Báo Đồng Nai điện tử
En

Sắp xếp lại tổ chức bộ máy: Giảm nhiều đầu mối và biên chế

08:08, 06/08/2018

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương, đến nay Đồng Nai đã triển khai đạt một số kết quả bước đầu về sắp xếp tổ chức bộ máy trên địa bàn tỉnh...

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, đến nay Đồng Nai đã có một số kết quả bước đầu về sắp xếp tổ chức bộ máy trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể và cơ quan đơn vị của tỉnh tham gia tập huấn công tác văn thư lưu trữ tháng 7-2018.
Cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể và cơ quan đơn vị của tỉnh tham gia tập huấn công tác văn thư lưu trữ tháng 7-2018 (ảnh tư liệu).

Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy trên địa bàn tỉnh được thực hiện đúng chủ trương của Trung ương, phù hợp tình hình thực tế của địa phương.

* Giảm một số đơn vị cấp tỉnh, phòng, chi cục

Đồng chí Đặng Minh Nguyệt, Phó ban thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết trong khi chờ quy định khung của Ban Tổ chức Trung ương và Chính phủ, trước mắt Đồng Nai thực hiện số lượng biên chế để thành lập phòng (ban) trực thuộc các cơ quan khối Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, tối thiểu là 5 biên chế; khối cơ quan nhà nước, tối thiểu là 8 biên chế. Những phòng (ban) không đủ biên chế theo quy định hoặc có chức năng, nhiệm vụ tương đồng thì xem xét sáp nhập. Phòng (ban) có số lượng 8-10 biên chế thì bố trí 1 phó phòng; 11 biên chế trở lên thì bố trí 2 phó phòng.

Để thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18 và 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Đồng Nai đã tạm dừng thành lập mới các tổ chức đơn vị trực thuộc và tạm dừng việc bổ sung cấp phó ở các tổ chức, đơn vị trong toàn tỉnh. Đồng thời, đã xây dựng quy định về chế độ, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thôi việc theo nguyện vọng khi thực hiện 2 nghị quyết này.

Theo định hướng trên và qua tổng hợp phương án sắp xếp của các đơn vị, địa phương, dự kiến đến năm 2021 sẽ giảm 2 đơn vị cấp tỉnh, do hợp nhất Văn phòng HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thành Văn phòng tham mưu giúp việc chung.

Bên cạnh đó, sẽ giảm 6 phó giám đốc sở và tương đương; giảm 68 phòng, 68 trưởng phòng và tương đương; giảm 98 phó phòng và tương đương.

Đối với các chi cục trực thuộc sở, ngành của tỉnh, dự kiến sáp nhập 3 chi cục thuộc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, gồm: Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật với Chi cục Thủy lợi; Chi cục Chăn nuôi - thú y với Chi cục Thủy sản; Chi cục Phát triển nông thôn với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản. Đồng thời, giải thể 2 chi cục để thành lập phòng là: Chi cục Tài chính doanh nghiệp nhà nước thuộc Sở Tài chính và Chi cục Giám định xây dựng thuộc Sở Xây dựng. Việc sáp nhập, giải thể các chi cục nói trên sẽ giảm được 5 chi cục, 30 phòng thuộc chi cục, 30 trưởng phòng và 28 phó phòng.

Tỉnh cũng đã xây dựng xong đề án Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung đối với các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy, dự kiến giảm 18 người. Xây dựng đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh theo hướng chuyển giao cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ y, bác sĩ cho Bệnh viện đa khoa Đồng Nai; giữ lại Hội đồng chuyên môn và chuyển giao nhiệm vụ tham mưu công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh về Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Rà soát, điều chỉnh các quy định về chế độ, chính sách liên quan đến cán bộ, công chức cấp xã.

Triển khai mô hình trưởng ban dân vận huyện ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ ở huyện Long Thành. Thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND ở 2 đơn vị cấp huyện (TX.Long Khánh và huyện Nhơn Trạch) và 98/171 xã, phường, thị trấn. Thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã ở 29/171 xã, phường, thị trấn.

Đồng thời, tỉnh đã cơ bản hoàn thành rà soát tiêu chuẩn đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Theo đó, sẽ sắp xếp lại 50 xã không đạt 50% tiêu chuẩn diện tích theo quy định.

* Giảm 100 đơn vị sự nghiệp công lập

Cùng với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, việc sắp xếp tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện đúng kế hoạch.

Sắp xếp lại tổ chức cơ sở Đảng

Theo Hướng dẫn 38-HD/BTCTW ngày 9-3-2010 của Ban Tổ chức Trung ương về xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức của một số loại hình tổ chức cơ sở Đảng, tại Đồng Nai, cấp ủy cấp huyện đã sắp xếp lại các tổ chức cơ sở Đảng trong cơ quan khối Đảng, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và khối nhà nước cấp huyện. Theo đó, nếu như trước đây các chi, Đảng bộ của từng cơ quan khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể, nhà nước thuộc cấp ủy huyện thì nay thuộc Đảng bộ khối cấp huyện. Việc sắp xếp này đã giảm đầu mối từ 955 tổ chức cơ sở Đảng xuống còn 692 tổ chức cơ sở Đảng, giảm 263 tổ chức cơ sở Đảng.

Hiện nay, toàn tỉnh có 982 đơn vị sự nghiệp công lập (cấp tỉnh 133 đơn vị, cấp huyện 100 đơn vị và đơn vị sự nghiệp giáo dục là 749). Theo kế hoạch của tỉnh, từ quý II-2018 đến năm 2021 sẽ giảm 100 đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó cấp tỉnh từ 133 đơn vị còn 65 đơn vị; cấp huyện từ 100 đơn vị còn 68 đơn vị). Không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Tỉnh cũng sẽ rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại và tinh giản biên chế đối với chức danh y tế học đường, lái xe, bảo vệ, nhân viên phục vụ trong các đơn vị sự nghiệp công lập; số lượng lãnh đạo cấp phó các đơn vị. Đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Lộ trình đến năm 2020 đảm bảo 100% đơn vị sự nghiệp (trừ các đơn vị sự nghiệp giáo dục) hoàn thiện về cơ chế tài chính.

Với quan điểm sắp xếp lại tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, bớt đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm gánh nặng chi phí ngân sách nhà nước, hầu hết các đơn vị đã nghiêm túc xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy.

Chị Nguyễn Thanh Hiền, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn chia sẻ, thực hiện chủ trương của tỉnh về số lượng để thành lập phòng (ban) của khối Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tối thiểu phải là 5 biên chế, tới đây ở cơ quan Tỉnh đoàn sẽ sáp nhập một số ban do không đủ biên chế theo quy định; từ 7 ban sẽ giảm còn 5 ban, tương ứng giảm 2 trưởng ban và 7 phó ban.

“Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy là một chủ trương đúng, phù hợp yêu cầu thực tiễn nhưng một bộ phận cán bộ, công chức đang băn khoăn về chế độ, chính sách sau sắp xếp, kiện toàn bộ máy. Hiện nay chưa có chế độ chính sách cho những trường hợp đang giữ chức vụ xuống làm chuyên viên sau khi phòng, ban sáp nhập. Vấn đề đặt ra lúc này cho đơn vị là phải làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động để hiểu đúng về chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII” - chị Nguyễn Thanh Hiền bày tỏ.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy là vấn đề hệ trọng, tác động rất lớn đến cả hệ thống chính trị, liên quan tới con người và nhiều vấn đề đời sống xã hội, nên ở nhiều hội nghị của tỉnh, đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh luôn lưu ý các đơn vị, địa phương phải tiến hành thận trọng, khách quan, khoa học; làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, công chức viên chức và người lao động, tạo nhận thức và hành động đúng, để thực hiện đạt kết quả theo chủ trương chung của đất nước.

Phương Hằng

Tin xem nhiều