Những năm qua, nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã chủ động phối hợp, liên kết, nhằm nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt giáo dục truyền thống, góp phần bồi đắp lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.
Thời gian qua, các cựu chiến binh, thương - bệnh binh, cựu tù cách mạng, Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, cựu thanh niên xung phong (TNXP) đã tham gia vào những buổi sinh hoạt truyền thống ở trường học hay đảm nhận vai trò người dẫn chuyện trong các chuyến hành trình tìm về địa chỉ đỏ. Điều này đã góp phần truyền lửa truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ thông qua những câu chuyện người thật, việc thật.
Ông Lê Huy Phương, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong H.Trảng Bom trong một buổi sinh hoạt giáo dục truyền thống với đoàn viên, thanh niên. Ảnh: V.Truyên |
Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm, ông Lê Huy Phương, Chủ tịch Hội Cựu TNXP H.Trảng Bom lại đều đặn tham gia vào các buổi sinh hoạt truyền thống cùng thế hệ trẻ khi ở trường học, lúc ở các di tích cách mạng. Ông Lê Huy Phương cho hay: “Ở đâu ban tổ chức có yêu cầu, tôi sẵn sàng đến tham gia các buổi sinh hoạt giáo dục truyền thống. Tôi luôn tự động viên mình là còn sức khỏe thì còn cố gắng đến tham gia sinh hoạt với các cháu để kể những câu chuyện tự hào của lớp lớp cựu TNXP, trong đó tôi có may mắn trực tiếp tham gia”.
* Nhân chứng kể chuyện lịch sử
Huyện đoàn Trảng Bom là đơn vị thường xuyên phối hợp cùng ông Lê Huy Phương thực hiện các hoạt động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Chị Trần Thị Thìn, Bí thư Huyện đoàn Trảng Bom cho biết, để những câu chuyện kể dễ đi vào trí nhớ người nghe, ông Lê Huy Phương tìm hiểu tư liệu, biên soạn lại sao cho ngắn gọn, đi vào điểm chính sao cho thời gian sinh hoạt chỉ từ 15 phút. Đồng thời, ông kết hợp với những câu chuyện về tinh thần yêu nước, cống hiến của cựu TNXP ngay tại quê hương Trảng Bom để làm minh chứng cho câu chuyện mình kể. Qua đó, giúp học sinh, đoàn viên, thanh niên hiểu thêm về các tấm gương người có công ở huyện.
Còn với ông Trương Quang Sáng (ngụ xã Xuân Thành, H.Xuân Lộc), dù đã ở tuổi 80 song cựu chiến binh này vẫn dành thời gian nghiên cứu sách báo và biên soạn tài liệu. Những tài liệu do ông tự biên soạn được dùng trong những buổi sinh hoạt truyền thống về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết cho học sinh, thanh niên.
Từng trực tiếp tham gia quân ngũ từ năm 1962, nên mỗi câu chuyện do ông kể luôn thu hút người nghe bởi những chi tiết chỉ có người trong cuộc như ông mới nắm rõ. Ông Sáng bộc bạch: “Đối tượng mà tôi nói chuyện chủ yếu là học sinh bậc THCS, THPT. Muốn các cháu nhớ hết những gì mình nói thì rất khó. Vậy nên, tôi chỉ chọn lựa một số nét chính trong tài liệu lịch sử, kết hợp với những chuyện có thật mà mình từng góp mặt để kể nhằm tăng tính chân thật, có cảm xúc cho các cháu nghe”.
Từ năm 2004 đến nay, không chỉ các trường học ở H.Xuân Lộc mà nhiều trường học ở H.Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) cũng mời ông Sáng đến nói chuyện truyền thống cho học sinh. Tính ra, 16 năm qua, ông đã có gần 300 buổi nói chuyện với thế hệ trẻ. Với việc tích cực tham gia vào công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, ông Trương Quang Sáng đã nhiều lần được chính quyền các cấp tuyên dương, khen thưởng.
Riêng với Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày TP.Long Khánh Lâm Xuân Thảo, gần 20 năm qua ông trở thành gương mặt quen thuộc với học sinh các trường trên địa bàn thành phố. Tuy đã gần 80 tuổi song mỗi năm, ông Lâm Xuân Thảo đều phối hợp cùng các đơn vị tổ chức giao lưu, tọa đàm, sinh hoạt truyền thống với học sinh tại 40 trường học trên địa bàn thành phố.
Theo Bí thư Thành đoàn Long Khánh Nguyễn Minh Kiên, ông Lâm Xuân Thảo là thương binh hạng 1/4, có 51 năm tuổi Đảng. Bản thân ông tham gia cách mạng từ năm 1963. Ông từng là chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, giam cầm tại nhà tù Phú Quốc. Với lý lịch hoạt động cách mạng vẻ vang của mình nên mỗi câu chuyện lịch sử do ông kể luôn thu hút được sự theo dõi của học sinh. Bởi ngoài vai trò người dẫn chuyện, ông Lâm Xuân Thảo còn là một nhân chứng trong chính câu chuyện mình truyền đạt, từ đó tạo lòng tin với người nghe.
* Tiếp tục góp sức giáo dục truyền thống
Những năm qua, cùng với việc tuyên dương các cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh còn chủ động phối hợp, liên kết nhằm nâng cao chất lượng về nội dung, hình thức các buổi sinh hoạt giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Ở Đồng Nai, những buổi sinh hoạt giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ có sự vào cuộc của nhiều đơn vị và diễn ra thường xuyên, liên tục. Theo đó, nếu năm 2014 chỉ mới có 1 CLB Tiếp nối truyền thống được Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh thành lập thì đến nay đã có 7 CLB hình thành và đang tham gia tích cực vào các hoạt động giáo dục truyền thống ở các huyện, thành phố. Những câu chuyện về tinh thần đoàn kết của các cựu tù, một lòng trung thành với Đảng, với cách mạng trước những đòn tra tấn dã man, sự mua chuộc của kẻ địch đối với những nhà hoạt động cách mạng trong nhà tù được chính người trong cuộc kể lại đã có tác động mạnh đến người nghe.
Theo bà Trần Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh, cùng với việc quan tâm đến đời sống hội viên là những cựu tù cách mạng, trong hơn 30 năm hoạt động, Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh còn góp phần không nhỏ vào việc giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, nhất là học sinh, sinh viên thông qua hoạt động của các CLB Tiếp nối truyền thống. Những câu chuyện giáo dục truyền thống do hội viên Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh kể luôn có những tình tiết cuốn hút người nghe. Đặc biệt, mỗi câu chuyện luôn có lời gửi gắm đến thế hệ trẻ cố gắng phát huy truyền thống dân tộc…
2 năm qua, Hội Cựu TNXP tỉnh và Tỉnh đoàn đã phối hợp thực hiện Đề án Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thanh thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay. Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Lý Minh Tiến cho biết, thông qua hoạt động này, những buổi sinh hoạt truyền thống được tổ chức để khẳng định những đóng góp của cựu TNXP trong bảo vệ và xây dựng đất nước; đồng thời qua đó đóng góp một phần công sức còn lại của cuộc đời vào việc tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Chị Nguyễn Thanh Hiền, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh cho hay, sự phối hợp giữa Tỉnh đoàn và Hội Cựu TNXP tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục về lịch sử dân tộc, truyền thống lực lượng TNXP, qua đó giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Hoạt động ý nghĩa này sẽ tiếp tục được Tỉnh đoàn, các Huyện đoàn, Thành đoàn phối hợp cùng Hội Cựu TNXP cùng cấp triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Cùng với tham gia vào các hoạt động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, người có công với cách mạng ở Đồng Nai còn có việc làm ý nghĩa đó là hiến tặng hiện vật của bản thân, gia đình phục vụ cho công tác lưu trữ hiện vật, tài liệu và trưng bày giới thiệu trước công chúng do Bảo tàng Đồng Nai thực hiện. Theo thống kê của Bảo tàng Đồng Nai, thời gian qua đã có hàng ngàn hình ảnh, hiện vật, tư liệu được người có công trong tỉnh hiến tặng cho bảo tàng như: hiện vật của các cựu nữ tù cách mạng Nhà lao Tân Hiệp, hình ảnh - kỷ vật của các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng ở Đồng Nai… Những hiện vật, hình ảnh, tư liệu này đã nhiều lần được Bảo tàng Đồng Nai tổ chức triển lãm theo chuyên đề để giới thiệu đến công chúng. |
Võ Tuyên