Chỉ tính riêng trong thế kỉ XX, ba cuộc chiến tranh (chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ Tổ quốc), gần 1,2 triệu chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì quốc gia, dân tộc.
Chỉ tính riêng trong thế kỉ XX, ba cuộc chiến tranh (chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ Tổ quốc), gần 1,2 triệu chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì quốc gia, dân tộc. Đến nay, những buổi chiều, trên sóng của Đài Truyền hình và Đài Tiếng nói Việt Nam, vẫn vang lên những lời thông báo tìm kiếm liệt sĩ và thân nhân, bởi hơn 200 ngàn mộ liệt sĩ vẫn chưa được quy tập về nghĩa trang và 300 ngàn liệt sĩ còn cần được xác định danh tính. Đó là chưa kể hàng ngàn người con đất Việt mãi mãi nằm dưới sông sâu, biển rộng hay trong rừng thẳm thâm u... Người Việt Nam, dù ở đâu, xin hãy sống và nhớ lấy!
Bác Hồ tới thăm Trại điều dưỡng thương binh nặng Bắc Ninh. Ảnh: http://tapchimattran.vn |
* Nỗi đau không gì bù đắp
Chưa có thống kê, nhưng chúng ta tin chắc rằng, trong số những bàn thờ của người Việt Nam, hẳn số đông là những bàn thờ có bài vị của những người đã hy sinh vì Tổ quốc. Và, người đầu tiên nhắc nhở mọi người về sự hy sinh đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vào ngày 7-1-1946, tức trước gần một năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), trong bức thư đăng trên Báo Cứu quốc, Bác Hồ viết: Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những liệt sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập, thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mạng, hoặc trong thời kỳ kháng chiến, tôi gửi lời chào thân ái đến các gia đình liệt sĩ và tôi nhận các con liệt sĩ làm con nuôi của tôi. Đến tết năm đó, viết thư mừng năm mới, Người lại nhắc: Trong khi đồng bào ở hậu phương đốt hương trầm để thờ phụng tổ tiên, thì các chiến sĩ ở tiền phương dùng súng đạn để giữ gìn Tổ quốc. Trong khi đồng bào ở hậu phương rót rượu mừng xuân, thì các chiến sĩ ở tiền phương tuốt gươm giết giặc. Các chiến sĩ hăng hái chống địch, để cho đồng bào an toàn vui xuân.
Một năm sau, khi nghe tin con trai của Bác sĩ Vũ Đình Tụng, Giám đốc Y tế Bắc bộ (về sau là Bộ trưởng Bộ Thương binh - cựu binh) hy sinh, Bác Hồ viết lá thư bày chia sẻ nỗi đau đớn của ông. Trong thư, Người nói, ông đã đem món của quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Đến ngày 27-7-1948, năm thứ hai ngày này được lấy làm Ngày Thương binh - liệt sĩ của cả nước, Hồ Chủ tịch lại nhắc nhở mọi người: Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó đến như một trận lụt to (...) Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quí của nước ta dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống... Ngày nay, bố mẹ họ đã mất một người con yêu quí. Vợ trẻ trở nên bà góa. Con dại trở nên mồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài tử sĩ...
Thanh Thảo, nhà thơ lừng danh, từng khoác áo lính thời kháng chiến chống Mỹ, có viết: Tuổi hai mươi ai mà chẳng tiếc/Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc!
Sự mất còn của Tổ quốc đã buộc hàng triệu người Việt Nam phải lựa chọn, một lựa chọn đớn đau và không thể nào khác. Bởi, thương binh là người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Thương binh là những người mà mấy ngày trước, họ là những thanh niên lành mạnh, vui vẻ, oanh liệt. Trải qua những ngày ăn gió nằm sương, những trận mưa bom, bão đạn, họ bị tay què, chân cụt, họ hóa ra thương binh.
* Báo đáp thế nào cho xứng đáng?
Năm 1947, khi đề nghị Chính phủ chọn ngày 27-7 là Ngày Thương binh toàn quốc (sau này là Ngày Thương binh - liệt sĩ), Bác Hồ nói rõ: Ngày 27-7 là dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng thương yêu thương binh. Bác xung phong gửi một chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã cho mình, một tháng lương, một bữa ăn của Bác và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng cho thương binh. Người kêu mọi người vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp đỡ thương binh. Nhưng lại lưu ý, các cụ già thượng thọ, các cháu bé sơ sinh, các bộ đội các mặt trận, những đồng bào đang đau yếu, thì không nên nhịn. Việc giúp đỡ thương binh, bệnh binh, đối với Bác Hồ, là việc nghĩa, mọi người tự động làm. Năm 1951, Người nói thêm: đó là một nghĩa vụ, không nên coi đó là việc làm phúc. Vì sao như vậy? Vì thương binh đã hy sinh một phần xương máu để giữ gìn Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, đã tận trung với nước, tận hiếu với dân. Anh em đã làm tròn nhiệm vụ, anh em không đòi hỏi gì cả.
Còn đối với những anh hùng, liệt sĩ, mãi mãi không trở về, phải báo đáp thế nào cho xứng đáng? Tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng, ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng, của dân ta... Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ Cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp Cách mạng mà các liệt sĩ chuyển lại cho chúng ta... Trước đó, năm 1954, ngay sau ngày Thủ đô được giải phóng, khi đến đặt vòng hoa trước đài liệt sĩ vừa mới được dựng ở Quảng trường Ba Đình, Người đau thương và xúc động: Hỡi các liệt sĩ! Trong lúc cả nước vui mừng thì mọi người đều thương tiếc các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc. Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá quốc kỳ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời truyền với sử xanh. Một nén hương thanh. Vài lời an ủi.
Tình yêu thương đối với thương binh, bệnh binh và thái độ thành kính, biết ơn đối với chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc của Bác Hồ vượt qua những ứng xử thông thường của nhiều nhà chính trị. Phải chăng, nó chỉ có ở bậc vĩ nhân đã xem nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột.
Trong Di chúc, khi dặn dò công việc đối với con người, thật lạ lùng, lời nhắn gửi đầu tiên của Bác Hồ là việc đối xử với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sỹ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...). Kế đến là các liệt sĩ. Bác mong mỏi mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Rồi kế tiếp là cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ). Những người ấy mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét.
Hơn 70 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ, Đảng, Nhà nước ta có nhiều chủ trương, chính sách đối với thương binh, liệt sĩ. Đặc biệt, nhân dân cả nước đã thực hiện đã thực sự xem việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ là việc nghĩa, là đạo lý ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Nhưng chúng ta luôn nhớ rằng, tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được. Và những tử sĩ sẽ không thể tái sinh. Và, nhất là, làm sao để những hy sinh trong cuộc tranh đấu cho nước nhà không bao giờ là uổng (Hồ Chí Minh)!
Bùi Quang Huy
* Những chỗ in nghiêng là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.