Báo Đồng Nai điện tử
En

Lịch sử oai hùng Khu ủy miền Đông

08:02, 21/02/2021

Tháng 2-2021, Khu ủy miền Đông và Trung ương Cục miền Nam chính thức tròn 60 năm thành lập (1961 -2021). Xây dựng và phát triển căn cứ tại Chiến khu Đ, Khu ủy có vai trò quan trọng, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tháng 2-2021, Khu ủy miền Đông và Trung ương Cục miền Nam chính thức tròn 60 năm thành lập (1961-2021).

Cắm chông bảo vệ Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ. Ảnh: Bảo tàng Đồng Nai
Cắm chông bảo vệ Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ. Ảnh: Bảo tàng Đồng Nai

Xây dựng và phát triển căn cứ trên địa bàn Chiến khu Đ, Khu ủy có vai trò quan trọng trong chỉ đạo, lãnh đạo quân và dân miền Đông Nam bộ đương đầu với những thử thách; ghi đậm truyền thống miền Đông gian lao mà anh dũng, góp phần quan trọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

* Quá trình hình thành Khu ủy miền Đông

Miền đông Nam bộ có một vị trí chiến lược trọng yếu về chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự và là nơi “đụng đầu” quyết liệt giữa ta và địch. Trong giai đoạn 1954-1975, đây là nơi tập trung nhiều tiềm lực kinh tế, hải cảng, sân bay quân sự và hệ thống giao thông thủy, bộ quan trọng; là địa bàn diễn ra các chiến dịch lớn có ý nghĩa tác động đến cục diện chiến trường, cũng là vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng.

Tháng 11-1959, Xứ ủy Nam bộ họp Hội nghị mở rộng đến bí thư các tỉnh ủy tại căn cứ Bắc Tây Ninh để quán triệt Nghị quyết Trung ương lần thứ 15. Hội nghị đề ra nhiệm vụ trước mắt của Nam bộ nói chung, miền Đông Nam bộ nói riêng là “giữ vững và đẩy mạnh phong trào cách mạng của quần chúng, lấy đấu tranh chính trị rộng rãi và mạnh mẽ của quần chúng làm chính, đồng thời kết hợp với hoạt động vũ trang tuyên truyền để chống chính sách khủng bố tàn bạo, chính sách bóc lột, vơ vét của Mỹ - Diệm...”.

Phong trào Đồng Khởi bùng nổ ở Mỏ Cày (Bến Tre) từ tháng 1-1960, nhanh chóng phát triển trên khắp miền Nam. Ở miền Đông Nam bộ với chiến thắng mở màn hưởng ứng phong trào Đồng Khởi là trận đánh Tua Hai (đêm 25 rạng 26-1-1960) ở Bắc Tây Ninh. Chiến thắng Tua Hai đã làm cho Mỹ - Diệm choáng váng, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về trình độ tổ chức chỉ đạo, chỉ huy hoạt động tác chiến của lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ; mở rộng phương thức đấu tranh cách mạng mới: kết hợp chính trị vũ trang và binh vận, báo hiệu lệnh phát động nổi dậy đồng loạt của nhân dân miền Đông Nam bộ.

Tháng 7-1960, Khu ủy miền Đông Nam bộ và Bộ Chỉ huy lực lượng vũ trang giải phóng miền Đông Nam bộ (Quân khu miền Đông Nam bộ) được thành lập. Căn cứ Khu ủy và Sở Chỉ huy Quân khu đóng tại Suối Linh (Chiến khu Đ). Cuối tháng 12-1960, dưới sự chỉ đạo của Trung ương, Xứ ủy, Khu ủy miền Đông, đường chiến lược từ Trung ương vào miền Đông Nam bộ và Nam bộ qua dải Trường Sơn đã nối thông. Từ đây, miền Đông Nam bộ trực tiếp đón nhận sự chi viện của Trung ương về sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, một yếu tố có tính chất quyết định cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam.

Tháng 2-1961, tại Suối Linh, Khu ủy miền Đông chính thức được thành lập, đồng chí Mai Chí Thọ là Bí thư Khu ủy, Chính ủy Quân khu. Ngày 25-10-1967, Trung ương Cục quyết định giải thể Khu ủy miền Đông và Quân khu Sài Gòn - Gia Định thành lập “Khu trọng điểm” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng mới. Tháng 6-1972, Trung ương Cục miền Nam ra quyết định tái lập Khu ủy miền Đông Nam bộ, đứng chân ở Krachê (Campuchia), đồng chí Trần Nam Trung làm Bí thư kiêm Chính ủy Quân khu. Tổ chức của Khu ủy về sau được tăng cường, bổ sung nguồn cán bộ để thành lập các ban, ngành, đoàn thể. Khu ủy miền Đông tiếp tục chỉ đạo, lãnh đạo phong trào cách mạng ở miền Đông Nam bộ đi đến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...

* Vai trò của Khu ủy trong kháng chiến

Từ sau ngày thành lập, Khu ủy miền Đông đã tích cực xây dựng lực lượng vũ trang và đẩy mạnh đấu tranh vũ trang trong toàn quân khu. Để củng cố và mở rộng Chiến khu Đ, Khu ủy miền Đông và Quân khu 7 hạ quyết tâm tiêu diệt Tiểu khu Phước Thành nhằm đập tan âm mưu của địch, xây dựng tỉnh Phước Thành (ngày nay là H.Phú Giáo - Bình Dương) thành một cứ điểm quân sự. Đêm 17-9-1961, lực lượng của ta đã tiêu diệt hoàn toàn các mục tiêu chủ yếu và xóa tên tiểu khu Phước Thành, mở rộng căn cứ địa cách mạng ở miền Đông Nam bộ.

Quân giải phóng đào giao thông hào và công sự trong Khu ủy miền Đông. Ảnh: Bảo tàng Đồng Nai
Quân giải phóng đào giao thông hào và công sự trong Khu ủy miền Đông. Ảnh: Bảo tàng Đồng Nai

Từ đầu năm 1963, Khu ủy miền Đông tại Chiến khu Đ bắt đầu triển khai xây dựng hệ thống, địa đạo, giao thông hào, hầm trú ẩn... với chủ trương xây dựng nơi này thành cứ địa quân sự vững chắc, hoàn chỉnh nhằm đảm bảo an toàn cho cơ quan đầu não Khu ủy. Từ đây, nhiều chiến thắng vang dội liên tiếp nổ ra như: tiến công diệt một loạt đồn bốt địch nằm sâu trong chiến khu như: đồn bàu Cá Trê, Chi khu Hiếu Liêm, đồn Cây Gáo, đồn Trị An; các trận pháo kích sân bây Biên Hòa, mở chiến dịch Bình Giã thắng lợi, chiến dịch Đồng Xoài, tấn công tổng kho Long Bình... tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

Khu ủy miền Đông đã thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp quan trọng trên nhiều mặt để chỉ đạo, lãnh đạo phong trào cách mạng địa bàn Đông Nam bộ: Xây dựng căn cứ kháng chiến, xây dựng lực lượng, tổ chức công tác binh vận, hậu cần cho các chiến dịch quan trọng. Ở mỗi giai đoạn chiến tranh, chiến trường miền Đông Nam bộ đều diễn ra ác liệt với nhiều tổn thất, hy sinh nhưng ở đó đã thể hiện rõ nét tư tưởng tiến công, quan điểm bạo lực cách mạng và tính linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo của Khu ủy miền Đông. Chính sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, linh hoạt, xuyên suốt và bao quát ấy đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử vĩ đại, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

ThS Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai chia sẻ: “Khu ủy miền Đông Nam bộ đứng chân ở Chiến khu Đ đã làm được một nhiệm vụ quan trọng là mở những hành lang đường bộ, đường Hồ Chí Minh, lãnh đạo xây dựng đường Hồ Chí Minh trên biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Chính vì vậy, đã tiếp nhận được sự chi viện của Trung ương. Khu ủy còn là đơn vị  giúp cho Trung ương Cục đứng chân ở đây khi thành lập, chỉ đạo hết sức quyết liệt và đúng đắn để xây dựng và mở rộng căn cứ”.

Theo Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Xuân Hà, Khu ủy miền Đông Nam bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động, vận dụng sáng tạo, linh hoạt đường lối, chủ trương cách mạng của Trung ương, Trung ương Cục vào thực tế chiến trường để vượt qua những khó khăn, thử thách. Đồng thời, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện tốt truyền thống đoàn kết toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chịu đựng mọi gian khổ, hy sinh, một lòng chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn.

Sự lãnh đạo đúng đắn của Khu ủy miền Đông đã tạo nên một căn cứ địa cách mạng bất khuất không thể nào quên trong mỗi người dân Việt Nam. Giá trị lịch sử và những bài học kinh nghiệm ấy không hề mất đi mà còn lại mãi mãi, và chắc chắn đóng góp một phần hữu ích vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Bài học xây dựng lực lượng

Trung tướng Phạm Văn Dỹ (nguyên Chính ủy Quân khu 7) cho biết: “Lịch sử xây dựng, chiến đấu và công tác của Khu ủy miền Đông Nam bộ đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Trong đó, thường xuyên chú trọng xây dựng cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích; có quy hoạch hợp lý trong mối tương quan chung giữa các lực lượng vũ trang sao cho phù hợp với đặc điểm từng vùng chiến trường, từng nhiệm vụ được giao. Luôn chủ động phát huy nội lực, tự lực, tự cường, đồng thời tranh thủ sự chi viện của trung ương địa phương và các chiến trường bạn”.

Ly Na

Tin xem nhiều