Báo Đồng Nai điện tử
En

Vị tướng của nhân dân

09:11, 30/11/2020

Đại tướng Lê Đức Anh (bí danh Phú Hòa, còn gọi là Chín Hòa, Sáu Nam) sinh ngày 1-12-1920 tại làng Trường Hà, H.Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đại tướng Lê Đức Anh (bí danh Phú Hòa, còn gọi là Chín Hòa, Sáu Nam) sinh ngày 1-12-1920 tại làng Trường Hà, H.Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đại tướng Lê Đức Anh thăm quần đảo Trường Sa năm 1988. Ảnh tư liệu
Đại tướng Lê Đức Anh thăm quần đảo Trường Sa năm 1988. Ảnh tư liệu

Đại tướng Lê Đức Anh là một nhà quân sự lỗi lạc, nhà chính trị nhạy bén trước thời cuộc. Đại tướng đã trọn đời phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân. Trong cuộc sống đời thường, ông là một vị tướng gần dân với cách sống giản dị, thanh bạch…

* Vị tướng với những quyết định lịch sử

Nguyên Bộ trưởng Quốc phòng, đại tướng Phạm Văn Trà, người có khá nhiều thời gian gắn bó với đại tướng Lê Đức Anh cho biết, đại tướng Lê Đức Anh là một trong số ít các tướng lĩnh quân đội đã trải qua đủ các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

“Đại tướng Lê Đức Anh đã tham gia vào nhiều sự kiện trọng đại trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam của Tổ quốc. Đồng thời, làm nghĩa vụ quốc tế vẻ vang ở Campuchia và ghi dấu ấn trong công cuộc đổi mới đất nước cũng như tham gia hoạch định chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước cả về đối nội và đối ngoại” - đại tướng Phạm Văn Trà nói.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố đại tướng Lê Đức Anh (1-12-1920 - 1-12-2020), Bộ Quốc phòng đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước và tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức hội thảo quốc gia Đồng chí Lê Đức Anh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên - Huế trong các ngày 29 và 30-11. Theo thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, hội thảo tập trung làm rõ thân thế, cuộc đời và quá trình công tác của Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh; vai trò và những cống hiến của ông trong lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng; những quan điểm về đấu tranh cách mạng, về giải phóng dân tộc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân…

Cũng theo đại tướng Phạm Văn Trà, trong cuộc đời của một nhà quân sự lỗi lạc, đại tướng Lê Đức Anh đã từng có những quyết định lịch sử, thể hiện tài thao lược và làm nên những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam. Sau Tết Mậu Thân năm 1968, cách mạng miền Nam nói chung, Quân khu 9 nói riêng đứng trước những khó khăn nghiêm trọng, địa bàn đứng chân bị thu hẹp, bộ đội chủ lực Miền phải hoạt động chủ yếu trên đất Campuchia.

Trước tình hình đó, trên cương vị Tư lệnh Quân khu 9, đại tướng Lê Đức Anh đã cùng Bộ Tư lệnh kiên quyết bám trụ ở U Minh Thượng. Quyết định này đã giữ vững được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đối với các lực lượng vũ trang (LLVT) trên địa bàn. Nhờ vậy, LLVT và nhân dân Quân khu 9 đã chủ động phản công đánh bại 2 cuộc tiến công của địch, phá tan kế hoạch “Tô dày, lấp kín U Minh”, giữ vững địa bàn chiến lược trọng điểm…

Đại tá, PGS-TS Hồ Sơn Đài, người có hơn 10 năm giúp việc đại tướng Lê Đức Anh (2003-2015) và là người chắp bút cuốn hồi ký thứ 2 của đại tướng Lê Đức Anh cho rằng, các nhà nghiên cứu quân sự đều thống nhất rằng, đại tướng Lê Đức Anh là nhà quân sự lỗi lạc, có tài thao lược, dám quyết và dám chịu trách nhiệm trước những tình thế khó khăn.

Sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, trên cương vị Tư lệnh Quân khu 9, đại tướng Lê Đức Anh là người nắm rõ tình hình biên giới Việt Nam - Campuchia còn nhiều khó khăn, phức tạp, ông đã bàn bạc và giữ lại nhiều hạ sĩ quan, chiến sĩ có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, cùng đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ chỉ huy, nhiều kinh nghiệm trải qua thực tiễn chiến đấu, những đơn vị có truyền thống, nền nếp chính quy tốt để xây dựng LLVT. “Nhờ vậy, khi lực lượng phản động Pôn Pốt đánh sang toàn tuyến biên giới Tây Nam, Quân khu 9 đã không bị rơi vào tình trạng “bỏ trống địa bàn” vì không có quân thường trực”- đại tá Hồ Sơn Đài nói.

* Vị tướng giản dị, gần dân

Là người được gần gũi đại tướng Lê Đức Anh gần 10 năm, ông Lê Sen Bài, hiện đang ngụ Q.12, TP.HCM kể, dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, đại tướng Lê Đức Anh rất sâu sát, tận tụy trong công việc. “Đại tướng nghe nhiều hơn nói, luôn gần gũi cấp dưới, sẵn sàng chia ngọt, sẻ bùi, luôn quan tâm, chăm lo cán bộ, chiến sĩ. Với tôi, ông giống với một người cha hơn là một bộ trưởng và một nguyên thủ quốc gia” - ông Bài cho biết.

Đại tá Hồ Sơn Đài (bên phải) trong một lần trò chuyện với đại tướng Lê Đức Anh. Ảnh nhân vật cung cấp
Đại tá Hồ Sơn Đài (bên phải) trong một lần trò chuyện với đại tướng Lê Đức Anh. Ảnh nhân vật cung cấp

Theo ông Bài, ở cương vị là Bộ trưởng Quốc phòng, đại tướng đã trực tiếp đến thăm, kiểm tra nhiều đơn vị cơ sở, gần gũi và kịp thời chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các đơn vị tập trung mọi nguồn lực chăm lo đời sống bộ đội để anh em có sức khỏe, ổn định tư tưởng, xác định quyết tâm bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Chỉ hơn 1 tháng sau sự kiện Gạc Ma năm 1988, trên cương vị cao nhất của quân đội, đại tướng đã trực tiếp đi thị sát quần đảo Trường Sa, nắm tư tưởng cán bộ, chiến sĩ và động viên bộ đội vững vàng tay súng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đất nước hòa bình, đại tướng luôn trăn trở về đời sống của cán bộ, chiến sĩ quân đội, nhất là các đồng chí từng trực tiếp chiến đấu, chịu nhiều hy sinh gian khổ, nhưng cuộc sống vẫn còn rất khó khăn. Đại tướng Lê Đức Anh chỉ đạo dành một phần đất doanh trại chưa sử dụng, để giải quyết nhà ở, đất ở cho cán bộ quân đội, giúp anh em yên tâm công tác, gắn bó, xây dựng đơn vị.

Với những cống hiến to lớn cho quân đội và nhân dân, đại tướng Lê Đức Anh đã 3 lần được phong hàm cấp tướng. Lần thứ nhất được phong vượt cấp từ đại tá lên trung tướng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 2 lần sau, ông được thăng từ hàm trung tướng lên thượng tướng và từ thượng tướng lên đại tướng khi đang phục vụ tại chiến trường Campuchia.

Là một trong những cán bộ lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, nhưng với cuộc sống đời thường, đại tướng lại rất giản dị, sâu sắc, nhân văn, được đồng chí, đồng đội và nhân dân yêu mến, bạn bè quốc tế đánh giá cao. Ở đồng bằng sông Cửu Long, người ta gọi đại tướng Lê Đức Anh với cái tên thật gần gũi: Bác Sáu Nam. Bởi suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, dù ở cương vị nào ông cũng luôn giản dị, chân thành, để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng người dân Nam bộ.

Trên cương vị Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh đã chỉ đạo Bộ LĐ-TBXH phối hợp với Bộ Quốc phòng rà soát, xây dựng kế hoạch đề xuất chủ trương phong và truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Lần đầu tiên trong lịch sử, ngày 29-12-1994, hàng trăm bà mẹ Việt Nam anh hùng được tôn vinh tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Cũng từ đây, phong trào Đền ơn đáp nghĩa, Phụng dưỡng các bà mẹ Việt Nam anh hùng, Toàn dân chăm sóc người có công… ra đời và trở thành truyền thống tốt đẹp của nhân dân cả nước.

 “Từ khi ra Hà Nội giữ chức Tổng tham mưu trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh vẫn sống và làm việc trong căn nhà công vụ N8 giữa trạm khách của Bộ Quốc phòng. Mọi đồ dùng đến bữa ăn, quần áo mặc và nếp sinh hoạt hằng ngày của ông vẫn luôn thanh đạm như một người dân Việt bình thường khác” - ông Lê Sen Bài kể lại.

Nguyệt Hà

Tin xem nhiều