Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.
Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình làm rõ ý kiến của Đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Ngày 30-5, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.
Các ý kiến bày tỏ lo lắng khi chuẩn bị Đại hội Đảng cấp cơ sở nhưng vẫn chưa có hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan khiến địa phương lúng túng trong việc sắp xếp, sáp nhập các xã.
Nhiều địa phương lúng túng trong việc sắp xếp, sáp nhập các xã
Phân tích của đại biểu cho thấy từ năm 1986-2016, số đơn vị hành chính cấp huyện từ 431 đã tăng lên 713; đơn vị hành chính cấp xã tăng 9.657 lên 11.162, bình quân mỗi năm tăng khoảng 50 xã và con số này giữ nguyên cho đến nay.
Vì vậy, chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính, cải cách bộ máy, tiết kiệm ngân sách để đầu tư phát triển là một chủ trương đúng đắn, mang tính đột phá theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, nhằm giảm đầu mối, tinh giảm biên chế kể cả chuyên trách và không chuyên trách.
Tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của Chính phủ, trong khi còn nhiều vướng mắc nảy sinh như việc kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị, vấn đề sắp xếp lại cán bộ trong đội ngũ công chức và cán bộ không chuyên trách của tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các hội đoàn thể, việc xử lý cán bộ dôi dư và chế độ chính sách đối với họ.
[Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã]
Ngoài ra, còn nhiều vấn đề liên quan đến quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, giấy tờ công dân và các nguồn lực khác để giải quyết các vấn đề phát sinh khi sáp nhập lại các đơn vị hành chính, nhất là nguồn lực tài chính và giải quyết chính sách đối với cán bộ.
Các đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam), Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho biết trước thềm đại hội Đảng các cấp và bầu cử Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp, Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Nội vụ đã hướng dẫn các địa phương, sớm hoàn thiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 37/NQ-TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653 /2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Theo đại biểu Trần Tất Thế, sau khi sáp nhập đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, bất cập như khi sáp nhập quy mô, tổ chức Đảng và dân số tăng, nhưng chế độ phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách vẫn giữ nguyên như trước, đây là điểm không hợp lý.
Các cấp có thẩm quyền nên phân loại thôn, xóm theo quy mô dân số để áp dụng chế độ phụ cấp phù hợp. Bên cạnh đó, quy mô dân số tăng, các thiết chế văn hóa cũ không còn phù hợp, việc tổ chức sinh hoạt cộng đồng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, rất cần có cơ chế để phát huy hiệu quả cơ sở vật chất của các xóm trước khi sáp nhập.
Với các xóm xa trung tâm xã, đề nghị xã cho đấu giá đất nhà văn hóa cũ để có kinh phí xây dựng nhà văn hóa mới phù hợp hơn.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn đề nghị Chính phủ, Quốc hội, Bộ Nội vụ và các cơ quan kịp thời ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể, tạo hành lang pháp lý và cơ chế để các địa phương thuận lợi cho việc triển khai thực hiện, sao cho việc sắp xếp lại phải căn bản, cách làm phù hợp, cần đặc biệt quan tâm các tiêu chí phù hợp với phong tục tập quán và điều kiện địa lý của cộng đồng.
“Năm 2011, Hà Tĩnh đã mạnh dạn trình Hội đồng Nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án sắp xếp kiện toàn các cơ quan hành chính và đặc biệt là sáp nhập các thôn, xóm. Chúng tôi đã sáp nhập hàng nghìn thôn, xóm và giảm được hàng ngàn cán bộ, tiết kiệm cho ngân sách một năm trên 40 tỷ đồng. Thực sự trong giai đoạn này cũng có áp lực,” đại biểu Nguyễn Văn Sơn bày tỏ.
Theo đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ), cần có giải pháp cụ thể để xử lý mối quan hệ sau sáp nhập khi các đơn vị được sáp nhập có những điều khác biệt như việc sáp nhập ba xã hợp nhất thành một xã, trong đó có một xã nông thôn mới, một xã trung bình, một xã đang hưởng chính sách 135...
“Cần có văn bản hướng dẫn và quy định thống nhất cho các địa phương trong cả nước, nếu không giải quyết kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, dễ tạo bức xúc, thậm chí thành điểm nóng,” đại biểu cảnh báo.
Khó khăn nhất là sắp xếp số cán bộ dôi dư
Giải đáp những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW (một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả), Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 37/NQ-TW và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 653 /2019/UBTVQH14.
Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP để quy định một số nội dung kế hoạch về sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính cấp huyện, cấp xã, Bộ Nội vụ ban hành văn bản để hướng dẫn mẫu hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Đến nay, cơ bản các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện các nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã đầy đủ.
Quang cảnh Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Mục tiêu của sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là nhằm tổ chức hợp lý lại các đơn vị cho phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước, đơn vị hành chính và bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, góp phần phát huy mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, tinh giản biên chế và thực hiện chính sách tiền lương mới vào năm 2021.
Quan điểm của việc sắp xếp là phải đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ và thực hiện từng giai đoạn. Mỗi giai đoạn cần có trọng tâm, trọng điểm, cách làm phù hợp, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả. Những nơi đã rõ, thuận lợi làm trước và không phải sắp xếp bằng mọi giá các đơn vị hành chính mà không đảm bảo yếu tố thuận lợi và gây xáo trộn lớn, làm mất ổn định về chính trị-xã hội.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay năm 2019 vừa rà soát các quy định pháp luật có liên quan, vừa thực hiện cơ bản việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% cả hai tiêu chí về quy mô dân số và diện tích tự nhiên theo tiêu chí của Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Ngoài ra, khuyến khích các địa phương tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính khác chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định và đến năm 2021 sẽ tiến hành tổng kết việc sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021, xây dựng kế hoạch, lộ trình để tiếp tục sắp xếp trong giai đoạn đến năm 2020 và 2030.
Để triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Nội vụ đã phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức tập huấn, tọa đàm triển khai.
Bộ trưởng cho biết lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện trong giai đoạn 2019-2020, tuy nhiên, để sớm ổn định cho các đơn vị cấp huyện, cấp xã tổ chức Đại hội Đảng các cấp vào năm 2020, nhiệm kỳ 2020-2025, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ và các bộ, ngành khẩn trương xây dựng kế hoạch để sắp xếp, cơ bản hoàn thành trong năm 2019.
Qua rà soát số liệu báo cáo của các địa phương, trong đợt này chỉ sắp xếp 16 đơn vị hành chính cấp huyện và 631 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% cả hai tiêu chí về diện tích và quy mô dân số.
“Qua xem xét phương án tổng thể chung của các địa phương đã gửi về Bộ Nội vụ cho thấy, các tỉnh đã ráo riết chỉ đạo khẩn trương để lập các đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; trong đó, ngoài diện cần phải sắp xếp đợt này, nhiều tỉnh khuyến khích việc sắp xếp thêm các đơn vị ngoài quy định. Ví dụ, tỉnh Hòa Bình có thêm 24 đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh có thêm 10 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện khuyến khích. Nhiều địa phương đã tiến hành sắp xếp cả ba đơn vị cấp xã thành một đơn vị cấp xã như Hà Tĩnh, Thái Bình...,” Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.
Ông thông tin sau khi sắp xếp, số đơn vị hành chính của Cao Bằng đã giảm 3/13 đơn vị hành chính cấp huyện và giảm 4/199 đơn vị hành chính cấp xã. Tỉnh Hòa Bình giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện và giảm 59 đơn vị hành chính cấp xã. Hà Tĩnh giảm 47 đơn vị hành chính cấp xã và Thanh Hóa giảm 76 đơn vị hành chính cấp xã. Đây là những đơn vị, địa phương có nhiều đơn vị sắp xếp mà đề án cơ bản đến nay chuẩn bị tốt.
Đề cập về giải pháp để thực hiện tốt việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong thời gian tới, Bộ trưởng Nội vụ cho biết Bộ thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành Trung ương như Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và Tổng cục Thống kê và các địa phương để rà soát, xây dựng các phương án cụ thể nhằm giúp các địa phương tổ chức tốt đề án.
Đến nay, theo phản ánh của các địa phương, vấn đề khó khăn, vướng mắc nhất trong việc sắp xếp và tổ chức các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là số lượng lớn cán bộ, công chức dôi dư, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 và Nghị quyết số 32/NQ-CP đã đề ra một số giải pháp để giải quyết việc cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau khi sắp xếp. Tuy nhiên, các giải pháp này chưa thật sự hấp dẫn để giải quyết chế độ. Do đó, thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu, phối hợp với các cơ quan của Chính phủ để ban hành một số chính sách giải quyết theo nhu cầu thực tiễn của địa phương đã được sắp xếp.
Mặt khác, để đảm bảo cho việc sắp xếp đồng bộ các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sắp tới, Bộ Nội vụ đề nghị Ban Tổ chức Trung ương và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội, Mặt trận Tổ quốc cần có hướng dẫn trong việc tổ chức sắp xếp các đơn vị tương ứng cho phù hợp với đề án sắp xếp chung cấp huyện và cấp xã.
Giải trình thêm về việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, để thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội (về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt hiệu lực, hiệu quả) và Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành hai nghị định mới thay thế Nghị định 24/2014/NĐ-CP (quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh) và Nghị định 37/2014/NĐ-CP (quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp huyện).
“Theo nguyên tắc, Chính phủ chỉ quy định khung cơ quan chuyên môn của cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó số lượng cơ quan chuyên môn sau khi sắp xếp không được nhiều hơn số lượng hiện có,” Bộ trưởng khẳng định.
Theo ông, việc sắp xếp này sẽ chia theo bốn nhóm, gồm: nhóm thứ nhất là số cơ quan thống nhất quản lý chung trong cả nước. Nhóm hai gồm nhóm tổ chức, sắp xếp lại cho phù hợp. Nhóm ba là nhóm thực hiện thí điểm theo tinh thần Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị. Nhóm thứ tư là nhóm đặc thù.
Về quy định khung biên chế tối thiểu và số lượng cấp phó tối đa để thành lập các tổ chức bên trong của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, sẽ giao cho Hội đồng Nhân dân tỉnh quyết định, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Kết luận số 34-KL/TW.
Ông cũng cho hay đây là vấn đề mới, phức tạp trong việc tổ chức lại cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và cấp huyện thời gian tới, được xã hội rất quan tâm, do đó, lãnh đạo Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các cơ quan Trung ương và địa phương.
“Chính phủ sẽ thảo luận, cho ý kiến về sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, diễn ra vào ngày 31/5. Đến nay, đã có bốn tỉnh thí điểm sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh gồm Bạc Liêu, Bắc Ninh, Hà Giang, Lào Cai, giảm được năm cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Đối với cấp huyện, đã có 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thí điểm sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp huyện, đã giảm được 185 phòng chuyên môn,” Bộ trưởng Nội vụ nói./.
Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)