Ngày 23-5-2021 sẽ là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là sự kiện chính trị quan trọng diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa đặc biệt khi cả nước đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đánh dấu nhiều thành tựu, kết quả nổi bật của Quốc hội Việt Nam trong 14 khóa vừa qua và là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân.
Ngày 23-5-2021 sẽ là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là sự kiện chính trị quan trọng diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa đặc biệt khi cả nước đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đánh dấu nhiều thành tựu, kết quả nổi bật của Quốc hội Việt Nam trong 14 khóa vừa qua và là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh phát biểu chỉ đạo rà soát các nội dung liên quan đến công tác bầu cử trên địa bàn tỉnh tại cuộc họp ngày 24-2-2021. Ảnh: Hồ Thảo |
Thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Ban TVTU đã xây dựng Kế hoạch số 391-KH/TU về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
* Thực hiện tốt công tác nhân sự
Mục đích, yêu cầu của kế hoạch nhằm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức bầu cử đúng pháp luật, dân chủ, bình đẳng, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân. Lựa chọn bầu vào Quốc hội, HĐND những đại biểu ưu tú, đủ tiêu chuẩn theo quy định, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương, góp phần nâng cao chất lượng ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp trong bộ máy nhà nước của dân, do dân và vì dân. Bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng bộ máy chính quyền ở địa phương; đổi mới công tác bầu cử, mở rộng dân chủ trong việc giới thiệu người ứng cử vào Quốc hội, HĐND và vào các chức vụ chủ chốt trong HĐND và UBND.
Trong Kế hoạch 391-KH/TU đã nêu rõ, khi giới thiệu, lựa chọn bầu ĐBQH và đại biểu HĐND phải đặc biệt coi trọng chất lượng đại biểu, lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. |
Để đạt mục đích, yêu cầu đề ra, Ban TVTU đề nghị các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phổ biến, quán triệt sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị; về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; về Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; vị trí, vai trò của Quốc hội và HĐND trong bộ máy nhà nước; vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tuyên truyền, động viên mọi cử tri tự giác, tích cực và chủ động tham gia bầu cử, nghiên cứu kỹ danh sách người ứng cử. Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đề cao trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bầu cử.
Chỉ đạo đánh giá toàn diện, sâu rộng hiệu quả hoạt động trong nhiệm kỳ qua của HĐND các cấp. HĐND các cấp tổ chức đánh giá, tổng kết hoạt động của HĐND và UBND nhiệm kỳ 2016-2021 theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Thông qua bầu cử, tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp ở địa phương trong nhiệm kỳ mới, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Lãnh đạo thực hiện tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ. Gắn kết quả nhân sự của đại hội Đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ tham gia làm ĐBQH và đại biểu HĐND. Kiên quyết không giới thiệu ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước.
Việc giới thiệu, lựa chọn bầu ĐBQH và đại biểu HĐND phải thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Bảo đảm cơ cấu hợp lý về số đại biểu là người công tác ở cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, MTTQ và các đoàn thể; phấn đấu tỷ lệ người ứng cử là nữ, người dân tộc thiểu số cao hơn nhiệm kỳ trước và bảo đảm theo quy định; có tỷ lệ hợp lý đại biểu ngoài Đảng, các tôn giáo, đại biểu trẻ tuổi, đại biểu là các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ, đại biểu xuất thân từ công nhân, nông dân, doanh nhân, đại diện các hiệp hội về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
* Tiến hành các bước theo quy định
Thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và Tỉnh ủy về bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các cấp ủy Đảng và chính quyền các địa phương trong tỉnh đang thực hiện các bước của cuộc bầu cử theo quy định và đảm bảo tiến độ đề ra.
Đồng chí Huỳnh Tấn Đạt, Phó bí thư thường trực Thành ủy Biên Hòa, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TP.Biên Hòa cho biết, đến nay cấp thành phố và phường, xã đã dự kiến được số đơn vị bầu cử, số ban bầu cử và tổ bầu cử. Đồng thời, đã hướng dẫn mẫu hồ sơ ứng cử, mẫu phiếu bầu cử, nội quy phòng bỏ phiếu và các mẫu văn bản sử dụng trong công tác bầu cử cho UBND 30 phường, xã. Hoàn thành công tác tổ chức hiệp thương lần thứ nhất với dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu theo kế hoạch đề ra.
Theo phân bổ, đại biểu HĐND thành phố được bầu là 40 đại biểu; giới thiệu ứng cử 66 đại biểu, bao gồm: nữ 23 người (chiếm 35%), dưới 40 tuổi là 10 người (chiếm 15%), ngoài Đảng 7 đại biểu (tỷ lệ 10%) và tái cử 12 người (chiếm 30%). Đối với đại biểu cấp xã được bầu là 749 đại biểu; giới thiệu 1.262 người ứng cử. Để cuộc bầu cử được thành công tốt đẹp, công tác tuyên truyền được chú trọng, 2 lần/ngày hệ thống truyền thanh phường, xã phát tài liệu hỏi - đáp về bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp đến toàn thể nhân dân được biết.
Tại H.Trảng Bom, các bước tiến hành cho công tác bầu cử cũng đã được thực hiện đúng thời gian quy định. Đồng chí Nguyễn Thị Nga, Phó bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử H.Trảng Bom cho biết, Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã phối hợp HĐND - UBND huyện và Ủy ban Bầu cử huyện thực hiện xong việc tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất và ban hành thông báo kết quả hội nghị để HĐND huyện điều chỉnh dự kiến cơ cấu, số lượng đại biểu HĐND cấp huyện nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời, Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã tổ chức hội nghị trực tuyến hướng dẫn về việc giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND huyện khóa IV, nhiệm kỳ 2021-2026.
Đối với cấp xã, trên cơ sở quy định pháp luật, hướng dẫn của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp trên, 17/17 đơn vị xã, thị trấn đã hoàn thành tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất. Sau khi có kết quả hội nghị hiệp thương lần thứ nhất của Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và xã, HĐND cấp huyện và xã đã điều chỉnh dự kiến cơ cấu, số lượng đại biểu HĐND cấp huyện, xã nhiệm kỳ 2021-2026, cụ thể là: đại biểu huyện được bầu là 35 đại biểu; giới thiệu ứng cử 59 đại biểu, gồm khối Đảng 3 đại biểu, giới thiệu 3 ứng cử (5%); khối nhà nước 13 đại biểu, giới thiệu 17 ứng cử (28,8%); khối pháp luật 2 đại biểu, giới thiệu 4 ứng cử (6,8%); khối lực lượng vũ trang 2 đại biểu, giới thiệu 4 ứng cử (6,8%); tổ chức chính trị - xã hội 5 đại biểu, giới thiệu 9 ứng cử (15,3%); tổ chức tôn giáo 1 đại biểu, giới thiệu 1 ứng cử (1,7%); tổ chức kinh tế 1 đại biểu, giới thiệu 2 ứng cử (3,4%); trí thức, đơn vị sự nghiệp 1 đại biểu, giới thiệu 2 ứng cử (3,4%); đơn vị hành chính cấp dưới 7 đại biểu, giới thiệu 17 ứng cử (28,8%).
Phương Hằng