Báo Đồng Nai điện tử
En

Bí thư chi đoàn gương mẫu

09:09, 16/09/2020

13 năm đảm nhận vai trò Bí thư Chi đoàn ấp Hòa Bình, xã Bảo Hòa (H.Xuân Lộc), anh Trần Quang Phụng luôn gương mẫu trong mọi hoạt động của Đoàn, nhất là trong phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp; tình nguyện vì cộng đồng.

13 năm đảm nhận vai trò Bí thư Chi đoàn ấp Hòa Bình, xã Bảo Hòa (H.Xuân Lộc), anh Trần Quang Phụng luôn gương mẫu trong mọi hoạt động của Đoàn, nhất là trong phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp; tình nguyện vì cộng đồng.

Anh Trần Quang Phụng làm việc tại cơ sở của mình. Ảnh: Nga Sơn
Anh Trần Quang Phụng làm việc tại cơ sở của mình. Ảnh: Nga Sơn

Anh Phụng hiện là chủ cơ sở sản xuất mũi khoan, ống khoan với thu nhập khoảng 60 triệu đồng/tháng, góp phần dạy nghề và giải quyết việc làm cho nhiều thanh niên tại địa phương.

* Mạnh dạn khởi nghiệp

Nhận thấy bản thân thích học nghề hơn học văn hóa nên vừa học xong lớp 10, anh Trần Quang Phụng dừng việc học và theo anh trai làm nghề khoan giếng. Anh Phụng cho biết, sau mỗi lần khoan giếng, những mũi khoan đã qua sử dụng đều phải đem đi cấy hạt. Vốn tò mò, thích học hỏi những điều mới lạ nên mỗi lần đem mũi khoan ra tiệm, anh thường nán lại để xem quá trình cấy hạt. Nhờ đó mà anh "học lỏm" được nghề cấy hạt vào đầu mũi khoan. Vừa làm nghề khoan giếng, anh trai của anh còn kiêm luôn cả nghề làm cửa sắt để có thêm thu nhập. Công việc làm cửa sắt không thường xuyên, chỉ khi nào nhận được công trình mới có việc làm.

Anh Bùi Đăng Khoa, Phó bí thư Đoàn xã Bảo Hòa (H.Xuân Lộc) nhận xét, anh Phụng là cán bộ Đoàn năng nổ, nhiệt tình, có nhiều đóng góp cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của xã. Đặc biệt, với quá trình khởi nghiệp của mình, anh Phụng hiện đang là nguồn cảm hứng, cổ vũ đoàn viên, thanh niên trong xã mạnh dạn khởi nghiệp, lập nghiệp.

Với những hiểu biết nhất định về cấy mũi khoan, Phụng và anh trai quyết định mở cơ sở cấy hạt mũi khoan giếng. Năm 2004, anh Phụng mạnh dạn đầu tư máy tiện để sản xuất mũi khoan. Từ đó, cơ sở của anh ngoài cấy hạt mũi khoan giếng còn sản xuất mũi khoan và hiện nay sản xuất thêm ống khoan.

Cơ sở sản xuất mũi khoan, ống khoan hoạt động hiệu quả không chỉ giúp anh ổn định cuộc sống ngay tại quê nhà mà còn giúp nhiều thanh niên tại địa phương có cơ hội học nghề, có việc làm. Anh Nguyễn Anh Tú, ngụ cùng ấp Hòa Bình, xã Bảo Hòa là một trong số những thanh niên như thế. Anh Tú cho biết, biết cơ sở của anh Phụng nhận dạy nghề nên anh đã xin vào học nghề. Chỉ trong vòng nửa năm, anh đã có thể làm việc  thành thạo. Do cơ sở gần nhà, công việc lại linh động thời giờ nên sau học nghề, anh Tú ở lại làm việc và hiện là “thợ cứng” của cơ sở với mức lương bình quân từ 12-15 triệu đồng/tháng.

* Tình nguyện vì cộng đồng

Không chỉ là tấm gương cho thanh niên trong phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp, anh Trần Quang Phụng còn là Bí thư Chi đoàn luôn đi đầu trong công tác tình nguyện vì cộng đồng. Anh Phụng cho hay, trước năm 2012, với vai trò Bí thư Chi đoàn ấp Hòa Bình, anh cũng thường tổ chức các hoạt động tình nguyện để đoàn viên, thanh niên tham gia. Nhưng thời điểm ấy, các hoạt động tình nguyện chủ yếu là ra quân cùng với các ban, ngành, đoàn thể ấp dọn dẹp vệ sinh môi trường, vận động quà tặng cho một số hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2012, lần đầu tiên anh được đặt chân lên mảnh đất Đắk Nông để khảo sát tình hình chuẩn bị khoan giếng tặng đồng bào ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn về nước sinh hoạt. Sau chuyến đi ấy, hình ảnh về cái nghèo, cái khó của đồng bào, nhất là những trẻ em chân không mang dép, quần áo lấm lem… cứ lởn vởn trong đầu. Trở về nhà, anh Phụng tiến hành vận động quần áo, sách vở, gạo, mì để tặng cho đồng bào và trẻ em ở Đắk Nông. Sau chuyến tình nguyện ấy, anh thấy rằng các hoạt động tình nguyện dọn dẹp vệ sinh môi trường; vận động, giúp đỡ các hộ gia đình, trẻ em trên địa bàn ấp, xã có hoàn cảnh khó khăn là việc cần phải duy trì. Tuy nhiên, cần có thêm những hoạt động tình nguyện chia sẻ những khó khăn đối với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của Tổ quốc.

Với suy nghĩ ấy, anh Phụng đã vận động đoàn viên, thanh niên trong ấp cùng làm. Theo chia sẻ của anh Phụng, trước đây anh từng là thành viên trong Ban trị sự giới trẻ của giáo xứ nên khi làm Bí thư Chi đoàn ấp, việc vận động đoàn viên, thanh niên, nhất là đoàn viên, thanh niên có đạo tham gia các hoạt động của Đoàn, trong đó có các hoạt động tình nguyện gặp nhiều thuận lợi. Trước mỗi chuyến hoạt động tình nguyện, anh và đoàn viên, thanh niên cùng vận động quần áo cũ, sách vở, gạo, mì, bánh kẹo…

Sau khi thu gom về, đoàn viên, thanh niên lại cùng phân loại, gấp xếp và đóng gói. Với phương châm tuổi thanh niên là tuổi cống hiến, những năm sau này, mặc dù công việc bận rộn nhưng anh vẫn không bỏ thói quen vận động quần áo cũ, sách vở, nhu yếu phẩm… gửi tặng người dân, trẻ em ở những khu vực khó khăn thông qua những nhóm thiện nguyện.

Cẩm Tú

Tin xem nhiều