Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhân lên những tấm gương học và làm theo Bác

09:10, 11/10/2020

Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong những năm qua, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã coi việc học tập và làm theo Bác là việc làm thường xuyên.

Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong những năm qua, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã coi việc học tập và làm theo Bác là việc làm thường xuyên.

Thí sinh Trương Thị Ngọc Hạnh (H.Xuân Lộc) đoạt giải nhất hội thi kể chuyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Ảnh: N.Sơn
Thí sinh Trương Thị Ngọc Hạnh (H.Xuân Lộc) đoạt giải nhất hội thi kể chuyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Ảnh: N.Sơn

Tại hội thi kể chuyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Hội LHPN tỉnh tổ chức mới đây, nhiều tấm gương người thật, việc thật trong cộng đồng đã được các thí sinh chọn kể, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong các cấp Hội và trong cộng đồng.

* Âm thầm tỏa hương

Thí sinh Trương Thị Ngọc Hạnh (H.Xuân Lộc) đã tạo ấn tượng bằng việc kể câu chuyện về tập thể Đội nữ dân phòng vùng đồng bào dân tộc ở xã Xuân Phú.

Chị Hạnh kể, Đội nữ dân phòng được thành lập từ năm 2011 với 15 thành viên. Khó khăn lớn nhất của các thành viên trong đội những ngày đầu thành lập chính là đối diện với những lời giễu cợt rằng đàn bà đêm hôm còn lo việc bao đồng. Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên”, các chị đã vượt qua những lời chê bai, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. Sau 9 năm thành lập, Đội nữ dân phòng ngoài tuần tra sau 20 giờ, đã cung cấp cho công an xã trên 200 nguồn tin có giá trị, phối hợp giữ hiện trường 48 vụ tai nạn giao thông và đưa hàng chục nạn nhân đi bệnh viện cấp cứu, xử lý 17 trường hợp có hành vi bạo lực...

Bên cạnh tham gia giữ gìn an ninh trật tự, theo chị Hạnh, Đội nữ dân phòng còn đóng góp cho địa phương bằng các hoạt động nhân đạo từ thiện. Thời gian qua, các thành viên trong đội đã vận động xây dựng 6 mái ấm tình thương cho hội viên phụ nữ dân tộc có hoàn cảnh khó khăn, tặng trên 280 suất học bổng, 59 chiếc xe đạp, trên 2,8 ngàn phần quà, gần 560 thẻ bảo hiểm y tế...

Trong số những câu chuyện được kể tại hội thi, câu chuyện của thí sinh Tô Thị Kim Anh, đến từ Hội Phụ nữ quân sự tỉnh đã lấy nhiều nước mắt của người nghe. Câu chuyện kể về thiếu tá Đinh Viết Hồng (Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh) - người cán bộ luôn sáng ngời phẩm chất bộ đội Cụ Hồ. Sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan tăng thiết giáp, anh Đinh Viết Hồng về công tác tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau. Theo lời kể của chị Kim Anh, ở cương vị công tác nào, dù khó khăn ra sao anh cũng luôn nỗ lực vượt lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Tinh thần, nghị lực vượt qua khó khăn ở thiếu tá Đinh Viết Hồng không chỉ thể hiện trong công việc mà cả trong cuộc sống đời thường. Chị Kim Anh kể, cuộc sống gia đình anh đầy khó khăn, vất vả. Năm 2014, vợ chồng anh sinh con thứ 2 nhưng chẳng may bị chậm phát triển về trí tuệ, lại thường xuyên đau ốm. Với đồng lương không mấy dư dả, vợ chồng anh chị dành hết để chạy chữa cho con.

“Anh Hồng từng kể với tôi, có thời điểm con nằm viện dài ngày, tiền trong túi cũng hết, vợ chồng anh chị đi xin cơm từ thiện để ăn, con hết tã lót phải cắt từng tờ báo để thay làm tã. Vất vả là thế nhưng anh luôn hy vọng con anh khỏi bệnh và có cuộc sống như bao đứa trẻ bình thường khác” - chị Kim Anh nói.

Tham gia hội thi còn có những câu chuyện kể về cán bộ Hội ở cơ sở thích “vác tù và hàng tổng”. Trong đó, ấn tượng hơn cả là câu chuyện kể về tấm gương bà Lê Thị Kiểu, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Bưng Cơ, xã Lộc An (H.Long Thành) của thí sinh Phan Thị Hoa (H.Long Thành).

Theo chị Hoa, năm 2006 được hội viên phụ nữ tín nhiệm, bà Lê Thị Kiểu được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp. Năm 2016, do tuổi cao không tiếp tục làm chi hội trưởng nhưng được hội viên phụ nữ tín nhiệm nên bà Kiểu vẫn tiếp tục tham gia công tác Hội với vai trò tổ trưởng. Là Tổ trưởng tổ phụ nữ, bà luôn quan tâm, chăm lo đời sống hội viên, nhất là những hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, bà luôn gương mẫu thực hiện cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch bằng việc mỗi khi đi trên đường nhìn thấy rác bỏ bừa bãi, bà đều dừng xe nhặt rác đem về khu vực để rác của gia đình, góp phần cùng với địa phương hoàn thành các tiêu chí về môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao.

“Khi tôi hỏi lý do, bà bảo rằng bà muốn góp chút công sức của mình làm cho môi trường sống xanh - sạch - đẹp và cũng là cách thể hiện trách nhiệm với địa phương, với người dân” - chị Hoa kể.

* Trở thành tấm gương sáng trong cộng đồng

Chị Phan Thị Hoa cho biết, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Những việc bà Lê Thị Kiểu đã và đang làm đáng để mỗi cán bộ, đảng viên suy ngẫm, soi rọi lại chính mình để sống và làm việc có trách nhiệm hơn; mỗi quần chúng nhân dân cần phải quan tâm hơn đến người xung quanh, thấy được trách nhiệm của mình trong việc đóng góp vào sự phát triển của địa phương.

Phần dự thi kể chuyện của một thí sinh tại hội thi kể chuyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: N.Sơn
Phần dự thi kể chuyện của một thí sinh tại hội thi kể chuyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: N.Sơn

“Riêng cá nhân tôi, khi đứng trước tấm gương của bà Kiểu, tôi thấy mình nhỏ bé. Tôi tự nhủ phải cố gắng học tập, lao động và cống hiến vì cộng đồng” - chị Hoa bộc bạch.

Qua câu chuyện kể về tấm gương sáng của cựu chiến binh Nguyễn Văn Lép (tên thường gọi là Út Lép), ở ấp Tân Đạt, xã Đồi 61 (H.Trảng Bom), chị Lê Thị Hương (thí sinh H.Trảng Bom) chia sẻ, không chỉ có chị mà rất nhiều người biết về câu chuyện của ông Út Lép đều học được ở ông tinh thần chủ động, sáng tạo, không ngại khó, ngại khổ; tấm lòng bao dung, rộng mở, luôn biết quan tâm, chia sẻ với những người xung quanh.

Bởi theo chị Hương, ông là một cựu chiến binh mang trên mình thương tật 81%. Mặc dù sức khỏe đã giảm sút bởi sự ác liệt của chiến tranh nhưng với bản lĩnh của người lính, lại thấm nhuần lời dạy của Bác “thương binh tàn nhưng không phế”, ông Út Lép vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Với 2ha đất vườn, ông trồng điều cao sản, tiêu và các loại cây ăn trái và đặc biệt là mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đã đem lại cho gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Út Lép còn là một trong những cựu chiến binh gương mẫu trên mọi lĩnh vực, tích cực đóng góp cho các hoạt động tại địa phương và nhất là luôn giúp đỡ những người khó khăn hơn mình.

Câu chuyện về cuộc đời, sự hy sinh, kiên cường của Bà Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Nở, ở xã Long Thọ (H.Nhơn Trạch) cũng làm lay động lòng người. Chị Mạc Thị Trang (H.Nhơn Trạch) kể, từ khi còn trẻ mẹ Nở tham gia cách mạng, từng bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng mẹ vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản, tuyệt đối không khai báo để bảo vệ cơ sở cách mạng. Với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, mẹ đã động viên chồng, con tham gia cách mạng. Người con gái nuôi của mẹ hy sinh khi chưa tròn 19 tuổi và 9 năm sau, chồng của mẹ - một cán bộ trong ngành Công an cũng đã hy sinh trong một trận phục kích. Có nỗi đau nào hơn khi người con gái do tay mình nuôi dưỡng, khi người chồng đầu ấp tay gối mãi mãi không trở về, nhưng mẹ Nở đã nén đau thương, một mình nuôi dạy người con gái còn lại trưởng thành.

“Tôi cảm phục khi nghe câu chuyện cuộc đời của mẹ Nở. So với mẹ Nở và các thế hệ phụ nữ đi trước, tôi may mắn vì được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, được học tập, được tạo điều kiện để phát triển. Vì vậy, không có lý do gì để tôi ngừng phấn đấu vươn lên học tập, lao động và rèn luyện 4 phẩm chất cốt lõi tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang - của phụ nữ Việt Nam” - chị Trang bộc bạch.

Mỗi thí sinh không chỉ học được những phẩm chất tốt đẹp từ nhân vật mình kể mà còn góp nhặt được điều hay, điều tốt từ những nhân vật mà thí sinh khác kể. Chị Trần Thị Vân đến từ Hội LHPN Công an tỉnh chia sẻ, bản thân chị là chiến sĩ công an, nghe xong câu chuyện kể về Đội nữ dân phòng vùng đồng bào dân tộc xã Xuân Phú chị cảm thấy rất nể phục. Chính các chị đã chứng minh được rằng chỉ cần cố gắng, nữ nhi nào có kém tài.

Theo bà Lê Thị Thái, Phó chủ tịch phụ trách Hội LHPN tỉnh, trong số 13 câu chuyện của các thí sinh kể tại hội thi, Hội LHPN tỉnh đã chọn câu chuyện Nữ nhi nào có kém tài của thí sinh Trương Thị Ngọc Hạnh (đoạt giải nhất hội thi) tiếp tục tham gia hội thi kể chuyện do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức trong thời gian tới.

Nga Sơn

Tin xem nhiều