Trong 4 ngày đầu của Đại hội XIII của Đảng, từ các phiên họp tập trung tại hội trường đến các phiên thảo luận văn kiện đại hội tại đoàn và các cuộc trao đổi bên lề đại hội, nhiều chủ đề nóng, gắn với sự phát triển của đất nước đã được các đại biểu tham luận rất sôi nổi.
Trong 4 ngày đầu của Đại hội XIII của Đảng, từ các phiên họp tập trung tại hội trường đến các phiên thảo luận văn kiện đại hội tại đoàn và các cuộc trao đổi bên lề đại hội, nhiều chủ đề nóng, gắn với sự phát triển của đất nước đã được các đại biểu tham luận rất sôi nổi.
Các đại biểu Đồng Nai cùng các đại biểu cả nước tham dự Đại hội XIII theo dõi các tham luận tại đại hội. Ảnh: C.Nghĩa |
Những chủ đề như kết quả xây dựng Đảng, lựa chọn cán bộ dám nghĩ, dám làm, phát triển kinh tế số, xây dựng thể chế chính sách, chất lượng nguồn nhân lực… luôn thu hút sự quan tâm của đại biểu. Theo tổng hợp của Ban tổ chức Đại hội XIII, trong những ngày đầu của Đại hội đã có 36 tham luận của các bộ, ngành, địa phương trình bày tại đại hội. Còn tại các phiên thảo luận tại đoàn cũng đã có 788 lượt ý kiến đầy trách nhiệm và tâm huyết.
* Lấy dân làm gốc
Là người trình bày tham luận đầu tiên tại Đại hội XIII, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã nhấn mạnh: “Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng là nhân tố quyết định để Mặt trận tập hợp được mọi lực lượng, xây dựng, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết dân tộc”... Từ kinh nghiệm của MTTQ Việt Nam sau 5 năm thực hiện Nghị quyết XII của Đảng đã rút ra được 5 bài học sâu sắc: Thứ nhất, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng là nhân tố quyết định để Mặt trận tập hợp được mọi lực lượng, xây dựng, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thứ hai, trong mọi hoạt động, hệ thống chính trị phải quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, khơi dậy sức sáng tạo, sự ủng hộ của nhân dân, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Thứ ba, đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và hiệp thương phối hợp thống nhất hành động của các tổ chức thành viên. Thứ tư, quán triệt phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh, Mặt trận phải thường xuyên đổi mới phù hợp với thực tiễn. Thứ năm, thực hành dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết gắn với đấu tranh, có lý, có tình với các hành vi sai trái, làm ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
* Giữ vững kỷ cương của Đảng
Tại Đại hội XIII, tham luận của Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Mai Trực đã thu hút sự quan tâm của đại biểu, đồng thời làm cho nhân dân càng tin tưởng hơn vào công tác kiểm tra giám sát của Đảng. Ông Mai Trực đã nêu lên những kết quả nổi bật trong công tác kiểm tra giám sát của Đảng trong nhiệm kỳ 2015-2020 với hàng loạt vụ án tham nhũng lớn, rất nhiều cán bộ sai phạm bị đưa ra xét xử, trong đó có cả những người từng là ủy viên trung ương, ủy viên bộ chính trị. Những gì đã làm được trong công tác kiểm tra giám sát trong nhiệm kỳ qua đã làm cho nhân dân vô cùng tin tưởng vào Đảng, những tư tưởng vùng cấm, ngoại lệ, hạ cánh an toàn đã không còn tồn tại trong công tác xử lý cán bộ có sai phạm.
Ông Mai Trực khẳng định: “Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ đường lối, tư tưởng, quan điểm, giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng...”. Tiếp tục củng cố niềm tin trong nhân dân về quyết tâm làm trong sạch đội ngũ của Đảng, ông Mai Trực cho biết: “Nhiệm kỳ tới, ủy ban kiểm tra các cấp sẽ hành động quyết liệt hơn, tập trung vào những nơi có vấn đề phức tạp, điểm “nóng”, những địa bàn, lĩnh vực dễ nảy sinh vi phạm. Trong đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ chú trọng những dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội trên các lĩnh vực kinh tế - tài chính, hành chính, tư pháp, y tế, giáo dục, quản lý báo chí, sử dụng nguồn viện trợ của nước ngoài, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và đặc biệt là công tác cán bộ”.
* Phát triển kinh tế số
Phát triển kinh tế số, hạ tầng số là chủ đề mới, lần đầu tiên được nhắc đến trong hệ thống các báo cáo chính trị trong Văn kiện Đại hội XIII và được thảo luận rất sôi nổi. Từ các tham luận của địa phương: thủ đô Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, đến các bộ, ngành như: Bộ TT-TT, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương… đều nhắc đến tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế số và hạ tầng số. Theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, quá trình chuyển đổi số, sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ... không chỉ tác động trực tiếp tới các hoạt động thương mại mà còn làm thay đổi sâu sắc các phương thức sản xuất truyền thống.
Còn Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nêu 4 nhóm giải pháp đột phá để tăng tốc chuyển đổi số quốc gia như: làm chủ hạ tầng số, làm chủ các nền tảng số, làm chủ không gian mạng quốc gia... Bộ trưởng nhấn mạnh: “Muốn chiến thắng trong cuộc đua kinh tế số thì Việt Nam không thể đi sau, không thể đi cùng mà phải luôn đi trước các nước”. Người đứng đầu ngành TT-TT đặt kỳ vọng: “Trong năm 2021, mỗi người dân sẽ có cơ hội sở hữu một danh tính số và được xác thực khi tham gia vào các dịch vụ trực tuyến để bảo đảm an toàn và nâng cao mức độ tin cậy của các dịch vụ. Phổ cập định danh và xác thực điện tử sẽ góp phần tạo ra một không gian mạng quốc gia an toàn, văn minh và rộng khắp”.
Đặng Công