Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng cường vai trò giám sát của nhân dân trong chống chạy chức, chạy quyền

09:10, 27/10/2019

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã đề ra yêu cầu và nhiệm vụ là phải có cơ chế để chống chạy chức, chạy quyền. Cụ thể hóa nghị quyết này, ngày 23-9-2019 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã đề ra yêu cầu và nhiệm vụ là phải có cơ chế để chống chạy chức, chạy quyền. Cụ thể hóa nghị quyết này, ngày 23-9-2019 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Còn nhớ, ngay khi nước nhà vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Thông lệnh Tìm người tài đức. Văn bản nêu rõ: “Nhà nước cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”. Và Người “tự nhận khuyết điểm” với những lời chân tình rằng, đã “nghe không đến, thấy không khắp”, khiến người tài đức chưa được biết tới: “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó, tôi xin thừa nhận”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã đề xuất sửa đổi khuyết điểm đó: “Nay muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”. Có lẽ vì vậy mà đã có rất nhiều trí thức, quan lại nổi tiếng đã từ bỏ cuộc sống giàu sang để đi với cách mạng, với nhân dân.

Trong thực tế có những kẻ bất tài, vô đức đã bằng mọi cách để leo sâu, trèo cao vào trong bộ máy. Thông thường, con đường đi của những kẻ này là bằng “ngõ sau”, bằng chạy... Vì vậy, đa số những kẻ này khi đã nắm quyền lực trong tay chắc chắn sẽ tự tung, tự tác để làm lợi cho mình và phe cánh, quyền lực, do đó nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ là tác nhân chính làm tha hóa cán bộ, từ đó tạo nguy cơ làm tha hóa, thoái hóa, biến chất cả bộ máy.

 Tất nhiên, để quy định thật sự đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng cần sự vào cuộc triệt để. Trước hết, cần công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, tiến tới thi tuyển công khai để lựa chọn được những người thật sự có đức, có tài vào bộ máy. Trong những năm qua, nhờ báo chí, mạng xã hội mà cơ chế giám sát của người dân đã được thực hiện khá mạnh mẽ và phát huy tác dụng, thế nhưng, đối với quy định này, cần mở rộng hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân. Đặc biệt, những nhà lãnh đạo, những cơ quan có thẩm quyền về công tác cán bộ phải thật sự công tâm, khách quan.

 Bằng việc ban hành quy định này, rõ ràng Đảng đã dành sự quan tâm sâu sắc đến nội dung kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thực sự mong mỏi và kỳ vọng quy định này sẽ phát huy tác dụng để làm tốt công tác cán bộ, quy hoạch, bổ nhiệm và chọn người đủ đức, tài gánh vác trọng trách của đất nước.

Vũ Trung Kiên

Tin xem nhiều