Trong tuần này, từ ngày 30-10 đến 1-11, Quốc hội sẽ diễn ra các phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn. Đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn trong kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIV. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho hay, các phiên chất vấn kỳ họp thứ 6 không có các nhóm vấn đề và không giới hạn các vị Bộ trưởng sẽ trả lời. Các phiên chất vấn lần này không phải là tiền lệ chưa có, trước đó trong kỳ họp thứ 13, tại phiên họp cuối cũng đã có Nghị quyết rà soát lại tất cả Nghị quyết giám sát trong toàn bộ nhiệm kỳ.
“Đây là hình thức tôi đánh giá là rất hiệu quả, từ trước đến nay vấn đề liên quan đến hậu giám sát vẫn rất nhiều đại biểu nêu, giám sát rất quyết liệt nhưng việc giải quyết kiến nghị giám sát, hậu giám sát còn là vấn đề. Đây là một trong những bước góp phần vào việc thúc đẩy kiến nghị sau giám sát,” bà Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.
Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) |
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải, việc ra soát được đưa ra giữa nhiệm kỳ và ở cuối nhiệm kỳ sẽ có những đợt rà soát tương tự như kỳ trước, sẽ thúc đẩy các kiến nghị, chất vấn của các đại biểu Quốc hội với các Bộ trưởng được thực hiện sớm hơn trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Thứ hai, các kiến nghị đó qua chất vấn này, các bộ trưởng sẽ tự rà soát lại trách nhiệm của mình dưới góc nhìn của cử tri.
Ông Hoàng Văn Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội cho biết: “Quốc hội sẽ xem xét lại các nội dung đã chất vấn các thành viên Chính phủ trong 4 kỳ họp vừa qua đã thực hiện như thế. Do vậy tôi cho rằng, phiên chất vấn sẽ tập trung vào các nội dung vấn đề mà các đại biểu đã theo đuổi cũng như các vấn đề mà thành viên Chính phủ thực hiện.”
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá thì cho rằng, các phiên chất vấn kỳ này Quốc hội sẽ chất vấn việc thực hiện “lời hứa” của các Bộ trưởng thông qua kết quả các kỳ giám sát từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Bộ trưởng nào sẽ lên "ghế nóng”
Dự báo về các nội dung chất vấn sẽ được các đại biểu thảo luận sôi nổi, Bộ trưởng nào sẽ lên "ghế nóng", Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết: “Nhìn chung, xu hướng về ý kiến của cử tri vẫn tập trung vào lĩnh vực: giáo dục liên quan tới thi cử, sách giáo khoa; vấn đề liên quan tới việc tổ chức các kỳ thi tới đây tránh việc có năm thì đề thi quá dễ, có năm thì đề thi quá khó... việc sử dụng kết quả thi. Thứ hai là vấn đề giao thông, sự xuống cấp của các công trình BOT, các công trình lớn, trạm thu phí... những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, y tế vẫn sẽ được quan tâm.”
“Cá nhân tôi cũng có chất vấn với Bộ trưởng Bộ Giáo dục về triết lý giáo dục, đúc rút trong một số câu nhỏ nhưng thể hiện tính chất điều hành của Bộ trưởng Bộ Giáo dục”, Đại biểu Nguyễn Thanh Hải nói.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, Uỷ viên thường trực Uỷ Ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cũng bày tỏ sự quan tâm đến một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải, y tế, giáo dục trong phiên chất vấn. Đây là các vấn đề tồn tại rất dài mà cử tri quan tâm, là vấn đề cần phải có chất vấn để các Bộ trưởng tiếp tục giải trình.
“Qua lấy phiếu tín nhiệm vừa rồi mới thấy các lĩnh vực này đang cần phải có quyết tâm của từng vị tư lệnh ngành, đồng thời cũng phải có phương án, đề áp giải quyết các vấn đề bất cập trong các lĩnh vực này”, Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng nói.
Bên cạnh nhìn nhận lại quá trình giải quyết các ý kiến chất vấn của các kỳ trước, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng: “Nếu có vấn đề nóng cũng có thể được đặt ra để chất vấn ở trong kỳ này, kỳ này các nội dung tương đối trọng điểm, sẽ có sự trao đổi đi lại để truy đuổi đến cùng các vấn đề.”/.
(VIETNAM+)