Bà Nguyễn Thị Hiên hiện đang công tác tại Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh. Bà Hiên đã nỗ lực vượt qua trở ngại khuyết tật của bản thân để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đồng thời nỗ lực để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Mới đây, bà Hiên là một trong số 22 cá nhân của Khối thi đua 11 được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020.
Bà Nguyễn Thị Hiên hiện đang công tác tại Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh. Bà Hiên đã nỗ lực vượt qua trở ngại khuyết tật của bản thân để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đồng thời nỗ lực để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Mới đây, bà Hiên là một trong số 22 cá nhân của Khối thi đua 11 được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020.
Bà Nguyễn Thị Hiên nhận bằng khen của UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào Thi đua yêu nước giai đoạn. Ảnh: V.Truyên |
Bà Nguyễn Thị Hiên cho hay, cha bà tham gia kháng chiến và bị nhiễm chất độc da cam. Khi mới sinh ra, bà bị di chứng của chất độc da cam làm liệt một chân. Chân còn lại của bà cũng rất yếu. Vì vậy, bà không thể tự đi lại mà phải nhờ tới sự hỗ trợ của người thân trong gia đình. Khi đến tuổi đi học, cha mẹ, anh chị thay phiên làm đôi chân để đưa bà đến trường. May mắn đến với bà khi hơn 10 tuổi, bà được một tổ chức từ thiện hỗ trợ chi phí để phẫu thuật chỉnh hình. Trải qua 5 lần phẫu thuật với nhiều đau đớn và thời gian dài tập vật lý trị liệu, đến nay tuy vận động còn khó khăn song bà có thể tự chủ trong việc đi lại.
Bước ngoặt đến với bà khi năm 2012, bà được nhận vào làm việc tại Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh. Theo bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, mặc dù sức khỏe không bằng những đồng nghiệp khác, việc đi lại khó khăn song bà Nguyễn Thị Hiên đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của một cán bộ văn phòng. Bà có nhiều cố gắng trong rèn luyện, nhờ vậy mà năm 2016, bà Nguyễn Thị Hiên được kết bạp Đảng tại Chi bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh.
Bằng nỗ lực của bản thân cộng với sự giúp đỡ từ tập thể cơ quan, bà Nguyễn Thị Hiên đã phấn đấu học tập và tốt nghiệp đại học. Năm 2018, sau khi được Trung tâm Nghiên cứu và phát triển năng lực người khuyết tật giới thiệu tham gia chương trình học bổng của Chính phủ Australia: khóa học ngắn hạn Tăng cường giáo dục nghề trong ngành logistics ở Việt Nam - lập kế hoạch nguồn nhân lực chiến lược cho các nhà lãnh đạo và quản lý giáo dục nghề, bà Nguyễn Thị Hiên đã chủ động nộp hồ sơ phỏng vấn. Sau khi đáp ứng các yêu cầu tuyển sinh, bà Nguyễn Thị Hiên tham gia học tập tại Trường đại học Công nghệ Queenland (Australia).
Bà Nguyễn Thị Hiên cho hay, sau khi hoàn thành khóa học, bà cùng 2 người bạn chung lớp viết dự án Tăng cường bình đẳng cơ hội việc làm cho người khuyết tật trong ngành Logistics. Dự án này sau đó được Quỹ Hỗ trợ cựu sinh viên Australia tài trợ thực hiện trong giai đoạn từ tháng 10-2019 đến tháng 9-2020. Thông qua dự án này, bà Nguyễn Thị Hiên cùng nhóm cộng sự đã góp phần nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp ngành logistics về khả năng của người khuyết tật, về bình đẳng và hòa nhập người khuyết tật tại nơi làm việc. Đồng thời với những kiến thức có được, bà được Trung tâm Nghiên cứu và phát triển năng lực người khuyết tật tuyển vào làm trợ lý cho dự án Tiếp cận cho mọi người tại Đồng Nai với mục tiêu thực hiện công tác hỗ trợ những hoàn cảnh tương tự như bà trên địa bàn tỉnh.
Ngoài công việc cơ quan, bà Nguyễn Thị Hiên còn tham gia nhiều chương trình thiện nguyện, trong đó có công tác trợ giúp người khuyết tật của các tổ chức phi chính phủ, đóng góp vào hoạt động của bếp cơm từ thiện cũng như đồng hành, giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh khó khăn như mình.
“Tôi sẽ tiếp tục cố gắng làm việc và không ngừng học tập để trở thành một người có ích cho xã hội” - bà Nguyễn Thị Hiên nói.
Văn Truyên