Trong 2 ngày 3 và 4-5 sẽ diễn ra lễ quốc tang đồng chí Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, vị tướng tài ba, nhà lãnh đạo có nhiều đóng góp quan trọng đối với đất nước.
Trong 2 ngày 3 và 4-5 sẽ diễn ra lễ quốc tang đồng chí Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, vị tướng tài ba, nhà lãnh đạo có nhiều đóng góp quan trọng đối với đất nước.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Nguyễn Phú Cường (phải) thăm hỏi nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại sự kiện Kỷ niệm 70 năm truyền thống Quân khu 7 (tháng 12-2015). Ảnh: Trần Danh |
[links()]Báo Đồng Nai ghi lại ý kiến, tình cảm của cán bộ, nhân dân Đồng Nai với Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.
Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh |
Đại tá Nguyễn Trí Thức, nguyên Ủy viên Ban TVTU, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh:
Đại tướng luôn dự đoán chính xác tình hình
Đại tướng Lê Đức Anh đã tham gia nhiều sự kiện quan trọng và trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đại tướng luôn thể hiện tâm thế của người chiến sĩ đứng vững trên thế tiến công, chủ động tấn công trong suy nghĩ và hành động. Đại tướng Lê Đức Anh là người chỉ huy luôn dự đoán chính xác tình hình. Có thời kỳ chúng ta coi Pol Pot là bạn nhưng Pol Pot đã giết hàng ngàn dân ta ở khu vực biên giới Tây Nam. Trước tình hình này, Đại tướng Lê Đức Anh (lúc đó là Tư lệnh Quân khu 9) đã xin ý kiến cấp trên xác định Pol Pot là kẻ thù. Nhận định của Đại tướng Lê Đức Anh được đánh giá là đúng, kịp thời.
Quá trình chiến đấu, Đại tướng Lê Đức Anh rất sâu sát, luôn lo lắng cho bộ đội. Trước mỗi chiến dịch, ông đều chỉ đạo phải đảm bảo hậu cần cho bộ đội, khi bộ đội bị thương phải kịp thời đưa về phía sau cứu chữa. Ông lăn lộn với chiến trường để tìm ra cách đánh hiệu quả nhằm giảm thiểu hy sinh, bớt đổ máu cho bộ đội và đồng bào ta mà vẫn chiến thắng kẻ thù.
Khi làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ông vẫn giữ tác phong giản dị, khiêm tốn, sống ở một căn phòng nhỏ chứ không đòi hỏi chế độ đặc biệt. Tôi còn nhớ cách đây nhiều năm, khi trở lại thăm Đồng Nai dù sức khỏe đã yếu nhưng ông vẫn vui vẻ nói chuyện với cán bộ, lãnh đạo của tỉnh hằng giờ, rất quần chúng, hòa đồng.
Ông Điểu Bảo, đại biểu Quốc hội khóa IX, nguyên Trưởng ban Dân tộc tỉnh:
Vị lãnh đạo có tâm với dân tộc
Không chỉ có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh còn có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển đất nước. Theo đó, trong công tác lập pháp, Chủ tịch nước đã cùng Quốc hội xây dựng hệ thống luật pháp, đặc biệt là đã bổ sung, sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phù hợp tình hình, nhiệm vụ mới của cách mạng, qua đó góp phần đưa đất nước phát triển ổn định, vững chắc.
Chủ tịch nước Lê Đức Anh xuất thân từ quân đội, do đó ông rất quan tâm đến chính sách hậu phương quân đội, gia đình có công với cách mạng. Thời kỳ Đại tướng Lê Đức Anh giữ cương vị Chủ tịch nước, mặc dù điều kiện của đất nước còn khó khăn nhưng trước đề nghị của Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Bộ Chính trị đã đồng ý việc phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng để tôn vinh và ghi công sự cống hiến của các mẹ cho độc lập, tự do của Tổ quốc và giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau. Kết quả, ngày 29-8-1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Ngày 10-9-1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký Lệnh số 36L/CTN, công bố Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ngày 17-12-1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký quyết định tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng đợt đầu tiên cho hàng chục ngàn bà mẹ trong cả nước. Tiếp đến, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Đảng và Nhà nước đã long trọng tổ chức lễ tuyên dương danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng lần đầu tiên cho các mẹ Việt Nam anh hùng. Cũng trong năm này, lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam, hàng trăm bà mẹ Việt Nam anh hùng ở tuổi ngoài 70 đã cùng Chủ tịch nước Lê Đức Anh duyệt hàng quân danh dự trong khuôn viên Phủ Chủ tịch.
Trung tá Trần Mạnh Cường, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 29, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 (hiện ngụ phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa):
Luôn nhớ về vị tướng đặc biệt
Những năm 1977-1979, tôi có cơ hội được là cấp dưới của cố Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh khi đó là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, kiêm Chỉ huy trưởng Cơ quan Tiền phương của Bộ Quốc phòng ở mặt trận Tây Nam.
Tôi nhiều lần được tham gia vào các cuộc họp, hội nghị nghe phổ biến nhiệm vụ, gặp gỡ cấp lãnh đạo từ trung đoàn trưởng trở lên với sự có mặt của cố Đại tướng Lê Đức Anh. Cố Đại tướng Lê Đức Anh trong tâm trí tôi lúc đó là người từng tham gia kháng chiến ngay từ những ngày đầu của cách mạng Việt Nam. Ông trưởng thành qua từng giai đoạn, thời kỳ khác nhau của kháng chiến nên giàu kinh nghiệm chiến trường. Ở ông toát lên tác phong nhanh nhẹn, quyết đoán, dứt khoát trong xử lý mọi vấn đề. Nhưng đối với anh em bộ đội, ông lại rất tình cảm, chân thành nên được mọi người quý mến.
Trong lòng tôi và nhiều anh em, ông là một vị tướng đặc biệt không chỉ vì những lý do kể trên mà còn bởi ông là một trong 2 tướng trận được thăng quân hàm vượt cấp từ đại tá lên trung tướng. Ông trưởng thành từ quân ngũ, trở về trong chiến thắng và là lãnh đạo của đất nước trên cương vị Chủ tịch nước.
Ông Nguyễn Xuân Cương (70 tuổi, 49 năm tuổi Đảng, ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa), Phó chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Đồng Nai:
Đóng góp lớn đối với gia đình có công với cách mạng
Năm 1994, khi cố Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký lệnh công bố Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng và sau đó ký quyết định tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng đợt đầu tiên, tôi đang là Trưởng phòng Chính sách người có công Sở Lao động - thương binh và xã hội. Lúc bấy giờ, để được công nhận danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng thì gia đình phải có 1 con trai duy nhất là liệt sĩ hoặc có 3 con là liệt sĩ.
Trong đợt đầu tiên này Đồng Nai có khoảng 100 bà mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng, truy tặng danh hiệu. Phải nói rằng đề xuất công nhận Bà mẹ Việt Nam anh hùng và sau đó được hiện thực hóa của cố Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh lúc bấy giờ tạo được đồng tình rất lớn trong xã hội. Nhất là tạo nguồn động viên đối với những gia đình, những bà mẹ có đóng góp lớn trong 2 cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc.
Đối với tôi, đây là một dấu ấn rất lớn mang đậm giá trị nhân văn, hiện thực hóa truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc mà cố Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã làm được đối với những người, gia đình có công với đất nước.
Bà Lê Thị Hiếu, nguyên Giám đốc Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai:
Lãnh đạo đất nước đi qua khó khăn
Thế hệ của chúng tôi biết nhiều về nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Ông không chỉ là người gắn bó với cách mạng Việt Nam qua nhiều thời kỳ mà còn gắn với công cuộc đổi mới của đất nước, đặc biệt trên cương vị Chủ tịch nước từ cuối năm 1992, đất nước đang trong bước đầu của giai đoạn đổi mới kinh tế. Tôi vẫn còn nhớ đây là thời kỳ khó khăn cả bên trong lẫn bên ngoài đối với đất nước ta.
Với kinh nghiệm của một người nhiều năm chỉ huy trên chiến trường, Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã cùng Quốc hội, Chính phủ từng bước tìm cách giải quyết những khó khăn của đất nước, triển khai công cuộc đổi mới một cách toàn diện, nhất là về kinh tế, xây dựng nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Trong giai đoạn này dù khó khăn như vậy nhưng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh rất quan tâm tới các đối tượng chính sách, trong đó có sự ra đời của danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ mồ côi khuyết tật cũng được Chủ tịch nước rất quan tâm.
Tôi cho rằng, cả cuộc đời của Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã dành trọn cho đất nước, cho Đảng, cho dân. Đó thực sự là một sự cống hiến sắt son chung thủy mà thế hệ chúng tôi và thế hệ mai sau sẽ luôn nhớ đến ông.
P.Hằng - V.Truyên - C.Nghĩa (ghi)