Báo Đồng Nai điện tử
En

Những đột phá trong công tác cán bộ

07:09, 20/09/2018

Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ, đội ngũ cán bộ các cấp đã trưởng thành, lớn mạnh và phát triển về nhiều mặt, làm nên những thành tựu to lớn,...

Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ, đội ngũ cán bộ các cấp đã trưởng thành, lớn mạnh và phát triển về nhiều mặt, là nhân tố then chốt, quyết định làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Đinh Quốc Thái, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao quyết định về công tác cán bộ.
Đồng chí Đinh Quốc Thái, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao quyết định về công tác cán bộ.

Song, những hạn chế, yếu kém của một bộ phận không nhỏ cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ lại là nguyên nhân chủ yếu làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với nguồn lực, tiềm lực và mong muốn của Đảng và nhân dân.

Bằng sự dũng cảm, đối diện với sự thật, thẳng thắn chỉ rõ những nguyên nhân của hạn chế, yếu kém của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) đã quyết định ban hành Nghị quyết chuyên đề số 26-NQ/TW về công tác cán bộ với mục tiêu: xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. 

Trong các đợt trao quyết định về công tác cán bộ, lãnh đạo tỉnh đều mong muốn các đồng chí nhận nhiệm vụ mới cần tích cực học tập, nghiên cứu chức năng, quyền hạn của cơ quan, đơn vị mới và trách nhiệm cá nhân được phân công để cùng toàn thể cán bộ, công chức trong cơ quan xử lý tốt nhiệm vụ được giao. Xây dựng tinh thần đoàn kết, thống nhất trong đơn vị, cùng hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ chung với kết quả cao nhất, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Phương Hằng

Để thực hiện mục tiêu, nghị quyết đã tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Đó là: 1. Nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; 2. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; 3. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới; 4. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ; 5. Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; 6. Phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ; 7. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công tác tổ chức, cán bộ.

Ở các nhóm nhiệm vụ và giải pháp được xác định trong nghị quyết lần này, nổi lên một số đột phá rất mới như sau:

1. Để tránh tình trạng lộng quyền, lạm quyền, Trung ương yêu cầu phải kiểm soát quyền lực, theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và quyền hạn phải được ràng buộc bằng trách nhiệm.

2. Để tránh tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, nhất là tình trạng bổ nhiệm người nhà, người thân, họ hàng, “cánh hẩu”, nghị quyết nhấn mạnh phải kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, tuyệt đối không có “vùng cấm”.

3. Trung ương đã nhận diện và xác định rõ cách thức giải quyết mối quan hệ giữa chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương với xây dựng thể chế, tạo môi trường thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo của cán bộ. Trong đó, cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là một điểm nhấn rất mới.

4. Đánh giá cán bộ là khâu quan trọng nhất, nhưng đến nay vẫn là khâu yếu nhất trong quy trình công tác cán bộ, ở nghị quyết này, Trung ương yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ khách quan, chính xác, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm cụ thể; đồng thời đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực để chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ. 

5. Đối với nhân tài, phải xây dựng chiến lược để thu hút và trọng dụng, không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài. Trong đó nhấn mạnh việc thực hiện cơ chế đặc thù để phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển vào vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp, nhất là đối với cán bộ trẻ.

 Những đột phá trên đây thể hiện tinh thần đổi mới mạnh mẽ của Trung ương về công tác cán bộ. Thực hiện những bước đột phá này nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đồng thời nhằm đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả sự tha hóa quyền lực trong bộ máy công quyền, sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Qua đó củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

TS.Vũ Thị Nghĩa

Tin xem nhiều