Báo Đồng Nai điện tử
En

Mãi mãi nhớ ơn vị tướng tài ba, nhà lãnh đạo gần dân…

09:05, 03/05/2019

Những ngày này, người dân cả nước bày tỏ lòng  tiếc thương vô hạn đối với sự ra đi của Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, vị tướng tài ba, nhà lãnh đạo gần dân, cống hiến cả cuộc đời mình cho đất nước.

Những ngày này, người dân cả nước bày tỏ lòng  tiếc thương vô hạn đối với sự ra đi của Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, vị tướng tài ba, nhà lãnh đạo gần dân, cống hiến cả cuộc đời mình cho đất nước.

Người dân cầm di ảnh của Đại tướng Lê Đức Anh trước số nhà 240 Pasteur (phường 6, quận 3, TP.Hồ Chí Minh). Ảnh: TTXVN
Người dân cầm di ảnh của Đại tướng Lê Đức Anh trước số nhà 240 Pasteur (phường 6, quận 3, TP.Hồ Chí Minh). Ảnh: TTXVN

[links()]Có những người đã may mắn được gặp ông, có người dù chưa từng gặp nhưng đều dành cho Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh những tình cảm hết sức chân thành, cảm động.

* Ông Nguyễn Văn Chương (67 tuổi, ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn đặc công 23, Trung đoàn 113, nay là Lữ đoàn đặc công bộ 113):

Tôi vẫn gọi đại tướng là thầy…

 Năm 2004, tại Dinh Độc Lập, nhân kỷ niệm Ngày thành lập Binh chủng đặc công 19-3, tôi cùng nhiều đồng chí, đồng đội thuộc các tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 113 có dịp được gặp Đại tướng Lê Đức Anh. Tôi còn nhớ khi đó chúng tôi đang đứng chào đại biểu chuẩn bị vào hội trường thì Đại tướng đi vào, có 2 cảnh vệ 2 bên. Khi ông bước vào, tất cả đại biểu trong hội trường đều đứng hết dậy, vỗ tay chào mừng.

Mặc dù đại tướng đã lớn tuổi nhưng còn rất minh mẫn. Tại buổi lễ, đại tướng đã chia sẻ nhiều câu chuyện hay. Đại tướng nhắc nhiều đến truyền thống hào hùng của chiến sĩ đặc công, những chiến thắng vang dội của các đơn vị đặc công miền Nam như chiến thắng Tổng kho Long Bình, chiến thắng Sân bay Biên Hòa của Trung đoàn 113 và bộ đội địa phương, chiến thắng kho xăng Nhà Bè, chiến thắng Rừng Sác… Sau khi phát biểu tại buổi lễ, đại tướng đã xuống hội trường bắt tay chúc mừng các chiến sĩ đặc công năm xưa. Chúng tôi cũng vinh dự được bắt tay đại tướng và gọi ông là thầy.

Bản thân tôi cũng học hỏi được rất nhiều điều từ Đại tướng Lê Đức Anh - một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong cuộc sống đời thường, ông là người rất giản dị, gần gũi với tất cả mọi người, không phân biệt tướng lĩnh, quân sĩ gì cả. Trên chiến trường, ông rất sâu sát trong chỉ huy quân đội, bám sát với các chiến dịch cũng như cuộc sống của bộ đội ở miền Nam. Trận đánh nào ông cảm thấy chắc thắng mới cho đánh. Trận nào không chắc thắng thì phải chờ đợi, tập luyện rồi mới cho đánh để hạn chế sự hy sinh của quân ta. Tôi còn nhớ thầy từng nói, đưa được một người lính đặc công từ ngoài miền Bắc vào chiến trường miền Nam không phải đơn giản. Nếu không chắc thắng thì không cho đánh. Bởi chỉ với một sơ suất nhỏ và chẳng may bị lộ, chiến sĩ đặc công sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng và hy sinh không hề nhỏ.

* Cựu chiến binh Vũ Đức Ninh (66 tuổi, phường Tân Mai, TP.Biên Hòa):

Vị đại tướng, Chủ tịch nước gần gũi với nhân dân

Năm 2005, nhân kỷ niệm 30 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi cùng các đồng chí, đồng đội vinh dự được gặp Đại tướng Lê Đức Anh tại Dinh Độc Lập.

Thời điểm đó, đại tướng sức khỏe có giảm nên phải ngồi xe lăn. Khi đại tướng đến, chúng tôi rất cảm động. Có những người đã ôm đại tướng và khóc, cảm kích tấm lòng của đại tướng với bộ đội đặc công miền Nam.

Khi gặp chúng tôi, đại tướng đã ân cần hỏi thăm sức khỏe của mọi người. Có những anh em làm công tác hậu cần, chăm sóc sức khỏe cho chiến sĩ đặc công năm xưa được nhiều lần gặp đại tướng nên khi gặp lại, đại tướng vẫn còn nhớ mặt, nhớ tên và hỏi thăm về nơi ở, cuộc sống hiện tại của từng người. Sau đó, chúng tôi còn chụp hình lưu niệm với đại tướng.

Bản thân tôi rất có ấn tượng với Đại tướng Lê Đức Anh. Ông là người rất giản dị, cởi mở, thương anh em chiến sĩ. Dù ở cương vị nào, giữ chức vụ gì, ông cũng rất gần gũi với đồng chí, đồng đội. Trong cuộc sống đời thường, dù giữ chức vụ cao đứng đầu đất nước nhưng ông cũng luôn giản dị, gần dân, lắng nghe và chia sẻ với nhân dân. Đây là đức tính quý mà chúng tôi luôn lấy ông làm tấm gương sáng để noi theo.

* Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tăng Quốc Lập:

Là chỗ dựa của công nhân lao động…

Qua tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, tôi vô cùng xúc động và tự hào. Ông đã dành cả cuộc đời của mình cho đất nước qua các cuộc kháng chiến đầy oanh liệt và vẻ vang. Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh không chỉ là vị tướng trong lòng dân và còn là một lãnh đạo đất nước giàu tâm huyết, sống cuộc đời giản dị, sống gần gũi với nhân dân lao động.

Đất nước hòa bình thống nhất, trên cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ông đã phát huy hết tinh thần trách nhiệm để cùng cả nước vượt qua những khó khăn của những năm đầu đổi mới, đưa đất nước ta từng bước hội nhập với bạn bè quốc tế, khẳng định vị thế của đất nước. Và trên cương vị Chủ tịch nước, ông luôn dành sự quan tâm lớn cho công nhân lao động cả về vật chất và tinh thần. Nhờ sự quan tâm của ông và các thế hệ lãnh đạo mà công nhân lao động có thêm động lực để phát triển, cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

* Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Cao Cường:

Thế hệ trẻ mãi nhớ công lao của nguyên Chủ tịch nước

5 cuong.jpg

Sự ra đi của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh khiến tuổi trẻ Đồng Nai và cả nước vô cùng thương tiếc và xúc động. Nguyên Chủ tịch nước sẽ mãi mãi là một tấm gương lớn về tinh thần đạo đức cách mạng cao cả, dành trọn cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước.

Nhờ những con người ưu tú như nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã chiến đấu hết mình cho đất nước mà thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay có được cuộc sống hòa bình tự do, đất nước đổi mới và phát triển. Tên tuổi và những đóng góp của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh cho Tổ quốc sẽ mãi mãi được các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau nhắc nhớ và tuổi trẻ chúng tôi nguyện sẽ tiếp tục phát huy tinh thần và sức trẻ để xây dựng đất nước, xứng đáng với những kỳ vọng đặt lên vai tuổi trẻ.

* ThS.BS CKII. Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai:

Người truyền cảm hứng...

Tôi rất cảm phục Đại tướng Lê Đức Anh. Ông là một người anh hùng trong chiến tranh. Tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào vì có quê nội cùng quê với Đại tướng Lê Đức Anh - huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Khi nghe tin Đại tướng mất, trong lòng tôi cảm thấy rất buồn.

Một điều tôi cảm thấy rất cảm kích là trong thời gian Đại tướng làm Chủ tịch nước, ông rất gần gũi với mọi người dân. Tôi vẫn còn nhớ mãi thời tôi còn nhỏ, tôi được xem qua tivi hình ảnh Chủ tịch nước Lê Đức Anh gặp gỡ, giao lưu, nói chuyện với thanh niên. Với dáng dấp, vẻ mặt, ánh mắt toát lên vẻ quắc thước, ông đã mang hào khí sôi nổi của một người lính với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai” để “truyền lửa” cho các thế hệ đoàn viên, thanh niên sau này. Bản thân tôi là một cựu cán bộ Đoàn cũng đã được những thước phim đó truyền cảm hứng để luôn hăng hái, thi đua thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao.

Sáng 3-5, khi xem những hình ảnh trong lễ tang của Đại tướng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trong tôi lại bồi hồi, xúc động, nhớ lại ánh mắt quắc thước ngày nào của Đại tướng Lê Đức Anh. Càng nhớ, tôi càng thấy biết ơn những công lao của Đại tướng dành cho đất nước và càng trân quý cuộc sống độc lập, tự do hiện tại.

Hạnh Dung - Công Nghĩa (ghi)

Tin xem nhiều