Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo mối quan hệ lao động hài hòa

09:10, 29/10/2018

Doanh nghiệp có sa thải hay khuyến khích người lao động trên 35 tuổi nghỉ việc không; mức lương có đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu; chất lượng bữa ăn của người lao động hiện nay như thế nào?...

Doanh nghiệp có sa thải hay khuyến khích người lao động trên 35 tuổi nghỉ việc không; mức lương hiện nay đã đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động chưa; chất lượng bữa ăn của người lao động hiện nay như thế nào?

Người lao động của Công ty TNHH NamYang Sông Mây (Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom) trong giờ làm việc. Ảnh: H.DUNG
Người lao động của Công ty TNHH NamYang Sông Mây (Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom) trong giờ làm việc (Ảnh: H.DUNG)

Đó là những vấn đề được đoàn công tác của Ban Quan hệ lao động thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam quan tâm tìm hiểu tại hội nghị đánh giá tình hình quan hệ lao động tại các doanh nghiệp gia công, sản xuất hàng cho Tập đoàn thời trang Inditex và H&M tổ chức tại Đồng Nai ngày 27-10.

* Đối thoại để hiểu nhau hơn

Bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Namyang Sông Mây (Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom) cho biết, để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, công ty và Công đoàn cơ sở thường xuyên tiến hành đối thoại với người lao động.

Trần Thị Thanh Hà, Phó trưởng ban Quan hệ lao động Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ: “Khung thỏa thuận về quan hệ lao động mà 2 tập đoàn thời trang Inditex và H&M đặt ra cho các doanh nghiệp gia công sẽ là tiền đề để các nhãn hàng khác ghi nhận và có những ưu tiên khi đặt hàng đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Mặt khác, sẽ hạn chế được tình trạng tranh chấp lao động tại các doanh nghiệp, tránh cạnh tranh người lao động giữa các doanh nghiệp cùng sản xuất, gia công hàng hóa cho 2 tập đoàn này”.

Thông qua đối thoại, lãnh đạo doanh nghiệp hiểu được mong muốn của người lao động để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. “Vừa qua, tại hội nghị người lao động, công nhân kiến nghị tăng khẩu phần ăn để đảm bảo sức khỏe. Ban giám đốc đã đồng ý và từ tháng 11-2018 sẽ tăng khẩu phần ăn lên trên 15 ngàn đồng, đồng thời tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát nguồn gốc và chế biến thực phẩm của nhà ăn” - bà Thủy cho hay.

Tương tự, bà Phạm Thu Huyền, Trưởng phòng Nhân sự Công ty cổ phần Scavi (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) chia sẻ, khoảng 6 tháng nay Ban giám đốc và Công đoàn cơ sở công ty đang khảo sát lấy ý kiến của công nhân về suất ăn giữa ca để nắm tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của người lao động từ đó điều chỉnh món ăn, khẩu phần ăn phù hợp.

Bà Huyền cũng cho hay lãnh đạo công ty không phân biệt tuổi tác người lao động. Có những lao động lớn tuổi, sức khỏe đảm bảo lao động vẫn làm việc bình thường.

Trong khi đó, tại Công ty TNHH giày dép Tân Hợp (huyện Vĩnh Cửu), ngoài Công đoàn cơ sở, công ty còn có một tổ đối thoại gồm 5 người, hằng tháng thu thập, chuyển tải ý kiến của người lao động đến lãnh đạo công ty. Với mức thu nhập bình quân khoảng 5,5 triệu đồng/người/tháng và giá trị bữa ăn ca 15 ngàn đồng/suất, công ty đang có ý định sẽ tăng tiền ăn, tăng thêm tiền chuyên cần hằng tháng cho người lao động từ 150 ngàn đồng/người/tháng lên 300 ngàn đồng.

Bên cạnh những doanh nghiệp tổ chức tốt hội nghị người lao động và đối thoại tại nơi làm việc cũng còn có những doanh nghiệp chuyên sản xuất ngành dệt may chưa thực hiện tốt điều này.

Bà Nguyễn Thụy Kiều Khánh, Trưởng phòng Nhân sự kiêm Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Jiangsu Jingmeng Việt Nam (Khu công nghiệp Amata) thừa nhận, do liên quan đến nhu cầu sản xuất nên công ty mới chỉ thực hiện đối thoại người lao động 2 lần/năm. Bên cạnh đó, với đặc điểm doanh nghiệp chuyên về dệt may nên tình trạng người lao động làm thêm giờ còn nhiều. Một phần do nhu cầu của doanh nghiệp, một phần do thu nhập chưa đảm bảo mức sống tối thiểu buộc người lao động phải tăng ca để kiếm thêm một khoản tiền nhằm trang trải cuộc sống.

* Sẽ xây dựng thỏa thuận khung về quan hệ lao động

Để giữ chân và thu hút người lao động, nhiều doanh nghiệp chuyên ngành dệt may đã chủ động đưa một số điều khoản có lợi cho người lao động vào thỏa ước lao động tập thể. Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Trảng Bom Trần Văn Thành, vẫn còn tồn tại tình trạng một số doanh nghiệp nước ngoài năm nào cũng báo cáo kinh doanh lỗ để không thưởng tết hoặc không tăng các chế độ phúc lợi cho người lao động; trong khi đó những doanh nghiệp này vẫn mở rộng sản xuất, tuyển thêm nhiều lao động. Điều này sẽ gây thiệt thòi cho người lao động và cho thấy trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động chưa đảm bảo.

Do vậy, cùng với việc xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở đủ năng lực, trình độ, có uy tín và có tiếng nói trong doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động, bà Nguyễn Thị Minh Châu, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Vĩnh Cửu cho rằng, cần phải xây dựng khung thỏa thuận trong các doanh nghiệp dệt may, có chế tài đối với những doanh nghiệp không tổ chức hội nghị người lao động hoặc đối thoại tại doanh nghiệp.

Dựa trên những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, Công đoàn cơ sở, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, bà Trần Thị Thanh Hà, Phó trưởng ban Quan hệ lao động Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, sẽ tổng hợp để phối hợp xây dựng khung thỏa thuận về quan hệ lao động cho các doanh nghiệp sản xuất, gia công hàng cho 2 tập đoàn Inditex và H&M. Mục tiêu cuối cùng nhằm tạo ra những điều khoản có lợi hơn cho người lao động. Hiện có 187 doanh nghiệp với gần 200 ngàn lao động đang sản xuất hàng hóa cho 2 tập đoàn thời trang Inditex và H&M (trong đó, Đồng Nai có khoảng 20 doanh nghiệp). Khảo sát năm 2017 cho thấy có hơn 80% doanh nghiệp xây dựng quy chế đối thoại nơi làm việc và tổ chức hội nghị người lao động. Thu nhập bình quân của người lao động khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến, sẽ có 15 tỉnh, thành trong cả nước tham gia thỏa thuận khung này.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều