Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay đã được tổ chức thảo luận, góp ý kiến lần thứ 7. Điều này vừa thể hiện sự nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên, vừa đảm bảo và phát huy cao nhất quyền tham gia đóng góp ý kiến của đảng viên trong xây dựng dự thảo văn kiện của Đảng bộ.
Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay đã được tổ chức thảo luận, góp ý kiến lần thứ 7. Điều này vừa thể hiện sự nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên, vừa đảm bảo và phát huy cao nhất quyền tham gia đóng góp ý kiến của đảng viên trong xây dựng dự thảo văn kiện của Đảng bộ.
Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban chấp hành Đảng bộ H.Long Thành, nhiệm kỳ 2020-2025 tại Đại hội Đảng bộ H.Long Thành lần thứ XII. Ảnh: Nam Anh |
Trên cơ sở góp ý của đảng viên và các tổ chức Đảng, Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu, chỉnh sửa để hoàn thiện ở mức cao nhất dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.
* Đánh giá khách quan và toàn diện
Về bố cục, ngoài nội dung chủ đề đại hội, phương châm chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, dự thảo Báo cáo chính trị được kết cấu thành 2 phần. Phần thứ nhất, trình bày kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020. Phần thứ hai, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong 5 năm 2020-2025.
Nội dung dự thảo Báo cáo chính trị đã nêu cụ thể kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, bao gồm kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém của từng lĩnh vực và xác định rõ các nguyên nhân.
Về những kết quả đạt được, dự thảo đề cập toàn diện trên 7 lĩnh vực: kinh tế; văn hóa, GD-ĐT, y tế; khoa học và công nghệ, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biển đổi khí hậu; xây dựng, chỉnh đốn Đảng; công tác Dân vận; xây dựng chính quyền; quốc phòng - an ninh, công tác nội chính, đối ngoại. Ngoài ra, dự thảo còn có những đánh giá riêng đối với 5 lĩnh vực đột phá của địa phương được tập trung thực hiện.
Cụ thể là: việc huy động các nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng xã hội và dịch vụ nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực; phát triển giáo dục mầm non; công tác cải cách hành chính; việc nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, người đứng đầu trong việc tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Cuối phần đánh giá kết quả đạt được, dự thảo xác định rõ nguyên nhân của thành tựu.
* Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém
Khi trình bày nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém, dự thảo chủ yếu nhấn mạnh các nguyên nhân mang tính chủ quan, thể hiện rõ trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy và chính quyền các cấp, với tinh thần mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật, không đùn đẩy, né tránh. Chẳng hạn: “Ở một số nhiệm vụ, giải pháp sau khi có chủ trương chỉ đạo thống nhất song trong khâu tổ chức thực hiện, việc bám sát, kiểm tra, đôn đốc thực hiện chưa kịp thời; tính chủ động của một số cấp ủy, tổ chức Đảng và năng lực quản lý, điều hành ở một số cấp chính quyền, ngành còn hạn chế nhất định; trình độ tham mưu, thực thi nhiệm vụ của một số cán bộ sở, ngành, địa phương còn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc; đội ngũ cán bộ ở một số địa phương, đơn vị năng lực còn hạn chế, tinh thần trách nhiệm chưa cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ. Công tác nắm tình hình, dự báo xu thế và chủ động tham mưu có việc chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong điều kiện có nhiều thay đổi. Công tác tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có mặt còn hạn chế; tổ chức thực thi pháp luật, thể chế hóa chính sách có mặt còn chậm. Một số cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và người đứng đầu chưa thực hiện tốt quy chế nêu gương, quy chế dân chủ cơ sở. Chất lượng sinh hoạt chi bộ, tự phê bình và phê bình, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu ở một số cấp ủy còn hạn chế”.
Thực tế cho thấy, việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh đạt được những kết quả rất quan trọng nhưng ban soạn thảo đã rất thẳng thắn khi cho rằng: “Kinh tế tăng trưởng cao nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, vai trò là cực tăng trưởng trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhu cầu đầu tư cho hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội lớn nhưng nguồn lực còn hạn chế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi; chưa phát huy tốt các yếu tố lợi thế và nội lực; hiệu quả và sức cạnh tranh của nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế vốn có nhiều thế mạnh còn thấp. Việc thực hiện các lĩnh vực đột phá có mặt chưa đạt yêu cầu. Đời sống văn hóa - xã hội tuy đã được cải thiện nhưng có mặt chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế...”.
* Quyết tâm khắc phục những tồn tại
Ở những bài học kinh nghiệm được rút ra, có những bài học hàm ý rất rõ các tồn tại cần được khắc phục. Chẳng hạn như, ở bài học đầu tiên đặt ra yêu cầu “phải đặc biệt coi trọng công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng… Coi trọng công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; phải đánh giá đúng cán bộ về phẩm chất, đạo đức và năng lực trong bố trí, đề bạt cán bộ, đảm bảo khách quan, công tâm, công bằng. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phê bình và tự phê bình. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên và kiểm soát quyền lực, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu”.
Ở bài học kinh nghiệm thứ hai tiếp tục khẳng định: “Mọi chủ trương, nghị quyết, chính sách phát triển của tỉnh phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, sức sáng tạo và mọi nguồn lực trong nhân dân. Thường xuyên đối thoại, lắng nghe, nắm bắt những kiến nghị, những tâm tư nguyện vọng, những vấn đề bức xúc của nhân dân để giải quyết kịp thời, có hiệu quả, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân đối với sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý điều hành của các cấp chính quyền”.
Cũng trên tinh thần như vậy, ở bài học kinh nghiệm thứ tư, dự thảo nhấn mạnh: “Phải luôn có sự đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành…; phát huy mọi nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khâu đột phá, các điểm nghẽn cần tháo gỡ trên cơ sở định hướng, mục tiêu phát triển của tỉnh và tổ chức triển khai thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có tư duy đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, coi trọng chất lượng và hiệu quả thực tế, vì lợi ích của nhân dân”.
Tin tưởng và kỳ vọng Thẳng thắn, khách quan nhìn nhận về những hạn chế, yếu kém của nhiệm kỳ qua để chỉ ra các mặt cần khắc phục, sửa chữa, để thực hiện tốt hơn vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong nhiệm kỳ tới thể hiện lối tư duy rất khoa học và tích cực của tập thể Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và Ban soạn thảo dự thảo Báo cáo chính trị. Chúng ta tin tưởng rằng với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao của tập thể Đảng bộ tỉnh, sự đồng thuận của nhân dân thì mục tiêu của Đảng bộ, kỳ vọng của nhân dân: “Phấn đấu đưa Đồng Nai trở thành tỉnh hiện đại, phát triển toàn diện; là trung tâm công nghiệp và dịch vụ cảng hàng không, cảng nước sâu, cửa ngõ giao thương quốc tế; một trong những cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước vào năm 2025 và là một trong những tỉnh phát triển cao của cả nước vào năm 2030” sẽ trở thành hiện thực. |
TS Vũ Thị Nghĩa
(Trường Chính trị tỉnh)