụ nữ tham gia tiết kiệm nuôi heo đất, tổ tiết kiệm để có nguồn vốn hỗ trợ hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn buôn bán nhỏ; cho hội viên khó khăn đột xuất vay tiền giải quyết khó khăn. Bên canh đó, bà còn vận động hỗ trợ không hoàn lại đối với những hội viên phụ nữ bị bệnh hiểm nghèo; trao học bổng cho con em hội viên có hoàn cảnh khó khăn…
* Góp sức xây dựng nông thôn mới
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Thái cho biết, học tập và làm theo Bác, cán bộ, hội viên phụ nữ còn thi đua góp sức xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch (gồm: không đói nghèo, không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học, sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ).
Thực hiện 8 tiêu chí của cuộc vận động, cán bộ, hội viên phụ nữ trong tỉnh đã góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đặc biệt là góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân đúng với mong muốn của Bác Hồ, đó là “đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, là người chủ trong xã hội và ngày càng được thụ hưởng đầy đủ về vật chất và tinh thần. Cụ thể trong 5 năm qua, các cấp Hội đã đăng ký và thực hiện được trên 2,1 ngàn công trình, phần việc tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh (như: làm đường, xây cầu, cống thoát nước, sửa chữa đường, lắp đèn đường chiếu sáng tiết kiệm điện, lắp camera an ninh, trồng cây, nhận chăm sóc các tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn…) với tổng kinh phí ước tính trên 25 tỷ đồng.
Năm 2015, xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, năm 2018 đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và năm 2019 đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, trở thành một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Bà Đinh Thị Diễm Phương, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Lợi cho hay, để góp sức vào thành tựu xây dựng nông thôn mới của địa phương, trong các buổi sinh hoạt chi hội, các cấp Hội luôn tuyên truyền để hội viên phụ nữ hiểu được vai trò chủ thể trong thực hiện cũng như thụ hưởng thành quả của quá trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, Hội cũng vận động hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia các hoạt động Dân vận - cùng với địa phương ra quân thực hiện các tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn. Tính đến nay, cán bộ, hội viên phụ nữ đã tự nguyện đảm nhận dọn dẹp vệ sinh, trồng, chăm sóc cây xanh, hoa dọc 6 tuyến đường trong xã.
Bà Cao Thị Hồng (ấp 5, xã Bình Lợi) bày tỏ: “So với trước đây, xã Bình Lợi hôm nay như được thay một chiếc áo mới. Những con đường, ngõ hẻm thường xuyên được quét dọn sạch sẽ; dọc các tuyến đường được phủ màu xanh xen lẫn với màu của các loại hoa… khiến cho mỗi người dân nơi đây thêm yêu mảnh đất mà mình đang sống”.
Cũng trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đã xuất hiện nhiều cá nhân hội viên phụ nữ tiêu biểu biết hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích của tập thể. Trong đó có thể kể đến bà Nguyễn Thị Ánh, hội viên phụ nữ ấp 6, xã Phú Lợi (H.Định Quán). Được biết, trước đây Ban điều hành ấp 6 mỗi lần hội họp đều phải mượn địa điểm nhà dân để họp. Thấy được những bất tiện khi tổ chức họp ở nhà dân nên bà Ánh đã vận động gia đình hiến trên 1,6 ngàn m2 đất đang canh tác của gia đình để xây dựng nhà văn hóa làm nơi tổ chức các hoạt động hội họp, hoạt động cộng đồng…
Hay như bà Lê Thị Quận, ngụ P.Suối Tre (TP.Long Khánh) mặc dù vẫn còn tất bật với cuộc sống mưu sinh nhưng bà vẫn dành thời gian để làm việc “bao đồng”, đó là đi nhặt rác trên các trục đường trong khu dân cư. Trừ những lúc ốm đau còn ngày nào cũng vậy, cứ rảnh rỗi, bà lại xách bao đi bộ vòng quanh các ngõ ngách trong khu dân cư để thu gom rác. Khi đầy bao, bà để ở một chỗ cho xe rác tới lấy hoặc có khi chở về điểm tập kết rác của gia đình để xe rác tiện lấy. Với những hành động ý nghĩa này, bà Quận cũng như bao cá nhân khác đã và đang góp sức vào quá trình phát triển của địa phương.
Nga Sơn