Báo Đồng Nai điện tử
En

Niềm tự hào của mỗi người dân Việt

09:09, 01/09/2018

Sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, ngày 2-9-1945, trước hàng chục vạn đồng bào thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, ngày 2-9-1945, trước hàng chục vạn đồng bào thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.

73 năm đã trôi qua nhưng thời khắc lịch sử ấy vẫn mãi khắc sâu trong tâm khảm của các thế hệ người dân Việt Nam.

* Phá tan xiềng xích nô lệ

ThS.Trần Quang Toại, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai nhận định, cuộc Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 cách đây 73 năm có ý nghĩa vô cùng to lớn. Sau khi nổ súng xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã thiết lập bộ máy thống trị. Chính sách thống trị của thực dân Pháp đã tác động mạnh mẽ đến xã hội Việt Nam trên các lĩnh vực: chính trị, văn hóa, kinh tế - xã hội... Các giai cấp, tầng lớp trong xã hội đều phải chịu cảnh áp bức, bóc lột nặng nề.

ThS.Trần Quang Toại, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai khẳng định để có được thành quả của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, bên cạnh các yếu tố khách quan, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam đã trải qua quá trình chuẩn bị các điều kiện cho tổng khởi nghĩa cũng như chủ động nắm bắt thời cơ và phát huy được sức mạnh của quần chúng. Vì vậy, Cách mạng Tháng Tám thành công là tất yếu chứ không phải là sự “ăn may” như một số nhận định sai lệch từng đưa ra.

Đặc biệt là năm 1940, lợi dụng nước Pháp bị Đức chiếm đóng, phát xít Nhật đã tăng sức ép với chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương, từng bước thực hiện ý đồ hất chân thực dân Pháp để mở thêm căn cứ đánh quân đồng minh. Thực dân Pháp buộc phải đầu hàng và chấp nhận các yêu sách của Nhật.

Từ đây, nhân dân Việt Nam phải chịu cảnh “một cổ hai tròng”. Quân Nhật không chỉ mượn tay quân Pháp để đàn áp phong trào cách mạng, vơ vét, bóc lột sức người, sức của ở Đông Dương mà còn thẳng tay cướp ruộng đất của nông dân để xây dựng trại lính, bắt nông dân nhổ lúa, ngô, khoai để trồng đay, thầu dầu phục vụ chiến tranh, đẩy nhân dân ta vào cảnh đói khổ, lầm than mà đỉnh điểm là trận đói năm Ất Dậu xảy ra từ tháng 11-1944 đến tháng 3-1945 làm 2 triệu người dân bị chết đói.

Ông Võ Sỹ Tuyên, cán bộ tiền khởi nghĩa hiện ở phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) kể, nạn đói xảy ra vào cuối năm 1944, đầu năm 1945 đã trở thành nỗi ám ảnh không thể quên trong đời ông. Để chống lại cái đói, người dân Hà Tĩnh quê ông phải ăn từ rau dại đến củ chuối, vỏ cây, giết cả trâu bò, chó mèo... Đến lúc không còn gì có thể ăn được thì họ chỉ biết ngồi chờ chết.

Trong lúc người dân lâm vào cảnh khốn cùng thì mệnh lệnh tổng khởi nghĩa của Ủy ban Chỉ huy lâm thời khu giải phóng được ban bố. Về nội dung của mệnh lệnh khởi nghĩa, trong sách Lịch sử Việt Nam (tập 2) của Nhà xuất bản Giáo dục năm 2003 viết: “Giờ tổng khởi nghĩa đã đến! Cơ hội có một cho quân, dân Việt Nam cùng giành lấy quyền độc lập của nước nhà... Chúng ta phải hành động cho nhanh, với tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!... Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta”.

Lời lẽ ngắn gọn nhưng mệnh lệnh tổng khởi nghĩa đã chạm trúng khát khao thoát khỏi xiềng xích nô lệ, trở thành người tự do của bao người dân Việt. Vì thế, khắp nơi quần chúng nhân dân hưởng ứng lệnh tổng khởi nghĩa và đồng loạt nổi dậy. Ở những vùng xa xôi mặc dù chưa nhận được lệnh tổng khởi nghĩa nhưng căn cứ vào tình hình cụ thể ở địa phương và vận dụng Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” đã lãnh đạo nhân dân đứng lên khởi nghĩa. Chỉ trong vòng 2 tuần lễ, cuộc tổng khởi nghĩa của nhân dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn. Chế độ thuộc địa và chế độ quân chủ từng ngự trị trên dải đất hình chữ S đã bị lật nhào, người dân Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu và tự hào vì trở thành công dân của một nước tự do, độc lập.

* Viết tiếp trang sử hào hùng

Gần 3/4 thế kỷ đã đi qua kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công nhưng mỗi người dân Việt Nam dù ở lứa tuổi nào cũng không khỏi bồi hồi, xúc động trước những câu chuyện, di tích, kỷ vật gắn liền với mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc.

Đam mê với bộ môn Lịch sử nên trong quá trình công tác, mỗi khi được đến vùng đất mới, anh Trương Hải Thi, Phó giám đốc Nhà thiếu nhi Đồng Nai lại tranh thủ tích lũy thêm vốn kiến thức lịch sử qua việc tham quan bảo tàng, khu di tích...

Anh Hải Thi chia sẻ: “Điểm đến nào cũng để lại trong tôi những cảm xúc nhất định, trong đó di tích Ngôi nhà 48 Hàng Ngang (Hà Nội) - nơi Bác Hồ lưu trú trong thời gian rất ngắn để soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập trở thành một trong những địa chỉ hấp dẫn mà lần nào đến với Hà Nội tôi cũng ghé tham quan. Mỗi lần đến đây, tôi vô cùng xúc động khi được đứng trong chính căn phòng mà Bác Hồ từng ở, được nhìn ngắm những vật dụng mà Bác Hồ đã từng dùng”.

Say mê nghiên cứu và truyền đam mê nghiên cứu cho sinh viên là cách thể hiện lòng yêu nước của TS.Nguyễn Trọng Anh (thứ 2 từ trái qua).
Say mê nghiên cứu và truyền đam mê nghiên cứu cho sinh viên là cách thể hiện lòng yêu nước của TS.Nguyễn Trọng Anh (thứ 2 từ trái qua).

7 năm học tập ở xứ người nên TS.Nguyễn Trọng Anh, giảng viên Khoa Kỹ thuật, hóa học và môi trường Trường đại học Lạc Hồng hiểu hơn ai hết cảm xúc mỗi lần đến Ngày Quốc khánh 2-9. TS.Trọng Anh cho biết năm 2010, anh nhận được một suất học bổng cao học tại Trường đại học Thượng Hải (Trung Quốc), sau đó tiếp tục được học bổng nghiên cứu sinh tại ngôi trường này. 7 năm ở xứ người thì có tới 6 lần anh cùng với du học sinh đón mừng Ngày Quốc khánh 2-9 tại đây.

TS.Trọng Anh kể: “Ngày Quốc khánh, khoảng 100 du học sinh Việt Nam ở các trường lân cận cùng tụ tập về một điểm trường để cùng nhau mừng Quốc khánh, cùng hát những bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước. Mỗi lần như vậy, du học sinh chúng tôi được thỏa nỗi nhớ nhà nhưng trên hết là nhắc nhở chúng tôi về truyền thống yêu nước của dân tộc và nhiệm vụ viết tiếp những trang sử hào hùng đó”.

Có lẽ vì thế mà sau khi hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh, anh Trọng Anh đã từ chối những lời mời hấp dẫn để trở về đóng góp cho mảnh đất Đồng Nai - nơi đã chắp cánh cho ước mơ của anh bay cao, bay xa.

Khác với thế hệ cha anh đi trước, ngày nay trong thời bình với quá trình hội nhập sâu rộng, tinh thần yêu nước được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau. Theo Trung úy Lê Thanh Thúy, công tác tại Đội Điều tra tổng hợp (Công an TP.Biên Hòa), mỗi người đều có cách riêng để thể hiện lòng yêu nước. Với chị Thanh Thúy, yêu nước không nhất thiết là phải làm những việc lớn lao mà yêu nước còn  thể hiện ở chính những điều bình thường giản dị có lợi cho quốc gia, dân tộc.

ThS. Bùi Thị Mỹ Hạnh, giảng viên Trường cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai cho rằng trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin thì yêu nước chính là sự tỉnh táo, không mắc mưu kẻ xấu, không để kẻ xấu lợi dụng, kích động thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại sự ổn định, bình yên của nhân dân.

Nga Sơn

 

Tin xem nhiều